Năm 2020, toàn tỉnh Khánh Hòa có 39 sản phẩm được định hướng đăng ký tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây là những sản phẩm thế mạnh của các địa phương, đang cần các chủ thể sản xuất chăm lo hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng.
Năm 2020, toàn tỉnh Khánh Hòa có 39 sản phẩm được định hướng đăng ký tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây là những sản phẩm thế mạnh của các địa phương, đang cần các chủ thể sản xuất chăm lo hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng.
Từ sản phẩm thế mạnh
OCOP năm nay tiếp tục đặt mục tiêu tạo ra các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế so sánh của địa phương, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng tại chỗ và xuất khẩu. Với mục tiêu này, các sản phẩm từ khu vực nông thôn được định hướng tham gia chương trình ít nhiều đều đã và đang để lại dấu ấn, trở thành nguồn thu nhập chính cho người dân một xã, một khu vực. Chẳng hạn ở Cam Lâm có xoài, khoai sáp; Vạn Ninh có chả cá, dừa xiêm; Khánh Sơn có sầu riêng, mía tím; Khánh Vĩnh có dưa lưới, bưởi da xanh; Cam Ranh có tôm hùm, táo, thịt dê…
Đây đều là các sản phẩm thế mạnh, được thị trường biết đến và tin dùng. Tuy nhiên, tính bền vững là yếu tố còn thiếu ở hầu hết các sản phẩm được làm ra từ khu vực nông thôn. Vì vậy, mục tiêu được nhắc đến nhiều trong chương trình OCOP đó là làm sao xây dựng, phát triển được các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản phẩm ấy phù hợp với xu thế, đòi hỏi của thị trường. Khi chủ thể sản xuất đã làm ra được những sản phẩm như vậy, chương trình OCOP sẽ đảm nhiệm vai trò xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh, xa hơn nữa là xuất khẩu ra nước ngoài.
Như trái xoài ở Cam Lâm, để gia tăng hơn nữa giá trị theo mục tiêu chính yếu của OCOP, người trồng xoài Cam Lâm không chỉ đổi mới phương thức sản xuất, tuân thủ các điều kiện về an toàn sinh học, mà còn phải đa dạng hơn nữa các sản phẩm chế biến từ trái xoài có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn hiệu, thương hiệu… thay vì hầu như chỉ bán quả tươi vốn đang bấp bênh và nhiều rủi ro như hiện nay.
Chủ thể tham gia đóng vai trò nòng cốt
Theo kế hoạch OCOP 2020 do UBND tỉnh vừa ban hành, năm nay có 39 sản phẩm của các địa phương được định hướng tham gia chương trình. Tổng kinh phí thực hiện chương trình là 17,77 tỷ đồng, trong đó có hơn 6,5 tỷ đồng ngân sách nhà nước, còn lại là vốn đối ứng của các chủ thể tham gia chương trình.
Phần lớn nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ được dùng để thực hiện việc chuẩn hóa các sản phẩm tham gia chương trình như: xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì, máy móc, trang thiết bị… Ngoài ra, một phần đáng kể nguồn vốn được dùng cho việc tuyên truyền, tập huấn và hỗ trợ các chủ thể trong quá trình đăng ký ý tưởng.
Theo lộ trình của OCOP, ngoại trừ hoạt động tuyên truyền thực hiện liên tục trong năm, các nội dung công việc như: chủ thể đăng ký ý tưởng; cơ quan OCOP cấp xã, huyện nhận, xét chọn và đánh giá ý tưởng sản phẩm; nhận và thẩm định kế hoạch kinh doanh của chủ thể; triển khai kế hoạch kinh doanh… được thực hiện trong quý II/2020, sang quý III sẽ tập trung vào việc đánh giá và phân hạng sản phẩm. Đến quý IV, các sản phẩm đạt yêu cầu (theo cấp độ sao) sẽ được tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại. Những sản phẩm chưa đạt sẽ chuyển sang năm tiếp theo tiếp tục xây dựng.
Ngoài 39 sản phẩm được định hướng tham gia OCOP năm nay, đáng chú ý có dự án Xây dựng làng văn hóa du lịch Bình Lập tại thôn Bình Lập, xã Cam Lập, TP. Cam Ranh được đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư). Toàn bộ vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng do chủ thể tham gia đảm nhận. Tương tự, dự án Làng văn hóa du lịch thác Tà Gụ tại thôn Tà Gụ, xã Sơn Hiệp, Khánh Sơn với 5 tỷ đồng đầu tư hạ tầng từ nguồn vốn của chủ thể tham gia OCOP.
Theo đại diện Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, là một chương trình còn khá mới mẻ, cách thức vận hành liên quan nhiều đến việc thay đổi trong quản lý sản xuất của các chủ thể tham gia, vì vậy, sau hơn 1 năm triển khai, OCOP tại Khánh Hòa vẫn đang tập trung nhiều cho hoạt động tuyên truyền, đặc biệt là việc trang bị cho các chủ thể về ý tưởng sản phẩm, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh dựa trên ý tưởng đó. Khi các chủ thể đã nắm bắt được mục tiêu, ý nghĩa và tính hiệu quả kinh tế cũng như đổi thay trong hình thức sản xuất của sản phẩm OCOP so với sản xuất thông thường, khi đó chương trình OCOP mới thực sự phát huy mạnh mẽ công năng của mình.
Hồng Đăng
39 sản phẩm định hướng tham gia OCOP năm 2020:
Vạn Ninh: Tỏi, dừa xiêm, chả cá, bánh tráng kẹo dừa, nấm rơm, nấm linh chi, nấm bào ngư, nước uống đóng chai, hoa cúc, trầm hương mỹ nghệ, trầm hương.
Ninh Hòa: Nếp cẩm, gạo thảo dược, rau muống sạch, tôm thẻ, trà linh chi.
Nha Trang: Nấm linh chi, nấm bào ngư, nấm mèo, nấm hương chịu nhiệt, bánh phồng tôm rong biển.
Diên Khánh: Bánh tráng, gạo, nước mắm, sản phẩm bằng đồng.
Cam Lâm: Xoài, xoài Úc, xoài sấy, khoai sáp.
Cam Ranh: Táo, xoài sấy dẻo, tôm hùm, thịt dê thương phẩm.
Khánh Vĩnh: Bưởi da xanh, dưa lưới Ô Xanh, cà chua.