Từ năm 2018 đến nay, hoạt động đấu thầu, chuyển đổi mô hình kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn tỉnh không thể thực hiện do vướng các quy định pháp luật. Hiện nay, các sở, ngành đang phối hợp để đưa ra các phương án gỡ vướng cho hoạt động này.
Từ năm 2018 đến nay, hoạt động đấu thầu, chuyển đổi mô hình kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn tỉnh không thể thực hiện do vướng các quy định pháp luật. Hiện nay, các sở, ngành đang phối hợp để đưa ra các phương án gỡ vướng cho hoạt động này.
Khó cho địa phương và doanh nghiệp
Chợ Vĩnh Phương (Nha Trang) được đấu thầu và giao cho hộ kinh doanh khai thác quản lý từ tháng 7-2013 đến tháng 7-2018. Tuy đã hết thời gian giao thầu gần 2 năm nhưng đến nay, UBND xã Vĩnh Phương vẫn chưa tổ chức đấu thầu lại. Lãnh đạo xã Vĩnh Phương cho biết, từ khi hết thời gian giao thầu đến nay, xã vẫn gia hạn cho hộ kinh doanh tiếp tục khai thác, quản lý chợ cho đến khi có văn bản quy định mới. Việc chậm tổ chức đấu thầu chợ cũng gây ra một số khó khăn cho địa phương như: giảm nguồn thu ngân sách; khó lựa chọn đơn vị khai thác, quản lý chợ tốt hơn…
Thời gian qua, Công ty TNHH một thành viên Đại An trúng thầu khai thác, quản lý 4 chợ gồm: chợ Dinh, chợ Dục Mỹ (thị xã Ninh Hòa), chợ Thành (huyện Diên Khánh) và chợ Vạn Ninh (huyện Vạn Ninh). Trong đó, chợ Dục Mỹ và chợ Dinh vẫn còn thời gian giao thầu đến năm 2021, năm 2022 nhưng chợ Thành hết hạn từ tháng 3-2019, chợ Vạn Ninh hết hạn từ tháng 11-2018. Công ty đã được UBND huyện gia hạn thêm 1 năm, nhưng đến nay cũng đã hết thời gian gia hạn. Ông Phan Thái Bình - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đại An cho biết: “Quỹ lương, bảo hiểm xã hội cho nhân viên công ty tăng hàng năm. Trong khi không đấu thầu lại thì phương án tài chính của công ty bị lạc hậu nên công ty phải chịu lỗ do nguồn thu giữ nguyên, nguồn chi tăng. Công ty rất mong sớm được tổ chức đấu thầu lại để có phương án tài chính tốt hơn”.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 126 chợ, gồm 3 chợ hạng I, 9 chợ hạng II và 114 chợ hạng III. Trong đó, có 20 chợ đã đấu thầu, chuyển đổi mô hình kinh doanh khai thác quản lý từ Nhà nước sang tư nhân. Đến nay, có 13 chợ đang được doanh nghiệp, hộ kinh doanh khai thác quản lý còn thời hạn hợp đồng giao thầu; 5 chợ đã hết thời gian giao thầu và được UBND huyện, xã tiếp tục gia hạn hợp đồng; 2 chợ đã được UBND xã thanh lý hợp đồng, thu hồi để quản lý. Nhìn chung, các chợ sau khi chuyển đổi mô hình quản lý đã hoạt động ổn định, có hiệu quả nhất định trong công tác thu ngân sách, đầu tư sửa chữa hạ tầng chợ; công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy được quan tâm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, từng bước thực hiện xã hội hóa đối với hoạt động quản lý chợ.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, các địa phương phải dừng tổ chức đấu thầu, chuyển đổi mô hình kinh doanh khai thác chợ. Nguyên nhân là do trước đây, công tác đấu thầu, chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác, quản lý chợ được thực hiện theo Quyết định 38 ngày 1-12-2011 của UBND tỉnh, Nghị định số 02 ngày 14-1-2003 và Nghị định số 114 ngày 23-12-2009 của Chính phủ về quản lý và phát triển chợ. Tuy nhiên, khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, các quy định trên không còn phù hợp. Đầu năm 2020, Bộ Công Thương cho biết, bộ đang tổng hợp ý kiến, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung nghị định về phát triển và quản lý chợ cho phù hợp, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện phát triển hệ thống chợ trên toàn quốc.
Đề xuất phương án xử lý các chợ đã đấu thầu
20 chợ trên địa bàn tỉnh đã đấu thầu, chuyển đổi mô hình kinh doanh khai thác quản lý từ Nhà nước sang tư nhân gồm: chợ Vĩnh Phương, Vĩnh Thọ, Vĩnh Ngọc, Hòn Rớ (TP. Nha Trang); chợ Ba Ngòi, Mỹ Ca, Cam Phúc Bắc (TP. Cam Ranh); chợ Dinh, Dục Mỹ (thị xã Ninh Hòa); chợ Thành, Gò Đình, Diên An, Diên Phước, Diên Thạnh, Diên Phú (huyện Diên Khánh); chợ Vạn Ninh (huyện Vạn Ninh); chợ Suối Tân, Tân Xương (huyện Cam Lâm); chợ thị trấn Khánh Vĩnh (huyện Khánh Vĩnh) và chợ Tô Hạp (huyện Khánh Sơn). |
Theo Sở Công Thương, hiện nay, Chính phủ chưa ban hành quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thương mại. Do đó, tỉnh chưa có cơ sở pháp lý cụ thể để điều chỉnh quy định về trình tự, thủ tục, phương thức đấu thầu kinh doanh, khai thác và quản lý chợ. Để tháo gỡ vướng mắc này, Sở Công Thương đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý các chợ đã tổ chức đấu thầu, giao cho doanh nghiệp hộ kinh doanh quản lý theo hướng: cho các doanh nghiệp hộ kinh doanh quản lý được tiếp tục hợp đồng cho đến khi hết thời hạn, sau đó sẽ thực hiện thanh lý hợp đồng và bàn giao tài sản chợ cho UBND cấp huyện, xã để quản lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản liên quan. Đồng thời, sở kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 để lập đề án khai thác tài sản trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Trước đề xuất của Sở Công Thương, vừa qua, UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tư pháp, các huyện, thị xã, thành phố thống nhất ý kiến tham mưu các phương án giải quyết vướng mắc liên quan đến công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh; báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định trước ngày 30-4-2020.
MAI HOÀNG