11:07, 09/07/2020

Cam Lâm: Phát huy hiệu quả vốn tín dụng chính sách

Những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cam Lâm đã cho hàng chục ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương.

Những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Cam Lâm đã cho hàng chục ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương.


Sử dụng vốn vay hiệu quả


Trước đây, gia đình ông Nguyễn Thanh Hải (xã Suối Tân) thuộc diện khó khăn nhưng mấy năm gần đây, cuộc sống ngày càng khấm khá nhờ cây xoài. Mấy năm trước, với 50 triệu đồng vốn vay từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, gia đình ông đầu tư cho vườn xoài. Hiện thu nhập từ cây xoài mỗi năm đã đạt khoảng 200 triệu đồng. Ông mong muốn được tiếp tục vay thêm vốn của NHCSXH để đầu tư nuôi heo rừng với quy mô lớn.

 

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cam Lâm giao dịch tại xã Suối Tân sáng 8-7.

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cam Lâm giao dịch tại xã Suối Tân sáng 8-7.


Cũng như gia đình ông Hải, trên địa bàn huyện Cam Lâm có nhiều hộ vay sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách như: Gia đình ông Võ Văn An (thị trấn Cam Đức) vay vốn trồng xoài, làm bánh chuối sấy; gia đình bà Thái Thị Tuyết Hằng (xã Cam Hiệp Bắc) vay vốn trồng các loại cây ăn quả và chăn nuôi gà; gia đình ông Nguyễn Thanh Duy (xã Cam Phước Tây) vay vốn nuôi dê; gia đình ông Mã Ngọc Sơn (xã Sơn Tân) vay vốn nuôi heo...


Hiện nay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cam Lâm đang triển khai 11 chương trình tín dụng chính sách dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đến cuối tháng 4-2020, các chương trình tín dụng chính sách đã giúp cho gần 84.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Trong đó, cho vay vốn gần 6.000 lượt hộ nghèo, hơn 7.000 lượt hộ cận nghèo, gần 7.200 lượt hộ mới thoát nghèo; cho vay giải quyết việc làm cho gần 1.000 lượt; giúp 1.260 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; cho vay xây dựng mới và cải tạo gần 57.650 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn...


Bảo đảm chất lượng tín dụng


Bà Châu Thị Diệu Trâm - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết, với sự sát sao của các cấp ủy, chính quyền địa phương và sự chủ động của NHCSXH, dòng vốn ngày một chảy mạnh và phủ rộng. Đến ngày 30-6, nguồn vốn Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cam Lâm quản lý hơn 422,5 tỷ đồng; dư nợ gần 418,3 tỷ đồng, với 17.411 hộ dư nợ; chất lượng tín dụng đảm bảo, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,2% tổng dư nợ. Từ khi thành lập (năm 2007) đến nay, doanh số cho vay lũy kế đã vượt 1.000 tỷ đồng; đã cho hơn 84.000 lượt hộ vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn làm kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; góp phần hạn chế hoạt động “tín dụng đen” ở địa phương, chung tay giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới. Thông qua việc thực hiện tín dụng chính sách đã gắn kết cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vốn vay và NHCSXH với người dân địa phương.


Trong thời gian tới, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện sẽ tiếp tục tham mưu Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện triển khai hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn; tập trung hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vốn vay và UBND các địa phương tiếp tục tuyên truyền để người dân trên địa bàn, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác nắm bắt được các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ; bảo đảm việc thực hiện bình xét cho vay đúng đối tượng, mức vay hợp lý và nắm chắc khả năng trả của hộ vay để bảo đảm nguồn vốn tín dụng chính sách được sử dụng hiệu quả. Cùng với đó, củng cố các tổ tiết kiệm và vay vốn, nâng cao chất lượng cho vay; đôn đốc thu hồi nợ, xử lý kịp thời các trường hợp nợ quá hạn, nợ chây ì, nợ bị rủi ro; phấn đấu giảm tỷ lệ nợ quá hạn còn từ 0,19% trở xuống.


NAM DU