Thời gian gần đây, hàng trăm héc-ta mì mới trồng, đang trong giai đoạn chăm sóc tại huyện Cam Lâm bị nhiễm bệnh khảm lá. Trước nguy cơ bệnh lan rộng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã có những khuyến cáo nhằm hạn chế ảnh hưởng của loại bệnh này đối với cây mì.
Thời gian gần đây, hàng trăm héc-ta mì mới trồng, đang trong giai đoạn chăm sóc tại huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) bị nhiễm bệnh khảm lá. Trước nguy cơ bệnh lan rộng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã có những khuyến cáo nhằm hạn chế ảnh hưởng của loại bệnh này đối với cây mì.
Nhiều diện tích mì nhiễm bệnh
Những ngày qua, nhiều hộ trồng mì ở xã Cam Hiệp Nam hết sức lo lắng khi nhiều diện tích mì có lá bị khảm màu vàng, loang lổ do mắc bệnh khảm lá mì - một loại bệnh do vi rút có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic gây ra. “Những diện tích bị bệnh nhẹ lá cong lại, những diện tích bị bệnh nặng lá xoăn lại, nhăn nhúm, biến dạng, cả ruộng vàng úa, cây chết dần. Bệnh khảm lá trên cây mì lây lan nhanh do bọ phấn trắng chích hút từ cây này truyền sang cây khác nên chưa đầy 20 ngày, gần 2ha mì của gia đình tôi đã bị nhiễm loại bệnh này”, bà Nguyễn Thị Thanh (xã Cam Hiệp Nam) cho biết.
Gia đình ông Trần Văn Trung (xã Cam An Bắc) trồng 4ha mì. Hiện nay, diện tích mì của gia đình ông phần thì chết, phần thì èo uột không phát triển được vì bị nhiễm bệnh khảm lá, trong đó có khoảng 50% diện tích bị nặng, số còn lại ở mức trung bình. Theo ông Trung, bệnh khảm lá trên cây mì xuất hiện ở vùng trồng mì Cam An Bắc khoảng 3 năm trở lại đây nhưng tác hại rất lớn. Những diện tích mì bị bệnh nặng sẽ không tạo củ, còn những diện tích bị nhẹ, nếu chăm sóc tốt thì năng suất, chất lượng tinh bột cũng giảm đến 40 - 50%. Không riêng gia đình ông Trung, trong số 298ha mì ở xã Cam An Bắc có đến 211ha bị bệnh khảm lá, ngoài ra diện tích còn lại còn bị nhện đỏ tấn công.
Theo bà Lương Kim Ngân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh có 3.459ha mì đang trong giai đoạn mới trồng và bắt đầu chăm sóc, tập trung chủ yếu ở Cam Lâm, Khánh Vĩnh… Gần đây, tại địa bàn huyện Cam Lâm đã ghi nhận 340ha mì bị nhiễm bệnh khảm lá, trong đó có 76ha bị nặng với tỷ lệ bệnh lên đến 70 - 100%; 83ha bị nhiễm bệnh ở mức trung bình, với tỷ lệ bệnh từ 30 đến 70% và 181ha bị nhiễm bệnh nhẹ, với tỷ lệ bệnh dưới 30%. Các ruộng mì bị bệnh khảm lá chủ yếu được nông dân trồng bằng các giống mì: KM94, KM95, KM160, HL-S11…
Chú trọng phòng bệnh
Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh khảm lá trên cây mì, vì vậy, nông dân cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh là chính. Trong đó, cần lưu ý không vận chuyển, trao đổi hom giống và các bộ phận khác của cây mì từ những vùng nhiễm bệnh sang vùng chưa nhiễm bệnh để trồng mới; khi trồng cần lựa chọn những giống kháng bệnh tốt. Đối với những vùng đã bị nhiễm bệnh nên trồng các loại cây khác; khoanh vùng và tiêu hủy nguồn bệnh bằng cách nhổ hết cây bị bệnh đem đốt. Đồng thời, nên sử dụng bẫy dính vàng treo trên đồng ruộng để diệt bọ phấn trắng và các loại thuốc để phòng trừ như: MAP Green 3SL, 10SL, Ikuzu 20WP; tuyệt đối không sử dụng hom ở những ruộng bị bệnh làm giống…
Nhận định bệnh khảm lá có chiều hướng tiếp tục phát sinh gây hại trên nhiều diện tích mì trồng mới và đang chăm sóc tại huyện Cam Lâm, với tổng diện tích khoảng 1.300ha, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cam Lâm tiếp tục rà soát, thống kê các khu vực trồng mì để kịp thời phát hiện diện tích bị nhiễm bệnh, có biện pháp xử lý; đồng thời phối hợp với UBND các xã hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ loại bệnh này.
Hải Lăng - Hồng Đăng