Đến nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 5 cụm công nghiệp được đầu tư hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh và đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, các cụm công nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 5 cụm công nghiệp (CCN) được đầu tư hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh và đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, các CCN vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Nhiều dự án kéo dài
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 CCN gồm: Diên Phú, Diên Phú - VCN (huyện Diên Khánh); Đắc Lộc, Trảng É 1 (TP. Nha Trang); CCN và chăn nuôi Khatoco Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa) đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, những CCN này đang gặp một số khó khăn nhất định. Điển hình như CCN Đắc Lộc gặp nhiều vướng mắc trong đầu tư Dự án Cổng ra vào CCN. Dự án dù được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình, thời gian thực hiện trong 2 năm: 2018 - 2019, nhưng Nghị định số 68/2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình ra đời nên dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư cho phù hợp với quy định. Tháng 10-2019, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 68 nhưng đến nay chưa có phúc đáp. Do đó, đơn vị quản lý CCN gặp khó khăn trong việc triển khai và đang chờ văn bản hướng dẫn để thực hiện các thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án theo quy định. Ông Nguyễn Sanh Đương - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết, bên cạnh những khó khăn vừa nêu, Dự án dải cây xanh cách ly CCN Đắc Lộc cũng còn nhiều trắc trở. Dự án được phê duyệt từ năm 2018 nhưng đến nay, UBND TP. Nha Trang vẫn chưa thực hiện xong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho Sở Công Thương triển khai thực hiện dự án, đề nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn này.
Ở CCN Diên Phú, công tác đảm bảo an ninh trật tự gặp nhiều khó khăn do CCN chưa xây dựng tường rào bao quanh. Tại đây thường xuyên xảy ra tình trạng một số hộ tự ý chăn thả vịt, bò trên đường trong CCN gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hạng mục Trạm xử lý nước thải (được đưa vào vận hành từ năm 2012) có công suất thiết kế 1.500m3/ngày đêm nhưng do công suất xử lý thực tế chỉ khoảng 200 - 300m3/ngày đêm nên khó khăn trong việc vận hành, khắc phục sự cố và hiệu quả kinh tế không cao. Sau hơn 6 năm đưa vào khai thác, Trạm xử lý nước thải CCN Diên Phú đã xuống cấp, các thiết bị của trạm bị hư hỏng, đã khắc phục sửa chữa nhiều lần, đặc biệt hồ sinh học đang bị ô nhiễm nặng làm nhiều chỉ tiêu nước thải không đạt quy định.
Ảnh hưởng đến thu hút đầu tư
Việc thiếu cơ sở hạ tầng cũng đang ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của các CCN. Đơn cử, CCN Diên Phú - VCN đang có khá nhiều nhà đầu tư thứ cấp đăng ký đầu tư, nhưng giai đoạn 1 đã lấp đầy, giai đoạn 2 thì chưa thể triển khai do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính là vấn đề di dời mương tưới tiêu của cả khu vực ra khỏi CCN. Sự hiện diện của mương tưới tiêu trong dự án đã khiến cho việc đầu tư hạ tầng bị chậm, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến việc kêu gọi đầu tư. Ông Phạm Hùng Cường - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư VCN cho biết, ngoài vấn đề di dời mương tưới tiêu, CCN còn vướng mắc 2 vấn đề khác. Thứ nhất là việc cốt nền theo thiết kế của CCN cao hơn cốt nền hiện hữu của CCN Diên Phú và Nhà máy bia Sài Gòn. Điều này gây tốn kém không cần thiết, đồng thời ảnh hưởng đến việc thoát lũ của cả khu vực. Vấn đề thứ hai là các hạng mục đầu tư bị hạn chế nên việc thu hút đầu tư chưa hiệu quả.
Trong khi đó, CCN và chăn nuôi Khatoco - Ninh Ích (CCN Ninh Ích) do Khatoco làm chủ đầu tư lại đối mặt với vấn đề thiếu nước trầm trọng. Nước để phục vụ cho CCN được lấy từ đập Ba Hồ nên mùa nắng hay mùa mưa đều không ổn định. Mùa nắng thì không đủ nước, mùa mưa thì đường ống lại bị nghẹt, nhiều khi mất nước vài ngày là chuyện bình thường. Theo báo cáo của Khatoco, CCN Ninh Ích hiện nay mới có 2 dự án đi vào hoạt động là: Công ty Kinh doanh đà điểu - cá sấu Khatoco (trại cá sấu 8,11ha, nhà máy thuộc da 2,36ha) và Xí nghiệp May Khatoco (2,57ha). Diện tích đất xây dựng nhà xưởng mới lấp đầy 68,4%. Hiện nay, còn 6,02ha Khatoco đang kêu gọi hợp tác đầu tư, phát triển ngành dệt may, song vì thiếu nước nên nhiều nhà đầu tư không dám hợp tác.
Ông Nguyễn Nhật Duật - cán bộ phụ trách điều hành hệ thống nước ở CCN Ninh Ích cho biết: “Với nguồn nước như hiện nay, có làm cách nào cũng không đủ để cung cấp cho Công ty Kinh doanh đà điểu - cá sấu Khatoco và Xí nghiệp May Khatoco. Nếu bây giờ có thêm nhà đầu tư khác đầu tư vào CCN thì không biết lấy đâu ra nguồn nước để phục vụ. Nguồn nước ở Ba Hồ nếu không nâng cấp đập thì công suất sẽ không thể cải thiện. Còn nguồn nước ngầm lại càng khó, trước đây, để có 4 giếng khoan, chủ đầu tư đã phải khoan khảo sát mấy chục địa điểm”.
Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, khó khăn của các CCN trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng đã tồn tại nhiều năm qua. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ phát triển công nghiệp của tỉnh cũng như việc thu hút đầu tư của các CCN. Đề nghị trong thời gian tới, UBND tỉnh có giải pháp chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư hạ tầng để các CCN nghiệp phát triển.
Nhật Minh