Hiện nay, người chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bắt đầu tổ chức tái đàn. Tuy nhiên, nguồn heo giống đang thiếu hụt so với nhu cầu.
Hiện nay, người chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bắt đầu tổ chức tái đàn. Tuy nhiên, nguồn heo giống đang thiếu hụt so với nhu cầu.
Đỏ mắt tìm heo giống
Tại huyện Cam Lâm, thủ phủ chăn nuôi heo của tỉnh, hoạt động tái đàn đang diễn ra khá mạnh. Bà Hồng Phương, chủ một trại heo khá lớn trên địa bàn xã Cam An Bắc cho biết, trước khi dịch tả heo châu Phi (ASF) xảy ra, trại của bà nuôi hơn 200 con heo nái, mỗi tháng cho ra hơn 400 heo giống. Số heo giống này một phần bà để lại nuôi, một phần bán ra thị trường với giá 1,1 triệu đồng/con trọng lượng 10kg. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của ASF, trong năm 2019, trại đã chủ động giảm đàn heo nái xuống còn khoảng 100 con, mỗi tháng cho ra khoảng 200 con heo giống. Hiện nay, trước nhu cầu tái đàn, toàn bộ số heo này được chủ trại giữ lại nuôi, không bán ra thị trường. “Giá heo giống trong năm qua tăng giảm liên tục tùy thuộc vào giá heo thịt và tình hình dịch bệnh. Hiện nay, dù giá heo giống đang rất cao nhưng chúng tôi không có heo bán ra thị trường mà phải để dành phục vụ tái đàn”, bà Phương nói. Tại một trang trại khác ở xã Cam Hải Tây, tình cảnh cũng tương tự khi hộ nuôi ở đây có hơn 20 con heo nái và thực hiện nuôi nái - thịt khép kín, không có heo giống bán ra thị trường.
Ở các đơn vị chuyên cung cấp heo giống quy mô lớn, tình trạng khan hiếm heo giống cũng diễn ra. Theo bà Huỳnh Thị Chín, chủ trang trại nuôi heo giống tại xã Diên Xuân, huyện Diên Khánh, do dịch ASF nên trong năm 2019, trang trại đã chủ động giảm đàn heo nái từ 2.400 con xuống còn 1.200 con. Số heo nái này mỗi tháng cho ra đời khoảng 2.500 con heo giống. Số lượng này chỉ đủ nuôi và bán cho đối tác đã ký hợp đồng làm ăn lâu dài nên không có heo bán lẻ ra thị trường.
Thực tế này khiến những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô khoảng 100 con trở xuống gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn heo giống. Theo một người chăn nuôi heo ở xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm, sau khi toàn bộ đàn heo hơn 50 con bị tiêu hủy do ASF giữa năm 2019, đến nay, cơ sở đang có ý định tái đàn. Tuy nhiên, hơn 1 tháng nay, cơ sở đi tìm nguồn cung cấp giống nhưng chỉ mua được vài chục con ở những hộ nuôi thân quen, nhỏ lẻ. “Heo giống loại 10kg đẹp hiện nay được bán với giá 2,7 triệu đồng/con, cao hơn gấp đôi so với bình thường, loại 7kg giá 2,2 triệu đồng/con nhưng cũng không kiếm ra. Nhiều hộ nuôi không dám tái đàn vì chưa hoàn toàn sạch ASF, mặt khác chi phí đầu tư con giống đang ở mức quá cao”, chủ hộ nuôi heo này cho biết.
Chỉ nên tái đàn khi đảm bảo an toàn
Theo một số hộ nuôi nhỏ lẻ, việc giá heo hơi đang ở mức cao khiến các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi lớn có sản xuất heo giống “ém hàng” để tự nuôi heo thịt, thay vì chia sẻ nguồn giống với người chăn nuôi khác. Tuy nhiên, thực tế còn có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến thiếu hụt đàn heo giống.
Ông Võ Ngọc Lâm - Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Chi nhánh Khánh Hòa (CP Khánh Hòa) cho biết, hiện nay, hệ thống chăn nuôi gia công CP trên địa bàn tỉnh có 151 trại nuôi với tổng đàn hơn 148.000 con. Với heo giống, công ty chủ động 3 trại heo tại Khánh Vĩnh với công suất khoảng 180.000 con/năm, trong khi nhu cầu heo giống cần cho 151 trại gia công ở Khánh Hòa mỗi năm là 300.000 con, phần thiếu công ty tự cân đối trong hệ thống của mình. Vì vậy, việc đưa heo giống ra thị trường rất hạn chế. Còn theo bà Chín, thời gian qua, do tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều doanh nghiệp nuôi heo nái chưa tổ chức bổ sung đàn heo nái hậu bị nên dự báo tình trạng khan hiếm heo giống sẽ còn kéo dài.
Ở góc độ cơ quan chức năng, ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, hiện nay, công tác tái đàn chủ yếu diễn ra ở các công ty, trại chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, con giống đảm bảo và được luân chuyển trong nội bộ. Đối với các hộ chăn nuôi không đủ điều kiện an toàn sinh học, chi cục khuyến cáo không nên tổ chức tái đàn vì nguy cơ tái phát dịch bệnh cao; trong khi giá heo giống đang cao, khó mua heo giống đảm bảo chất lượng, rất dễ gây thiệt hại lớn về kinh tế. Đối với việc tái đàn ở những hộ nuôi đã bị ASF, chỉ nên tái đàn 10% so với công suất chuồng, sau đó tiến hành theo dõi ít nhất 30 ngày, nếu đàn heo phát triển ổn định mới nuôi đủ công suất chuồng nuôi.
HỒNG ĐĂNG