11:04, 22/04/2021

Chọn nông dân xuất sắc làm giảng viên IPM

Ngày 24-11-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Chỉ thị 8141 về tiếp tục triển khai Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu. Ngày 23-3, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2023. Ông Trần Thiện Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết:

Ngày 24-11-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) ban hành Chỉ thị 8141 về tiếp tục triển khai Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu. Ngày 23-3, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2023. Ông Trần Thiện Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN-PTNT cho biết:

 


- Đây không phải chương trình mới mà là tiếp nối  Chương trình IPM trước đây đã thực hiện giai đoạn 2015 - 2020. Chương trình đã đem lại nhiều thành công đáng khích lệ, có nhiều cách làm sáng tạo như: “3 giảm 3 tăng”; “1 phải 5 giảm”; thâm canh lúa cải tiến; gieo sạ né rầy... Cả nước đã đào tạo hơn 3.000 cán bộ, tổ chức hơn 1.000 lớp tập huấn; hiệu quả giảm bón phân vô cơ 10 - 20%, giảm thuốc hóa học 15 - 30%, giảm lượng nước tưới 15 - 20%, tăng năng suất 5 - 15%...


Đối với Khánh Hòa, giai đoạn 2015 - 2020, Chương trình IPM đã mở 36 lớp nhân nuôi bọ đuôi kìm, 77 lớp phòng trừ dịch hại trên cây trồng chủ lực và 79 mô hình ứng dụng IPM trên các loại cây trồng như: Rau, tỏi, lúa, sầu riêng, xoài, cây có múi… Tổng cộng có hơn 6.000 nông dân tham gia. Chương trình IPM đã chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; đào tạo, nâng cao trình độ canh tác, phòng trừ dịch hại theo hướng an toàn, bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Đồng thời, khuyến cáo nông dân sản xuất theo hướng cân bằng sinh thái, hạn chế sử dụng thuốc hóa học, tăng cường các biện pháp sinh học, bảo vệ môi trường theo hướng an toàn và thân thiện.

 
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, chương trình vẫn còn nhiều khó khăn như: Chưa phổ cập IPM trên diện rộng; nhiều giảng viên IPM chuyển công tác; một số địa phương chưa phê duyệt đề án, chương trình... Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang thực hiện các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, AFTA và nhiều hiệp định thương mại khác tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, đòi hỏi yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm. Vì vậy, Bộ NN-PTNT tiếp tục triển khai Chương trình IPM trong giai đoạn mới.


- Đối với Khánh Hòa, việc thực hiện Chương trình IPM giai đoạn 2021 - 2023 có gì mới, thưa ông?


- Trong giai đoạn mới, Khánh Hòa kỳ vọng việc thực hiện Chương trình IPM tiếp tục có những thành quả cao hơn. Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2023, 80% số xã có sản xuất cây trồng chủ lực (xoài, sầu riêng, bưởi, tỏi, mía tím…) có đội ngũ nông dân nòng cốt được trang bị kiến thức, kỹ năng về IPM; 40% diện tích cây tỏi, 40% mía tím, 30% bưởi, 25% sầu riêng, 15% diện tích xoài được ứng dụng IPM đầy đủ với các chỉ tiêu tương ứng. Tỉnh xác định có 5 nhiệm vụ và giải pháp kèm theo gồm: Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng; xây dựng quy trình IPM cho từng loại cây trồng; xây dựng các mô hình ứng dụng (công nghệ sinh học, tưới tiết kiệm, tự động hóa, cảm biến…); nhân rộng đại trà; áp dụng khoa học công nghệ để dự báo sinh vật gây hại. Tỉnh sẽ xây dựng đội ngũ giảng viên cấp tỉnh, huyện; đội ngũ nông dân nòng cốt, chọn nông dân xuất sắc các khóa học làm giảng viên - những nông dân am tường về canh tác lúa và quản lý dịch hại tổng hợp, có khả năng ứng dụng thành công quản lý dịch hại tổng hợp và hướng dẫn cho nông dân khác làm theo; xây dựng các tổ dịch vụ bảo vệ thực vật, câu lạc bộ IPM; lồng ghép các chương trình, dự án…


- Xin cảm ơn ông!


VĨNH LẠC (Thực hiện)