Để chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, khắc phục "thẻ vàng" của EC, ngư dân cần tuân thủ quy định phải có Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Nếu không, từ ngày 25-12, tàu cá sẽ không được ra khơi đánh bắt, việc xuất khẩu thủy sản cũng gặp khó khăn.
Để chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, khắc phục “thẻ vàng” của EC, ngư dân cần tuân thủ quy định phải có Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP). Nếu không, từ ngày 25-12, tàu cá sẽ không được ra khơi đánh bắt, việc xuất khẩu thủy sản cũng gặp khó khăn.
Phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Mới đây, một số chủ tàu cá tại phường Vĩnh Phước (TP. Nha Trang) phản ánh việc tàu của họ cập cảng Hòn Rớ bán cá cho doanh nghiệp thu mua nhưng đợi cả tháng doanh nghiệp vẫn chưa trả tiền vì thiếu các giấy tờ liên quan đến chứng nhận đủ điều kiện về ATTP đối với tàu cá. Để tháo gỡ khó khăn này, lãnh đạo Ban quản lý Cảng cá Hòn Rớ cho biết, sẽ tạo điều kiện hoàn thiện thủ tục cho ngư dân để họ có đủ giấy tờ nhận tiền bán cá từ doanh nghiệp, nhưng ngư dân phải cam kết hoàn tất các thủ tục để được cấp chứng nhận đảm bảo ATTP tàu cá theo quy định.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ, Luật Thủy sản (có hiệu lực từ đầu năm 2019) quy định, bắt buộc tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên ra khơi phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Tuy nhiên, biểu mẫu hướng dẫn của Thông tư 21/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không đề cập đến việc kiểm tra tàu cá xuất bến phải có giấy chứng nhận ATTP nên thời gian qua, vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức. Tháng 10 vừa qua, Đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến Khánh Hòa kiểm tra việc thực hiện các quy định về chống khai thác IUU đã yêu cầu thực hiện nghiêm quy định tàu cá phải bảo đảm điều kiện vệ sinh ATTP. Ban quản lý cảng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động người dân thực hiện vấn đề này, bởi đây là một trong những yêu cầu bắt buộc để chống khai thác IUU, khắc phục “thẻ vàng” của EC.
Theo thống kê của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, toàn tỉnh mới có hơn 400/748 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP tàu cá. Hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn nhiều tàu cá chưa có giấy chứng nhận ATTP, trong đó TP. Nha Trang còn gần 150 tàu, thị xã Ninh Hòa gần 100 tàu, huyện Vạn Ninh gần 50 tàu, TP. Cam Ranh gần 50 tàu. Các tàu cá có chứng nhận chủ yếu thuộc nhóm tàu tham gia chuỗi liên kết khai thác, chế biến tiêu thụ cá ngừ và tàu được hỗ trợ theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Tuy hồ sơ, thủ tục cấp Giấy chứng nhận ATTP cho tàu cá đơn giản hơn nhiều so với các cơ sở, ngành nghề khác nhưng vẫn còn một bộ phận chủ tàu cá chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của giấy chứng nhận này đối với xuất khẩu thủy sản nên chưa tiến hành làm thủ tục đăng ký; có trường hợp vì hoạt động khó khăn, tàu cá nằm bờ nên chủ tàu cũng không thực hiện việc đăng ký…
Có chứng nhận mới được ra khơi
Doanh nghiệp trong quá trình thu mua, chế biến hải sản xuất khẩu rất cần nguồn nguyên liệu được chứng nhận bảo đảm điều kiện ATTP. Việc xuất khẩu sẽ gặp khó khăn nếu hồ sơ thiếu nội dung này, vì không bảo đảm yêu cầu của thị trường. Để hoàn thiện vấn đề này, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 21 năm 2018 (có hiệu lực từ ngày 25-12), quy định hồ sơ kiểm tra tàu cá rời cảng phải có Giấy chứng nhận ATTP, nếu không tàu cá sẽ không được vươn khơi khai thác. Không chỉ vậy, Nghị định 115 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP có quy định, tàu cá không có giấy chứng nhận ATTP bị xử phạt từ 30 đến 40 triệu đồng.
Để bảo đảm 100% tàu cá được thẩm định phân loại, cấp Giấy chứng nhận ATTP theo quy định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tiếp tục tuyên truyền cho ngư dân nắm bắt được tầm quan trọng của giấy chứng nhận này trong việc xuất khẩu thủy sản, nhắc nhở ngư dân thực hiện các thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận. Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản hướng dẫn các tàu cá thực hiện đăng ký, cấp giấy chứng nhận theo đúng quy định.
Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cấp Giấy chứng nhận ATTP cho các tàu cá, nhất là về xác nhận kiến thức ATTP cho chủ tàu, chuẩn bị mẫu đơn, hướng dẫn cụ thể cho ngư dân các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận. Ông Nguyễn Ngọc Việt - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết: “Thực tế có những tàu cá của Khánh Hòa thường xuyên cập cảng, lên cá ở tỉnh khác chứ không cập cảng ở Khánh Hòa. Trường hợp này, chúng tôi hỗ trợ ngư dân bằng cách, khi có nhiều tàu cá Khánh Hòa cập cảng, sẽ cử người đến tận nơi để kiểm tra thực tế hiện trạng ATTP của tàu cá làm cơ sở để cấp giấy chứng nhận. Trường hợp tàu cá cập cảng trong thời gian ngắn 1 - 2 ngày, chi cục cử người phối hợp với các văn phòng đại diện thanh tra kiểm soát nghề cá ở các cảng tiến hành kiểm tra điều kiện ATTP ngay khi tàu vừa cập cảng. Song song đó, hướng dẫn ngư dân điền các mẫu đơn để xác nhận kiến thức ATTP, đăng ký cấp Giấy chứng nhận ATTP cho tàu cá”.
HẢI LĂNG