11:06, 22/06/2020

Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp: Còn nhiều khó khăn

Đến thời điểm này, những khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã được các cơ quan chức năng, cộng đồng ngư dân trong tỉnh thực hiện quyết liệt và đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn cần được giải quyết để tháo gỡ "thẻ vàng" của EC.

Đến thời điểm này, những khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã được các cơ quan chức năng, cộng đồng ngư dân trong tỉnh thực hiện quyết liệt và đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn cần được giải quyết để tháo gỡ “thẻ vàng” của EC.


Kết quả tích cực


Qua hơn 2 năm thực hiện các khuyến nghị của EC liên quan đến việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, câu chuyện “thẻ vàng” đã trở thành bài học nằm lòng của nhiều chủ tàu, ngư dân trên địa bàn tỉnh. Theo ông Trần Văn Đạt - ngư dân ở Hòn Rớ (TP. Nha Trang), “thẻ vàng” của EC tác động rất lớn đến hiệu quả khai thác, đời sống của ngư dân. Vì vậy, chủ tàu cá phải thực hiện nghiêm các quy định này. Tàu muốn ra khơi phải có giấy phép khai thác, cho tàu hoạt động đúng ngư trường, không khai thác ở vùng biển nước ngoài; phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và bật liên tục trong quá trình hoạt động; trước khi ra vào cảng phải thông báo trước 1 giờ; việc ghi nộp, nhật ký khai thác thực hiện theo đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng… Ông mong cộng đồng ngư dân trong tỉnh tiếp tục đồng lòng cùng các cơ quan chức năng thực hiện tốt việc khắc phục “thẻ vàng”, đưa nghề khai thác thủy sản của tỉnh phát triển theo hướng bền vững, có trách nhiệm. Có như thế, sản phẩm của ngư dân làm ra mới có thể xuất khẩu được sang thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… đang ngày càng đòi hỏi cao về trách nhiệm xã hội.

 

Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá vẫn còn gặp một số khó khăn.

Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá vẫn còn gặp một số khó khăn.


Hơn 2 năm qua, các khuyến cáo của EC đã cơ bản được khắc phục. Trong đó, nổi bật nhất là từ cuối năm 2018 đến nay đã chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Từ đầu năm đến nay, 4 văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng trong tỉnh đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát hơn 1.250 lượt tàu cá xuất, nhập cảng; kiểm tra hơn 2.000 tấn hải sản khai thác. Cơ quan chức năng đã cấp giấy xác nhận sản phẩm thủy sản từ khai thác cho 782 tấn hải sản và cấp giấy chứng nhận sản phẩm thủy sản từ khai thác cho 1.235 tấn hải sản để doanh nghiệp xuất khẩu.


Công tác tuần tra, kiểm soát trên biển cũng thường xuyên được thực hiện. 5 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã thực hiện 218 đợt tuần tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác thủy sản đối với 18 phương tiện, nhờ đó tình trạng tàu cá vi phạm giảm hẳn so với trước. Việc cập nhật, công khai thông tin dữ liệu tàu cá lên phần mềm Vnfisbase, website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để các cơ quan liên quan truy cập, xác nhận được thực hiện kịp thời. Việc lưu trữ, sắp xếp hồ sơ được ban quản lý các cảng cá bố trí khoa học, dễ dàng truy xuất…


Một số khó khăn


Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, tuy việc triển khai các khuyến nghị của EC đã đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng vẫn còn một số khó khăn cần được giải quyết. Cụ thể, hiện nay, có 12 tàu cá mà chủ tàu đã bán đi trong và ngoài tỉnh nhưng không làm thủ tục chuyển nhượng, không cung cấp thông tin người mua; người mua cũng không đăng ký lại tàu cá, không đăng ký cấp giấy phép khai thác thủy sản và không đăng ký kiểm tra chứng nhận an toàn tàu cá. Các tàu cá này trên danh nghĩa vẫn là tàu cá Khánh Hòa nhưng còn hoạt động hay không, hoạt động ở vùng biển nào thì không thể xác định được. Để đảm bảo công tác quản lý tàu cá đối với nhóm tàu đã bán hoặc chủ tàu không còn cư trú tại địa phương, các cơ quan chức năng đang tiến hành thông báo, niêm yết danh sách, mời chủ tàu lên làm việc để xác định rõ từng trường hợp cụ thể người mua; yêu cầu thực hiện việc đăng ký lại, kiểm tra chứng nhận an toàn tàu cá và cấp giấy phép hoạt động thủy sản, nếu không thực hiện thì sẽ tiến hành xóa tên tàu cá khỏi phần mềm quản lý tàu cá Vnfishbase.


Mặt khác, đến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 550 tàu cá khai thác xa bờ đã lắp đặt xong thiết bị giám sát hành trình theo quy định, nhưng vẫn còn 193 tàu cá chưa lắp đặt thiết bị này do chủ tàu gặp khó khăn về kinh phí, trong khi hiệu quả đánh bắt các chuyến biển gần đây thấp. Một số tàu do khó khăn nên không đóng được cước phí sử dụng dịch vụ liên lạc giám sát hành trình nên có nguy cơ bị cắt dịch vụ. Vì vậy, các chủ tàu kiến nghị tỉnh sớm ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân trong việc lắp đặt thiết bị cũng như cước phí sử dụng dịch vụ để giám sát hành trình tàu cá. 


Không chỉ vậy, việc quản lý dữ liệu thông tin tàu cá qua hệ thống giám sát hành trình đặt tại Chi cục Thủy sản cũng gặp khó khăn trong việc truy xuất dữ liệu do tín hiệu cập nhật dữ liệu giữa hệ thống giám sát tàu cá và các đơn vị cung cấp thiết bị chưa đầy đủ thông tin, dẫn đến tình trạng truy xuất thông tin thời gian hoạt động của tàu cá bị ngắt quãng. Để xử lý vấn đề này, Trung tâm Thông tin thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cần sớm kiểm tra việc kết nối các dữ liệu.


HẢI LĂNG