01:11, 30/11/2020

Tăng cường quản lý các quỹ tín dụng nhân dân

Để các quỹ tín dụng nhân dân hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vay vốn, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa thường xuyên chỉ đạo, thanh tra, giám sát, đặc biệt trong việc xây dựng và thực hiện phương án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 của quỹ tín dụng nhân dân.

Để các quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vay vốn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa thường xuyên chỉ đạo, thanh tra, giám sát, đặc biệt trong việc xây dựng và thực hiện phương án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 của QTDND.

Hoạt động ổn định, có lãi


QTDND Ninh Hòa (thành lập tháng 11-2016) thành lập muộn nhất trong 4 QTDND đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, quỹ có 1.093 thành viên với nguồn vốn hoạt động hơn 66,7 tỷ đồng. Đây là đơn vị duy nhất không phát sinh nợ xấu tính đến ngày 30-9, cũng là QTDND đầu tiên của tỉnh đạt điều kiện chuyển tiếp về địa bàn hoạt động liên xã theo quy định tại Thông tư 21 của NHNN (các chức danh đều đạt trình độ đại học trở lên). Ông Nguyễn Tấn Lực - Chủ tịch HĐQT QTDND Ninh Hòa cho biết, để hạn chế phát sinh nợ xấu, đơn vị nghiêm túc thực hiện quy trình nghiệp vụ từ thẩm định hồ sơ đến kiểm tra hồ sơ sau giải ngân chặt chẽ; thực kiểm tra, kiểm soát định kỳ. Ngoài ra, nhân viên quỹ thường xuyên theo dõi, bám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng; phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể tại địa phương hoạt động (xã Ninh Quang và phường Ninh Hiệp) để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.   

 

Người dân thực hiện giao dịch tại Quỹ tín dụng nhân dân Ninh Hòa.

Người dân thực hiện giao dịch tại Quỹ tín dụng nhân dân Ninh Hòa.

   
Theo đánh giá của lãnh đạo NHNN Chi nhánh Khánh Hòa, tuy chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng các QTDND trên địa bàn tỉnh vẫn nỗ lực giữ hoạt động ổn định, kinh doanh có lãi; chất lượng tín dụng bảo đảm với nợ xấu và nợ cần chú ý chiếm tỷ trọng thấp trong tổng dư nợ. Tuy nhiên, hiện nay, còn 3 QTDND (Cam Lâm, Vĩnh Thái, Vĩnh Phương) chưa đạt điều kiện chuyển tiếp về địa bàn hoạt động liên xã theo quy định tại Thông tư 21 do thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát chưa đạt yêu cầu về bằng cấp. Được biết, các QTDND nói trên đã lập phương án xử lý gửi về NHNN Chi nhánh Khánh Hòa và cam kết các chức danh sẽ đạt chuẩn trước ngày 31-12.   

 
Nhiều giải pháp xử lý nợ xấu

 

Đến cuối tháng 9-2020, 4 QTDND có tổng số 7.135 thành viên, tăng 354 thành viên so với cùng kỳ năm trước; tổng nguồn vốn hoạt động hơn 242 tỷ đồng, tăng 25,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước; nguồn vốn huy động đạt 207,9 tỷ đồng, tăng 18,9 tỷ đồng (10,05%) so với đầu năm 2020; tổng dư nợ đạt 166,4 tỷ đồng, giảm 2,5 tỷ đồng (1,51%) so với đầu năm; tổng nợ xấu 198 triệu đồng, chiếm 0,12% tổng dư nợ (cả nước 1,19%); kết quả kinh doanh lãi hơn 1,83 tỷ đồng.

Các QTDND đã xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 và được NHNN Chi nhánh Khánh Hòa phê duyệt. Hiện nay, các QTDND đang tích cực thực hiện phương án này thông qua việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu như: Đôn đốc thu hồi nợ, bán, xử lý nợ, xử lý tài sản bảo đảm, khởi kiện khách hàng vay, sử dụng dự phòng để xử lý và các biện pháp cần thiết khác để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.


Ông Đỗ Trọng Thảo - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, chi nhánh thường xuyên quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của NHNN Việt Nam, cơ quan thanh tra, giám sát NH đối với hoạt động của các QTDND trên địa bàn. Qua đó, tiếp tục định hướng các QTDND tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động NH an toàn, hiệu quả; bám sát mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các thành viên, cá nhân, hộ gia đình phục vụ sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn NH.


Từ đầu năm đến nay, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đã tiến hành 2 cuộc thanh tra theo kế hoạch tại QTDND Vĩnh Thái và Cam Lâm. Nhìn chung, các QTDND đều chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động NH. Các sai sót được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra, giám sát chủ yếu là do sai sót về mặt tác nghiệp, chưa có trường hợp sai phạm nào được phát hiện do cố tình gây ra hoặc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Trên cơ sở đó, Thanh tra, giám sát NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đã đưa ra các kiến nghị khắc phục, chỉnh sửa các sai sót trong quá trình tác nghiệp đối với các QTDND.


MAI HOÀNG