01:03, 12/03/2021

Sản xuất lúa gạo thảo dược: Còn khó trong khâu tiêu thụ

Thời gian qua, một số đơn vị trong tỉnh sản xuất lúa gạo thảo dược nhưng gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai các biện pháp tháo gỡ, phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm.

Thời gian qua, một số đơn vị trong tỉnh sản xuất lúa gạo thảo dược nhưng gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ triển khai các biện pháp tháo gỡ, phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm.


Yếu khâu tiếp thị


Năm 2019, Trại thực nghiệm giống cây trồng Suối Dầu, thuộc Trung tâm Khuyến nông đưa vào sản xuất thử nghiệm lúa thảo dược với diện tích 3.000m2, đạt sản lượng hơn 1 tấn. Nguồn giống lấy từ Công ty TNHH Khoa học và công nghệ Vĩnh Hòa - một đơn vị danh tiếng về sản phẩm lúa gạo thảo dược tại Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, do khâu tiêu thụ gặp khó nên phải tạm dừng. Ông Trần Thượng Hào - Trung tâm Khuyến nông cho biết: “Để phục vụ cho đề tài sản xuất phân trùn quế, đơn vị đã nghiên cứu sản xuất lúa thảo dược nhằm theo dõi chất lượng của phân trùn. Tất cả công đoạn sản xuất đều theo tiêu chuẩn hữu cơ rất nghiêm ngặt nên giá thành gạo đội lên cao. Giá bán gạo thảo dược lúc đó 40.000 đồng/kg, giá hòa vốn cũng 30.000 đồng/kg. Với đặc thù là đơn vị sự nghiệp, rất khó làm tốt khâu quảng bá, tiếp thị nên hiệu quả tiêu thụ kém”.

 

 Sản xuất lúa thảo dược tại Ninh Đông, Ninh Hòa.

Sản xuất lúa thảo dược tại Ninh Đông, Ninh Hòa.


Tương tự, thời gian trước, do khâu liên kết, quảng bá sản phẩm của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa còn nhiều hạn chế nên đơn vị gặp khó trong khâu tiêu thụ. HTX sản xuất 2 mặt hàng chủ lực OCOP (mỗi xã một sản phẩm) là lúa thảo dược và nếp quạ (nếp cẩm). Trong đó, lúa thảo dược 1ha, nếp quạ 1ha; năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha (nếp quạ), 8 tấn/ha (lúa thảo dược). HTX đã đầu tư dây chuyền sản xuất xay xát gạo và lò sấy đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra. Sản phẩm được đóng bao quy cách 1 và 2kg/bao, giá bán lẻ 22.000 đồng/kg, bán sỉ 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do yếu khâu tiếp thị, điểm bán hàng ít, thiếu đại lý nên tiến độ bán 2 sản phẩm này của HTX còn chậm, ít người tiêu dùng biết đến.


Ông Nguyễn Điệt - Giám đốc HTX Nông nghiệp Ninh Đông cho hay, năm 2020, HTX sản xuất 3ha lúa thảo dược và nếp quạ, sản lượng đạt 15 tấn (7,5 tấn mỗi loại). Giống do HTX tự sản xuất. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương nên việc sản xuất lúa thảo dược khá thuận lợi. Sắp tới, HTX sẽ mở rộng diện tích lên 5ha, liên kết với 20 hộ nông dân sản xuất lúa thảo dược và nếp quạ. Hiện nay, việc tiêu thụ gạo thảo dược và nếp quạ đã có bước khởi sắc, đặc biệt là sau khi các sản phẩm này được công nhận OCOP. Tuy nhiên, khi thương hiệu được biết đến lại nảy sinh một số vấn đề khác liên quan tới khâu tiêu thụ. Một số đơn vị muốn thu mua sản phẩm với số lượng lớn nhưng HTX chưa dám ký hợp đồng vì ngại không đảm bảo sản lượng. Một số cơ sở xay xát lúa gạo phía nam đặt hàng mua sản phẩm thô, nhưng cách làm này không mang lại nhiều lợi nhuận, về lâu dài sẽ đánh mất thương hiệu. Một số đơn vị ở xa mong muốn nhận hàng ngay nhưng việc xây dựng phần mềm online đối với HTX còn lạ lẫm. Vì thế, HTX đã để vuột mất nhiều cơ hội.


Sẽ tăng cường quảng bá


Thực tế, trên thị trường, gạo thảo dược là mặt hàng rất “hot”. Nhiều cá nhân, đơn vị, tổ chức sản xuất rất có hiệu quả và phát triển thị trường gạo thảo dược. Điển hình là Công ty TNHH Khoa học và công nghệ Vĩnh Hòa, tỉnh Nghệ An. Vậy tại sao việc tiêu thụ gạo thảo dược ở Khánh Hòa gặp khó?

 

Theo các chuyên gia, gạo thảo dược là cách gọi để chỉ những loại gạo có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn các loại gạo thông thường. Hầu hết các giống lúa tạo ra gạo thảo dược là những giống lúa địa phương có từ lâu đời như: Gạo nếp cẩm, gạo đỏ, giống gạo hạt tròn ở miền núi phía bắc... Tại Khánh Hòa, nếp quạ hay nếp cẩm chính là những giống lúa, nếp thuần khiết được trồng từ xa xưa.

Ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa nhận, hiện tại, các mặt hàng lúa gạo thảo dược và nhiều sản phẩm OCOP còn khó trong khâu tiêu thụ. Nguyên nhân là do các sản phẩm này còn lạ lẫm, người tiêu dùng chưa biết đến và do công tác quảng bá, tiếp thị còn yếu. Hiện nay, việc sản xuất lúa thảo dược cũng chỉ là bước đầu. Trong tỉnh chỉ có HTX Nông nghiệp Ninh Đông là đơn vị sản xuất tương đối quy mô; còn lại không có đơn vị, tổ chức nào sản xuất, ngoại trừ Trung tâm Khuyến nông mới đưa vào thử nghiệm nhưng cũng đã tạm dừng.


Lãnh đạo HTX Ninh Đông thừa nhận việc tiêu thụ lúa gạo thảo dược tại HTX đã có bước khởi sắc khi công tác tuyên truyền được quan tâm. Tuy nhiên, HTX vẫn còn nhiều vấn đề cần Nhà nước trợ giúp như: Tiếp cận vốn vay ưu đãi; liên kết sản phẩm, hỗ trợ giống, phân bón…; hỗ trợ chi phí phân tích dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm (hiện nay chi phí test còn cao)…; đặc biệt là hỗ trợ xây dựng phần mềm online về tiếp thị, mua bán sản phẩm.


Ông Lê Bá Ninh cho biết, thời gian tới, sở sẽ phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh công tác quảng bá các mặt hàng OCOP của tỉnh nói chung, gạo thảo dược nói riêng. Trong đó, đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử nhằm tăng cường kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm gắn với phát triển du lịch…


V.L