10:03, 17/03/2021

Phòng dịch gắn với chuyển đổi chăn nuôi

Những năm qua, nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nói chung và bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc của tỉnh nói riêng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Giai đoạn tới, khống chế dịch bệnh gắn với chuyển đổi chăn nuôi là hướng đi được thúc đẩy và khuyến khích.

Những năm qua, nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nói chung và bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc của tỉnh nói riêng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Giai đoạn tới, khống chế dịch bệnh gắn với chuyển đổi chăn nuôi là hướng đi được thúc đẩy và khuyến khích.


Dịch bệnh lở mồm long móng được khống chế


Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hàng năm, tỉnh đều dành hàng tỷ đồng cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng. Nhờ đó, từ năm 2016 đến 2020, tình hình bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc luôn được khống chế; không để bùng phát dịch bệnh trên quy mô lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động chăn nuôi. Đơn cử như năm 2020, bệnh lở mồm long móng trâu, bò chỉ xảy ra tại 29 hộ ở 3 huyện Vạn Ninh, Diên Khánh và Khánh Vĩnh; tổng cộng có 101 con gia súc mắc bệnh nhưng tất cả đều được điều trị khỏi. Riêng đàn heo không xảy ra bệnh lở mồm long móng. Trong năm, cơ quan chuyên môn tiến hành 2 đợt tiêm phòng cho đàn trâu, bò. Cụ thể, đã có 67.065 lượt con/85.882 con tổng đàn được tiêm phòng, đạt 78,7%. Ở đàn heo, việc hỗ trợ tiêm phòng lở mồm long móng được thực hiện trên đàn heo nái và đực giống của 1.457 lượt hộ chăn nuôi tại các huyện Khánh Vĩnh, Cam Lâm, TP. Cam Ranh và TP. Nha Trang; đã có 4.150 liều vắc xin được tiêm cho 4.062 lượt con/5.583 con tổng đàn, đạt 72,8%.

 

Kế hoạch phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu có từ 80% trở lên đàn vật nuôi được tiêm phòng; số lượng ổ dịch lở mồm long móng và gia súc mắc bệnh giảm từ 10 đến 20% so với trung bình của cả giai đoạn 2016 - 2020. Đến năm 2025, các sở, ngành, địa phương phải xây dựng thành công khoảng 10 cơ sở chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh lở mồm long móng, đáp ứng việc cung cấp con giống an toàn cho người chăn nuôi. Ngoài ra, 100% trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 80% trang trại vừa và 50% trang trại nhỏ áp dụng các biện pháp chăn nuôi heo an toàn sinh học.

Cơ quan thú y kiểm tra công tác phòng dịch tại một hộ chăn nuôi ở Cam Lâm.


Song song với quá trình tiêm phòng, xử lý dịch bệnh, các đợt tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi cũng được thực hiện và chia thành nhiều đợt. Tổng cộng trong năm 2020 đã có khoảng 12.600 lít hóa chất được sử dụng để vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi.


Đẩy mạnh chuyển đổi


Theo ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, những năm qua, bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc hầu hết xảy ra ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Các hộ này chưa đáp ứng những đòi hỏi cần thiết về an toàn chăn nuôi, an toàn dịch bệnh, như: Con giống chưa đảm bảo, chuồng trại còn thô sơ, thức ăn không đảm bảo an toàn dịch bệnh, thậm chí nhiều hộ không tổ chức tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Vì vậy, theo kế hoạch phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2021 - 2025, nhiệm vụ kiểm soát hiệu quả dịch bệnh được gắn với quá trình chuyển đổi chăn nuôi.


Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 300.000 con heo, 70% trong số này được nuôi ở những trang trại chăn nuôi khép kín, được đầu tư bài bản, quy mô hàng nghìn con. Về heo giống, hiện nay đã có các doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty Cổ phần Khánh Tân, Công ty CJ Việt Nam, Công ty TNHH Chăn nuôi Nhật Minh… mỗi năm cung cấp bình quân 250.000 con heo giống đạt tiêu chuẩn cho thị trường. Đối với chăn nuôi đại gia súc, đã có doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi tập trung, khép kín hơn 1.000 con bò tại Khánh Vĩnh. “Đây là kết quả bước đầu và có tính chất nền tảng trong việc chuyển đổi chăn nuôi theo hướng giảm số lượng hộ nuôi, tăng quy mô chăn nuôi và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, môi trường trong chăn nuôi. Đồng thời, góp phần quan trọng vào tính hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi nói chung và bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc nói riêng”, ông Lê Thắng nhấn mạnh.


Được biết, giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách tỉnh sẽ chi 6,28 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện khoảng 1 tỷ đồng, cùng hơn 10 tỷ đồng kinh phí của người chăn nuôi để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh lở mồm long móng. Trong đó bao gồm việc ngăn chặn sự xâm nhiễm vi rút lở mồm long móng từ bên ngoài vào tỉnh; tổ chức tiêm phòng mỗi năm 2 đợt; tổ chức các hoạt động giám sát bệnh chủ động; tăng cường kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ…, đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. Cùng với đó là các chính sách khuyến khích người chăn nuôi xây dựng các chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh, nhằm đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
 

 


 

Kế hoạch phòng, chống bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2021 - 2025 đặt mục tiêu có từ 80% trở lên đàn vật nuôi được tiêm phòng; số lượng ổ dịch lở mồm long móng và gia súc mắc bệnh giảm từ 10 đến 20% so với trung bình của cả giai đoạn 2016 - 2020. Đến năm 2025, các sở, ngành, địa phương phải xây dựng thành công khoảng 10 cơ sở chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh lở mồm long móng, đáp ứng việc cung cấp con giống an toàn cho người chăn nuôi. Ngoài ra, 100% trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 80% trang trại vừa và 50% trang trại nhỏ áp dụng các biện pháp chăn nuôi heo an toàn sinh học.

 




Hồng Đăng