Chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc thời hạn hưởng ưu đãi giá mua điện đối với điện mặt trời, do đó, các chủ đầu tư đang gấp rút để có thể đóng điện trước ngày 31-12. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc nên tiến độ thực hiện của các dự án điện mặt trời vẫn gặp khó khăn.
Chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc thời hạn hưởng ưu đãi giá mua điện đối với điện mặt trời, do đó, các chủ đầu tư đang gấp rút để có thể đóng điện trước ngày 31-12. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc nên tiến độ thực hiện của các dự án điện mặt trời vẫn gặp khó khăn.
Ảnh hưởng tiến độ thi công
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh có khoảng 30 dự án điện mặt trời, trong đó có 9 dự án đã được bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh. Đầu năm 2020, có 6 dự án đã hoàn thành và đóng điện vận hành; 3 dự án đã được quy hoạch còn lại cũng dự kiến hoàn thành và đóng điện trong năm 2020. Các dự án này có tổng công suất hơn 300MWp, với vốn đăng ký đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, dự án Nhà máy Điện mặt trời KN Vạn Ninh (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) có công suất lên tới 100MWp, diện tích 120ha, tổng mức đầu tư 2.489 tỷ đồng; Nhà máy Điện mặt trời Long Sơn (xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa) công suất 170MWp, tổng mức đầu tư 2.600 tỷ đồng. Đây là những dự án được kỳ vọng đóng góp lớn vào nguồn điện quốc gia, tăng ngân sách địa phương và giải quyết lao động trong vùng.
Để các dự án này được triển khai thuận lợi, đóng điện đúng tiến độ trước ngày 31-12, thời gian qua, UBND tỉnh cùng các ngành đã tập trung tháo gỡ nhiều khó khăn, nhất là khâu quy hoạch. Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án điện vẫn còn gặp khá nhiều vướng mắc. Tại Nhà máy Điện mặt trời KN Vạn Ninh, đến thời điểm hiện tại, vấn đề xác định giá đất cụ thể và các nghĩa vụ liên quan đến giá thuê đất vẫn chưa thống nhất được. Nhà máy Điện mặt trời Long Sơn cũng đang gặp những bất lợi ảnh hưởng đến quá trình thi công. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc thi công tuyến đường dây đấu nối Nhà máy Điện mặt trời Long Sơn vào lưới điện quốc gia tại Trạm Biến áp 220kV Vân Phong chưa thể hoàn thành. Nguyên nhân do vẫn còn một số hộ không chấp nhận phương án hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng phục vụ cho đường dây đấu nối. Điều này có thể dẫn đến việc nhà máy không đảm bảo tiến độ như cam kết với UBND tỉnh.
Ngoài ra, hiện nay, điều kiện thời tiết không thuận lợi, mưa bão xuất hiện nhiều trong những tháng cuối năm khiến các dự án gặp khó khăn trong thi công. Đặc biệt, trong đợt mưa bão vừa qua, ở 2 dự án Nhà máy Điện mặt trời KN Vạn Ninh và Nhà máy Điện mặt trời Long Sơn đã thiệt hại hàng chục tỷ đồng do thiết bị hư hỏng, các tấm pin đang trong quá trình lắp đặt bị bão thổi bay.
Cần sớm tháo gỡ
Ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc Công ty Cổ phần năng lượng Long Sơn (chủ đầu tư dự án Nhà máy Điện mặt trời Long Sơn) cho biết, sau hơn 4 tháng triển khai thi công, đến nay, dự án Nhà máy Điện mặt trời Long Sơn đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; hệ thống giá đỡ tấm pin, hạng mục móng trạm inverter, máy biến áp và một số hạng mục phụ trợ khác cũng đã thi công xong. Để đảm bảo tiến độ, chủ đầu tư luôn duy trì hơn 1.500 lao động tại công trường, đẩy nhanh tiến độ lắp các tấm pin mặt trời, đảm bảo mỗi ngày lắp khoảng 8MWp. “Song vì những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đang có nguy cơ làm chậm tiến độ của dự án, chúng tôi kiến nghị chính quyền địa phương cùng các cơ quan, ban, ngành có phương án hỗ trợ, đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực nhà máy. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn UBND tỉnh sớm có giải pháp về thủ tục đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng một cách thuận lợi nhất, nhằm tạo điều kiện cho các dự án đóng điện đúng tiến độ để hưởng giá bán điện ưu đãi của Nhà nước”, ông Trung kiến nghị.
Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, để tháo gỡ những khó khăn cho các chủ đầu tư, thời gian qua, sở đã tạo mọi điều kiện để các dự án được triển khai nhanh nhất. Đồng thời, sở cũng có báo cáo UBND tỉnh, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo về thực trạng các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh. Qua đó, kiến nghị các cấp lãnh đạo có biện pháp tháo gỡ khó khăn mà các dự án đang gặp phải; đẩy nhanh xây dựng Trạm Biến áp 220kV Vân Phong để đáp ứng truyền tải điện cho các dự án.
Đình Lâm
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: Khi các dự án điện mặt trời đi vào hoạt động sẽ tăng thêm nguồn thu ngân sách cho tỉnh, tạo việc làm cho người dân địa phương. Trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, việc đẩy nhanh tiến độ thi công dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế. Chính vì vậy, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho chủ đầu tư. Trong đó, các vướng mắc về thủ tục, cơ quan chuyên môn cần sớm tháo gỡ, phải tạo điều kiện tốt nhất để chủ đầu tư sớm đưa các dự án đi vào hoạt động. Đề nghị các ngành, địa phương hỗ trợ các dự án điện trong quá trình triển khai thi công đường dây; vận động người dân chấp hành đúng quy định pháp luật, đảm bảo an toàn, an ninh trong quá trình triển khai dự án điện mặt trời.