Ngày 25-6, Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh giai đoạn 2019 - 2020 tổ chức kiểm tra, khảo sát thực tế các sản phẩm OCOP tại Khánh Sơn.
Ngày 25-6, Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh giai đoạn 2019 - 2020 tổ chức kiểm tra, khảo sát thực tế các sản phẩm OCOP tại Khánh Sơn.
Năm 2019, huyện Khánh Sơn có 7 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP, trong đó có 6 sản phẩm quả sầu riêng tươi và 1 sản phẩm mía tím. Qua xếp hạng sơ bộ, có 4 sản phẩm hội đủ các điều kiện để hội đồng cấp tỉnh xem xét đánh giá, đều là trái sầu riêng tươi của Hợp tác xã Cây ăn quả Sơn Bình và 3 tổ hợp tác cây ăn quả gồm: Sơn Hiệp, Tô Hạp, Ba Cụm Bắc. Hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 1.500ha sầu riêng, trong đó có hơn 500ha đang cho thu hoạch với sản lượng năm 2019 là 3.400 tấn. Sản phẩm của các tổ chức trên đều có quy mô tương đối lớn, trái sầu riêng của Hợp tác xã Cây ăn quả Sơn Bình đã được chứng nhận VietGAP.
Sau khi khảo sát thực tế tại 1 vườn sầu riêng ở thôn Cô Lắc, xã Sơn Bình, các thành viên hội đồng đánh giá cao thương hiệu “Sầu riêng Khánh Sơn” cũng như chất lượng thơm ngon của sầu riêng trồng nơi đây so với nhiều địa phương khác trên cả nước. Đồng thời, đề nghị các chủ thể từng bước mở rộng vùng trồng có truy xuất nguồn gốc, theo tiêu chuẩn VietGAP trở lên. Chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan tiếp tục tập trung hỗ trợ người trồng sầu riêng bảo vệ thương hiệu, các thủ tục để đăng ký vùng trồng, nhãn mác, mã QR truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại, nhất là thị trường xuất khẩu chính ngạch.
Sau khảo sát thực tế, Hội đồng cấp tỉnh sẽ tiến hành xem xét, xếp hạng sản phẩm theo các tiêu chí của OCOP.
H.Đ