Những năm qua, đã có hàng nghìn hộ nông dân, hàng trăm mô hình kinh tế nông nghiệp tiếp cận được vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân. Rất nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu nhờ có sự trợ lực của nguồn quỹ này.
Những năm qua, đã có hàng nghìn hộ nông dân, hàng trăm mô hình kinh tế nông nghiệp tiếp cận được vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND). Rất nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu nhờ có sự trợ lực của nguồn quỹ này.
Thực hiện nhiều mô hình
Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh, hầu hết các mô hình vay vốn từ Quỹ HTND đều hoạt động có hiệu quả, là cứu cánh cho bài toán kinh tế của hội viên, nông dân. Chẳng hạn như dự án “Trồng táo Thái trong nhà lưới” của Hợp tác xã táo Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh) được hỗ trợ vay 400 triệu đồng để đầu tư mua lưới cải tiến ngăn chặn côn trùng phá hoại táo, phân bón, hệ thống tưới nước nhỏ giọt…, góp phần mang về tổng doanh thu hơn 3,5 tỷ đồng/năm cho hợp tác xã.
Mô hình tổ hợp tác “Trồng dâu nuôi tằm” tại xã Ninh Thượng (thị xã Ninh Hòa) được hỗ trợ vay 500 triệu đồng cho 12 hộ đầu tư nhà nuôi tằm theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương. Nhờ vậy, chất lượng kén đạt rất cao, bình quân mỗi tháng 1 hộp tằm giống cho ra 45 - 50kg kén; tổng thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm; giải quyết việc làm cho 22 lao động. Đây là mô hình chuyển đổi từ cây mía kém chất lượng sang trồng dâu nuôi tằm, mở ra hướng đi đầy hứa hẹn cho nông dân địa phương.
Mô hình của Tổ hợp tác Trồng và chăm sóc xoài xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm có 15 thành viên, được Quỹ HTND cho vay 1 tỷ đồng để đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cải tạo đất, hệ thống tưới nước tự động… Mô hình mang về doanh thu hơn 5,5 tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho 40 lao động. Đây là dự án được đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 61 về nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020 đến thăm và chỉ đạo xây dựng mô hình, phát triển sản xuất theo hướng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng tới xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tiêu biểu có thể kể đến dự án vay vốn của Hợp tác xã “Nuôi tôm hùm lồng” tại xã Cam Lập (TP. Cam Ranh). 10 hộ nơi đây đã cùng nhau vay 400 triệu đồng để phát triển nuôi tôm. Mô hình này từng bước phát triển và có tổng thu nhập 11 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 35 lao động. Hay như dự án vay vốn của Tổ hợp tác “Nuôi gà thả vườn” tại xã Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh), được hỗ trợ 300 triệu đồng để đầu tư sửa chữa chuồng trại, thức ăn, con giống, hệ thống nước uống tự động..., mang về tổng thu nhập 1 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 14 lao động.
Không ngừng lớn mạnh
Quỹ HTND tỉnh được thành lập vào năm 1996. Đến nay, quỹ đang quản lý gần 69 tỷ đồng. Quỹ đã hỗ trợ vốn cho 187 mô hình hợp tác liên kết; cho hơn 3.700 hộ vay vốn, hộ vay ít nhất 10 triệu đồng, nhiều nhất 80 triệu đồng; quy mô dự án từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng cho một dự án. 10 năm qua, doanh số cho vay từ nguồn Quỹ HTND đạt hơn 150 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 500 lượt mô hình hợp tác liên kết, với hơn 8.000 lượt hộ vay vốn. Đặc biệt, với thủ tục vay vốn đơn giản, mức cho vay tối đa 80 triệu đồng/hộ mà không cần đảm bảo tài sản thế chấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho người vay tiếp cận nguồn vốn của quỹ.
Theo ông Nguyễn Trọng Trung - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, không chỉ cho vay, 10 năm qua, hội nông dân các cấp đã phối hợp với các ngành tổ chức 11.927 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 631.000 lượt người tham gia; mở 250 lớp dạy nghề nông nghiệp cho 14.000 lượt người tham gia… Qua đó, giúp người vay phát huy hiệu quả đồng vốn, hạn chế rủi ro tín dụng, xây dựng các mô hình phát triển theo hướng liên kết, hợp tác sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm.
Từ nguồn vốn Quỹ HTND, đến nay, hội đã xây dựng được 290 mô hình kinh tế có hiệu quả, giải quyết việc làm cho hơn 15.000 lao động. Ông Nguyễn Trọng Trung nhấn mạnh: “Những năm qua, nguồn vốn Quỹ HTND góp phần giải quyết nhu cầu vốn của hội viên, nông dân, qua đó hạn chế tình trạng tín dụng đen, vay nóng, lãi cao trên địa bàn nông thôn. Quỹ đã hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng được các mô hình sản xuất cho thu nhập cao, sản xuất ra nông sản có chất lượng, an toàn”. Mặt khác, nguồn quỹ còn là cơ sở quan trọng để hội thực hiện vai trò hướng dẫn nông dân tham gia phát triển kinh tế hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội.
Trong giai đoạn tới, các cấp hội nông dân tiếp tục tham mưu, kiến nghị cấp trên quan tâm chỉ đạo, cấp bổ sung ngân sách cho Quỹ HTND để tăng thêm nguồn lực trong công tác hỗ trợ, đầu tư phát triển các mô hình kinh tế. Nguồn quỹ hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn, mới chỉ đáp ứng được khoảng 48% so với nhu cầu vay vốn của các tổ hợp tác, hợp tác xã, chi hội nghề nghiệp.
Hồng Đăng