Trước đây, việc phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Tuy nhiên, từ năm 2018, các quy định đối với lĩnh vực thủy lợi có nhiều thay đổi. Hiện nay, các sở, ngành tập trung tham mưu xây dựng dự thảo, trình HĐND tỉnh quyết nghị về vấn đề này.
Trước đây, việc phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, từ năm 2018, các quy định đối với lĩnh vực thủy lợi có nhiều thay đổi. Hiện nay, các sở, ngành tập trung tham mưu xây dựng dự thảo, trình HĐND tỉnh quyết nghị về vấn đề này.
Tỉnh quản lý công trình thủy lợi
Công trình thủy lợi là các hồ chứa nước, đập dâng, trạm bơm, hệ thống kênh và công trình trên kênh. Từ trước tới nay, việc quản lý các công trình này được thực hiện theo Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi và Quyết định 81 ngày 16-10-2009 của UBND tỉnh quy định về phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Theo quyết định này, các công ty khai thác công trình thủy lợi quản lý các hồ chứa có dung tích từ 500.000m3 nước trở lên hoặc đập có chiều cao từ 12m trở lên; các đập dâng, trạm bơm có phạm vi tưới liên xã; hệ thống kênh và công trình trên kênh loại I, loại II, loại III có diện tích tưới lớn hơn 100ha. Với các công trình có quy mô nhỏ hơn, tại các huyện đồng bằng giao cho UBND xã nơi có công trình quản lý, khai thác và bảo vệ. Riêng tại hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh giao UBND huyện quản lý, khai thác, bảo vệ.
Thực hiện quyết định trên, những năm qua, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa được UBND tỉnh giao nhiệm vụ quản lý, khai thác vận hành các hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh gồm: 18 hồ chứa nước có tổng dung tích gần 213 triệu m3; 32 đập dâng trên sông, suối; gần 460km kênh chính, kênh cấp 1, cấp 2…; 3 trạm bơm. Hệ thống thủy lợi do công ty này quản lý hàng năm cấp nước tưới cho khoảng 32.000ha cây trồng, cấp nước thô công nghiệp, sinh hoạt khoảng 13 triệu m3. Ở những công trình thủy lợi nhỏ hơn, bao gồm khoảng 8 hồ chứa và hệ thống kênh nhánh vươn tỏa khắp ruộng đồng do UBND các xã quản lý.
Thay đổi thẩm quyền
Tuy nhiên, năm 2017, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Thủy lợi được xây dựng, việc quản lý các công trình thủy lợi này được cụ thể hóa tại Nghị định 129 năm 2017 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi. Theo nghị định này, HĐND tỉnh là cơ quan đứng ra phân cấp thẩm quyền cho hàng loạt các nội dung liên quan đến khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi. Đơn cử nếu như trước đây, một cá nhân hay tổ chức muốn thuê mặt hồ chứa nước để nuôi cá, tổ chức, cá nhân đó lập đề án gửi UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Nhưng theo quy định hiện nay, việc phê duyệt này thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh hoặc HĐND tỉnh phân cấp thẩm quyền cho UBND tỉnh phê duyệt. Ngoài ra, các quyền như: thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, xử lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi đều phải do HĐND tỉnh phân cấp thẩm quyền thông qua nghị quyết.
Theo lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh, quy định mới đòi hỏi HĐND tỉnh xây dựng nghị quyết, phân cấp thẩm quyền cho UBND tỉnh. Xét về bản chất, quyền “khai thác” và “xử lý” tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi không thay đổi, vẫn do UBND tỉnh đảm nhiệm. Tuy nhiên, khi tỉnh chưa xây dựng được nghị quyết về phân cấp thẩm quyền, quá trình quản lý sẽ gặp khó. Đơn cử như tại xã Cam Thành Bắc (Cam Lâm) có 3 tuyến kênh thủy lợi kết cấu bê tông có kích thước 40cm x 50cm do UBND TP. Cam Ranh quản lý. Năm 2019, UBND TP. Cam Ranh tổ chức bàn giao 3 tuyến kênh dài gần 1km này cho UBND huyện Cam Lâm quản lý, khai thác vì nằm trên địa bàn huyện Cam Lâm. Tuy nhiên, quá trình bàn giao gặp khó khăn do UBND tỉnh chưa được phân cấp thẩm quyền để quyết định bàn giao theo quy định.
Được biết, ngoài thay đổi về thẩm quyền, quy định hiện hành còn có sự thay đổi về tên gọi. Theo đó, cụm từ “công trình thủy lợi” được đổi thành “tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi”. Như vậy, bên cạnh việc giao quyền quản lý, khai thác công trình thủy lợi, các đơn vị được giao đồng thời tiếp nhận luôn tài sản của Nhà nước. Tài sản đó được định giá và vận hành theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đây sẽ là nhiệm vụ khá dài hơi vì quá trình định giá khối tài sản hiện hữu đối với hệ thống thủy lợi, nhất là các hồ chứa nước là điều không dễ dàng.
UBND tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương tham mưu UBND tỉnh xây dựng dự thảo Nghị quyết Quy định về phân cấp quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi trên địa bàn tỉnh, trình HĐND tỉnh xem xét ban hành trong kỳ họp tới.
Hồng Đăng