10:02, 28/02/2020

Tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử

Chủ đề ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15-3) năm nay là "Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử". Vấn đề này tuy không còn mới nhưng là lĩnh vực luôn tiềm ẩn những hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng, trong khi sự quản lý nhà nước còn gặp nhiều khó khăn.

Chủ đề ngày Quyền của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam (15-3) năm nay là “Bảo vệ quyền lợi NTD trong thương mại điện tử”. Vấn đề này tuy không còn mới nhưng là lĩnh vực luôn tiềm ẩn những hành vi vi phạm quyền lợi của NTD, trong khi sự quản lý nhà nước còn gặp nhiều khó khăn.


Nhiều vụ vi phạm


Đầu tháng 2, ông L.H.H (phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang) đến Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh để được hỗ trợ lấy lại số tiền đã mua hàng qua mạng. Theo ông H., ông đặt mua 1 cặp đồng hồ mạ vàng, 1 đồng hồ điện thoại, 1 thẻ mua hàng với số tiền gần 1,8 triệu đồng của một công ty ở TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi ông H. nhận hàng thì tất cả các sản phẩm trên đều không đúng với sản phẩm đã đặt. Ông đưa các sản phẩm ra cửa hàng thế giới di động thì được biết đều là giả, thẻ mua hàng không có tiền. Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh đã có công văn gửi Bưu điện tỉnh đề nghị phối hợp, giúp đỡ trả lại tiền hàng cho ông H.

 

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh kiểm tra tại một doanh nghiệp  ở Nha Trang có website thương mại điện tử.

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh kiểm tra tại một doanh nghiệp ở Nha Trang có website thương mại điện tử.

 
Mới đây, bà Đặng Thị Bích Trâm - chủ cơ sở Mái ấm Vòng tay mẹ (Nha Trang) đặt mua trên một tài khoản facebook lô hàng khẩu trang y tế trị giá 1,4 triệu đồng để phát miễn phí cho người dân. Sau khi chuyển tiền xong, đúng ngày giờ, bà Trâm chờ ở bến xe để nhận hàng nhưng không thấy. Khi gọi điện và liên lạc vào địa chỉ facebook đã đặt hàng đều không được, bà Trâm biết mình đã bị lừa. “Tôi đã được nghe nhiều hình thức lừa đảo bán hàng qua mạng nhưng không nghĩ trong lúc dịch bệnh như thế này mà cũng có những người vô lương tâm đi lừa tiền của người khác. Mặt hàng tôi mua không có giá trị lớn nên tôi không trình báo cho lực lượng chức năng”, bà Trâm nói.


Theo bà Nguyễn Thị Trang - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh, năm 2019, hội tiếp nhận và giải quyết 55 đơn khiếu nại của NTD thì chỉ có 8 trường hợp liên quan đến mua hàng qua mạng xã hội. Nhưng chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, hội đã tiếp nhận và giải quyết 15 trường hợp khiếu nại của người dân về mua hàng qua mạng. Trong đó, chủ yếu là giao hàng không đúng với sản phẩm đã đặt mua. Bà Trang cho biết: Sau khi nhận được đơn khiếu nại của 15 trường hợp này (chủ yếu ở TP. Nha Trang), hội đều có văn bản đề nghị Bưu điện tỉnh phối hợp giải quyết để bảo vệ quyền lợi cho NTD. Bưu điện đã trả lại tiền mua hàng cho NTD và chuyển trả lại hàng cho nơi bán. Qua những vụ việc này, hội khuyến cáo NTD khi mua hàng cần chọn những địa chỉ uy tín, có thông tin rõ ràng; đồng thời cần thỏa thuận xem hàng trước khi trả tiền, đổi trả hàng nếu không đúng sản phẩm đã đặt. Sắp tới, hội sẽ phối hợp với các đoàn thể, phòng kinh tế các huyện, thị xã, thành phố để tuyên truyền đậm nét hơn về chủ đề “Bảo vệ quyền lợi của NTD trong thương mại điện tử”.  


Khó khăn trong quản lý, kiểm tra


Năm 2019, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã chủ trì kiểm tra 26 cơ sở, doanh nghiệp có hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh. Cục đã phát hiện 4 trường hợp vi phạm thiết lập website thương mại điện tử bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định và đã xử phạt với số tiền 80 triệu đồng. Theo đánh giá của Cục QLTT, nhìn chung các tổ chức, cá nhân sở hữu website đều thực hiện đầy đủ việc cung cấp thông tin trên website về người sở hữu website; thông tin về hàng hóa, dịch vụ; thông tin về điều kiện giao dịch chung; thông tin về vận chuyển, giao nhận; thông tin về phương thức thanh toán và tuân thủ các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng… Qua kiểm tra các chủ sở hữu website cho biết, website chủ yếu để khách hàng tìm kiếm thông tin về tên, địa chỉ công ty, giới thiệu để khách hàng tìm hiểu sản phẩm…; đồng thời để giữ tên miền gắn với tên thương mại của công ty.


Tuy nhiên, việc quản lý, kiểm soát hoạt động thương mại điện tử hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Phạm Văn Hữu - Quyền Cục trưởng Cục QLTT cho biết, với trình độ công nghệ thông tin của người dân ngày càng phát triển, một cá nhân có thể dễ dàng tự thiết lập và sử dụng website thương mại điện tử vào hoạt động mua bán, kinh doanh của mình, nên việc quản lý hoạt động của các website thương mại điện tử do các cá nhân thiết lập gặp rất nhiều khó khăn. Một số tổ chức, cá nhân thiết lập website thương mại điện tử có địa chỉ gần giống với website thương mại điện tử của doanh nghiệp khác nhằm mục đích lợi dụng thương hiệu, hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp để phục vụ hoạt động kinh doanh của mình, gây nhầm lẫn cho khách hàng. Bên cạnh đó, vẫn còn một số bất cập trong thủ tục đối với các website thương mại điện tử đã thông báo, đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát. Cục đã kiến nghị Cục Quản lý Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cập nhật kịp thời và bổ sung thông tin về thời gian thông báo, đăng ký của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử; đồng thời đề nghị Tổng cục QLTT phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tập huấn nghiệp vụ về hoạt động thương mại điện tử, nhất là hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước đạt kết quả cao.


Năm 2019, Sở Công Thương cũng đã thực hiện dự án xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử. Đến nay, sàn giao dịch thương mại điện tử đã hoàn tất với địa chỉ Khanhhoatrade.gov.vn và bước đầu triển khai cho các doanh nghiệp. Thông qua hệ thống sàn giao dịch thương mại điện tử, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này sẽ được hỗ trợ tốt hơn.


K.H