Khánh Hòa là một trong những địa phương được đánh giá cao trong việc triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (chống khai thác IUU). Hiện nay, ngành Thủy sản tỉnh đang tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm làm tốt hơn công tác này.
Khánh Hòa là một trong những địa phương được đánh giá cao trong việc triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (chống khai thác IUU). Hiện nay, ngành Thủy sản tỉnh đang tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm làm tốt hơn công tác này.
Kết quả tích cực
Khánh Hòa là địa phương có nghề khai thác, đánh bắt thủy sản phát triển mạnh ở khu vực miền Trung. Toàn tỉnh hiện có 9.791 tàu cá, trong đó tàu có chiều dài từ 15m trở lên là 814 tàu; sản lượng thủy sản khai thác hàng năm đạt hơn 97.000 tấn, lao động trực tiếp khai thác thủy sản khoảng 33.000 người. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 44 doanh nghiệp tham gia chế biến, xuất khẩu thủy sản đến 64 thị trường trên thế giới. Chính vì thế, việc Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành Thủy sản tỉnh.
Để đẩy mạnh triển khai các giải pháp khắc phục “thẻ vàng”, chống khai thác IUU, từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm cải thiện nghề cá. Trong đó, lập danh sách, tăng cường theo dõi, quản lý chặt chẽ số lượng tàu cá hoạt động trên các vùng biển xa, xuất nhập bến tại các địa phương; phối hợp chia sẻ thông tin kịp thời, tập trung vào việc nâng cao nhận thức cho ngư dân; kiểm soát hoạt động tàu cá; đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản... Nhờ đó, việc khắc phục “thẻ vàng” đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, nghề cá tỉnh dần được vận hành theo đúng quy định của Luật Thủy sản, các khuyến cáo của EC. Đặc biệt, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài từ tháng 10-2018 đến nay đã chấm dứt; việc kiểm soát, truy suất, xác nhận nguồn gốc thủy sản được thực hiện nghiêm túc; việc quản lý hoạt động của tàu cá cũng hiệu quả hơn…
Kết quả tích cực nhất trong việc chống khai thác IUU phải kể đến, đó là nhận thức trong cộng đồng ngư dân đã có sự chuyển biến rõ nét. “Thời gian qua, ngư dân đã được tham gia nhiều lớp tập huấn về chống khai thác IUU nên đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức, từ việc đánh bắt không vi phạm vùng biển nước ngoài; ra, vào cảng phải báo cáo; ghi nhật ký khai thác… Tôi rất mong, vì lợi ích chung ngư dân cần tuân thủ các quy định trong khai thác thủy sản đã được cơ quan chức năng khuyến cáo”, ông Đỗ Văn Thái - chủ tàu cá ở phường Vĩnh Phước (TP. Nha Trang) chia sẻ.
Khắc phục 4 nhóm khuyến nghị của EC
Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, dự kiến trong tháng 5, đoàn công tác của EC sẽ tiếp tục sang Việt Nam để kiểm tra việc thực hiện các khuyến nghị của EC liên quan đến việc khắc phục “thẻ vàng” IUU, không loại trừ khả năng đoàn sẽ đến kiểm tra tại Khánh Hòa. Từ việc triển khai đồng bộ các giải pháp để quyết liệt khắc phục “thẻ vàng”, Khánh Hòa là một trong những địa phương được đánh giá cao về thực hiện chống khai thác IUU, nhất là việc từ tháng 10-2018 đến nay, không có tàu cá nào của Khánh Hòa vi phạm vùng biển nước ngoài - đây là yếu tố then chốt trong việc khắc phục “thẻ vàng” của EC. “Nhưng không vì thế mà chúng ta chủ quan. Các giải pháp để triển khai chống khai thác IUU vẫn đang được triển khai đồng bộ trên địa bàn tỉnh. 6 tháng đầu năm nay, ngành Thủy sản sẽ tập trung tối đa cho việc khắc phục 4 nhóm khuyến nghị liên quan đến “thẻ vàng” của EC”, ông Chánh nói.
Được biết, trong đợt sang Việt Nam kiểm tra việc khắc phục “thẻ vàng” cuối năm 2019, EC tiếp tục đưa ra 4 khuyến nghị cần chấm dứt. Trên cơ sở 4 khuyến nghị này, tỉnh tập trung tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân nắm bắt ranh giới vùng biển Việt Nam với các nước để ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài khi khai thác, có chế tài xử lý các trường hợp vi phạm. Đối với việc quản lý hành trình tàu cá, toàn tỉnh đã có 371 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, trong đó có 33 tàu cá có chiều dài trên 24m, 338 tàu từ 15m đến dưới 24m. Theo quy định, đến ngày 1-4, số tàu từ 15m đến dưới 24m còn lại phải hoàn thành công tác lắp đặt, phương tiện nào không chấp hành, cơ quan chức năng sẽ không cấp giấy phép khai thác. Bên cạnh đó, lập danh sách, tăng cường theo dõi, quản lý chặt chẽ số lượng tàu cá hoạt động trên các vùng biển xa, xuất nhập bến tại các địa phương; phối hợp chia sẻ thông tin kịp thời giữa các cơ quan chức năng khi có tàu cá vi phạm quy định IUU. Việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, triển khai các biện pháp thực thi Luật Thủy sản cũng được triển khai đồng bộ và hiệu quả hơn đến cộng đồng ngư dân. Ngoài ra, hoạt động kiểm tra, kiểm soát các tàu cá vi phạm quy định IUU trên các vùng biển tỉnh quản lý sẽ được đẩy mạnh…
Theo định hướng phát triển ngành Thủy sản tỉnh, 5 năm tới, nghề cá tỉnh sẽ chuyển từ nghề cá nhân dân sang phát triển bền vững, có trách nhiệm, khai thác đi đôi với bảo vệ… nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Để làm được điều này đòi hỏi nghề cá tỉnh phải khắc phục được các tồn tại trong công tác quản lý; nâng cao thu nhập ngư dân thông qua việc áp dụng công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm, đẩy mạnh hình thành chuỗi liên kết thu mua với doanh nghiệp. Đồng thời, cần giảm dần đội tàu khai thác ven bờ, hướng đến khai thác xa bờ; xây dựng đội ngũ khoa học, lao động có tay nghề; quyết liệt hơn trong việc thực thi các quy định trong khai thác thủy sản.
HẢI LĂNG