Từ sau Tết Nguyên đán 2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, bưởi da xanh liên tục rớt giá khiến người trồng bưởi ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) thất thu. Điều chính quyền lo ngại là diện tích cây bưởi đang phát triển ồ ạt, gấp đôi diện tích so với quy hoạch.
Từ sau Tết Nguyên đán 2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, bưởi da xanh liên tục rớt giá khiến người trồng bưởi ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) thất thu. Điều chính quyền lo ngại là diện tích cây bưởi đang phát triển ồ ạt, gấp đôi diện tích so với quy hoạch.
Liên tục rớt giá
Ông Dương Văn Thuyền (thôn Suối Cá, xã Khánh Trung) cho biết, ông quê ở Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Cách đây 5 năm, ông đưa gia đình đến Khánh Vĩnh lập nghiệp, vì nhận thấy vùng đất này trồng bưởi da xanh có nhiều thuận lợi. Đến nay, gia đình ông đã phát triển được 15ha bưởi, trong đó gần 1/2 diện tích bắt đầu cho thu hoạch, thu thường xuyên khoảng 1,5ha. Trước Tết Nguyên đán, bưởi đẹp, được giá, thương lái thu mua tại vườn lên đến 45.000 đồng/kg, hoặc 35.000 đồng/kg đối với size từ 1kg trở lên, cho thu nhập khá. Tuy nhiên, từ sau Tết, bưởi liên tục hạ giá. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, giá rớt xuống chỉ còn 25.000 đồng/kg đối với bưởi đẹp; bưởi nhỏ, xấu chỉ còn 15.000/kg. “Hiện nay, do thực hiện giãn cách xã hội, thương lái lớn không đến thu mua được, chỉ có vài thương lái địa phương đến vườn mua với số lượng cầm chừng, lựa trái đẹp và giá thấp. Vườn bưởi của gia đình tôi thu hoạch lên đến khoảng 10 tấn/ha/năm. Rớt giá, gia đình tôi thất thu một khoản tiền lớn”, ông Thuyền nói.
Ông Lê Xuân Trường (xã Khánh Thành) cho hay, nhà ông trồng 0,5ha bưởi. Mấy tháng trước, vườn bưởi nhà ông không lo đầu ra, thương lái đến lùng, to nhỏ đều thu mua hết tại vườn. Tuy nhiên, từ khi có dịch, những vườn bưởi nhỏ như nhà ông, thương lái không ai hỏi đến. Ông phải nhờ con cái bán bưởi qua facebook mới tiêu thụ được một ít.
Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Khánh Vĩnh, bưởi da xanh rớt giá là do thị trường tiêu thụ tại địa phương bị thu hẹp, không có khách du lịch. Mặt khác, do giãn cách xã hội nên thương lái ngoại tỉnh không đến thu mua được. Sức mua cũng chậm do người tiêu dùng dè sẻn trong chi tiêu. Vì vậy hiện nay, nhiều chủ vườn đã tính toán đến giải pháp treo quả trên cành, giãn thời gian thu hoạch. “Cây bưởi dễ hơn loại cây trồng khác là có thể neo trái tại vườn, kéo dài thời gian thu hoạch trong 1 tháng bằng cách tưới nước liên tục. Chúng tôi cố gắng giữ trái trên cây càng lâu càng tốt, nếu may dịch bệnh qua nhanh, bưởi sẽ được giá hơn”, một nông dân nói.
Phá vỡ quy hoạch
Từ 15 năm trước, thông qua chương trình hỗ trợ giống cây trồng, cây bưởi được đưa về trồng trên đất Khánh Vĩnh. Nhờ hợp thổ nhưỡng, cây bưởi cho trái ngon, phát huy hiệu quả kinh tế nên từ năm 2015, UBND huyện Khánh Vĩnh đã đưa cây bưởi vào đề án cây trồng chủ lực của địa phương. Từ đó, người trồng bưởi được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần tiền mua cây giống, vật tư nông nghiệp, chi phí thủy lợi, hướng dẫn kỹ thuật. Tính bình quân mỗi héc-ta bưởi, người dân được hỗ trợ khoảng 30 triệu đồng. Đặc biệt, sau khi trồng bưởi, được thương lái trong và ngoài tỉnh thu mua tận vườn với giá cao, lợi nhuận khá, diện tích bưởi da xanh trên địa bàn huyện phát triển nhanh, ồ ạt, nhiều nhất tại các xã: Khánh Đông, Khánh Bình, Khánh Nam, Khánh Trung, Sông Cầu, Khánh Thành…
Ông Lương Nguyễn Nhật Trường - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết, đến nay, diện tích cây bưởi trên địa bàn huyện đã phát triển lên đến 550ha, trong đó có 170ha đã cho thu hoạch, kinh doanh ổn định, năng suất khoảng 7 tấn/ha. Theo quy hoạch, diện tích cây bưởi phát triển đến cuối năm 2020 khoảng 300ha là phù hợp, nhưng đến nay, người dân đã trồng với diện tích tăng gần gấp đôi, phá vỡ quy hoạch. Cây bưởi cho thu hoạch quanh năm, nhưng sẽ có nguy cơ khủng hoảng thừa vào thời điểm thu hoạch rộ.
Để tránh lập lại điệp khúc “được mùa, rớt giá”, UBND huyện đang xây dựng Đề án chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ông Văn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND huyện cho biết, hiện nay, trái bưởi chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh và một số ít đi các địa phương khác, chưa xuất khẩu được. Hình thức tiêu thụ cũng chỉ ăn trực tiếp, chưa có chế biến. Nếu tiếp tục trồng bưởi ồ ạt, đầu ra sản phẩm dự báo sẽ khó khăn. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, hạn hán kéo dài thì việc chăm sóc bưởi tại các vùng sâu sẽ gặp khó về nguồn nước. Vì vậy, huyện đang tăng cường tuyên truyền người dân không nên tiếp tục phát triển ồ ạt cây bưởi, chỉ nên phát triển tại vùng trọng điểm và cần nắm vững kỹ thuật canh tác để tránh suy giảm chất lượng trái bưởi, ảnh hưởng đến thương hiệu.
Minh Thiết