Giai đoạn 2016 - 2019, Khu Kinh tế Vân Phong có nhiều dự án đi vào hoạt động, đóng góp lớn vào ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, tình hình thu hút đầu tư ở đây vẫn còn bất cập, khiến khu vực này chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
Giai đoạn 2016 - 2019, Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong có nhiều dự án đi vào hoạt động, đóng góp lớn vào ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, tình hình thu hút đầu tư ở đây vẫn còn bất cập, khiến khu vực này chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
Vốn đầu tư vượt mục tiêu đề ra
Theo báo cáo của Ban Quản lý KKT Vân Phong, giai đoạn 2016 - 2019, KKT đã thu hút được 41 dự án mới, trong đó có 33 dự án trong nước và 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài; điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 14 dự án. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2016 - 2019 là 64.117 tỷ đồng, vượt hơn 14.000 tỷ đồng so với mục tiêu Nghị quyết 08 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển KKT Vân Phong giai đoạn 2016 - 2020 đề ra. Tính đến nay, KKT Vân Phong đã thu hút được 158 dự án, tổng vốn đầu tư 4,1 tỷ USD, trong đó đã thực hiện khoảng 1,5 tỷ USD.
Ông Hoàng Đình Phi - Trưởng ban Quản lý KKT Vân Phong cho biết, giai đoạn 2016 - 2019, KKT có nhiều dự án đi vào hoạt động với doanh thu khoảng 1,711 tỷ USD, trung bình đạt 427,75 triệu USD/năm; nộp ngân sách 5.238 tỷ đồng/năm; giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động. Theo ông Phi, đóng góp ngân sách trên địa bàn KKT Vân Phong có xu hướng tăng và cơ bản đạt được mục tiêu Nghị quyết 08 đề ra. Tuy nhiên, kết quả trên tập trung chủ yếu ở khu vực nam Vân Phong (thuộc thị xã Ninh Hòa).
Cụ thể, hiện nay, khu vực nam Vân Phong đã thu hút được 94 dự án, trong đó có 52 dự án đã đi vào hoạt động, 42 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang triển khai xây dựng. Tổng vốn đăng ký ở khu vực này đạt 3,57 tỷ USD, trong đó vốn đã thực hiện hơn 1 tỷ USD. Một số dự án quy mô lớn đã hoạt động như: Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, Nhà máy đóng tàu Hyundai Việt Nam… Bên cạnh đó, một số dự án lớn đang triển khai xây dựng như: Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (2,58 triệu USD), Khu Công nghiệp Ninh Thủy (294 tỷ đồng), Cảng tổng hợp nam Vân Phong (984 tỷ đồng)… “Vừa qua, có nhiều tập đoàn lớn tiếp tục nghiên cứu và đề xuất một số dự án công nghiệp nặng có quy mô lớn vào KKT Vân Phong. Trong đó, một số tập đoàn của Hàn Quốc và Mỹ đang nghiên cứu, đề xuất đầu tư các tổ hợp điện khí và kho khí hóa lỏng có quy mô khoảng 3,5 tỷ USD/dự án. Với những chuyển biến tích cực như hiện nay, hy vọng KKT Vân Phong sẽ sớm trở thành một trung tâm công nghiệp - cảng biển lớn, đặc biệt là nam Vân Phong”, ông Phi nói.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Theo lãnh đạo Ban Quản lý KKT Vân Phong, sau năm 2012, UBND tỉnh có chủ trương hạn chế thu hút đầu tư vào bắc Vân Phong để triển khai thực hiện Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt bắc Vân Phong nên khu vực này đến nay hầu như giữ nguyên trạng. Do dự thảo luật chưa được Quốc hội thông qua, mới đây, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương cho phép tạm dừng thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt bắc Vân Phong. Hiện nay, Thủ tướng đã giao các bộ, ngành liên quan rà soát, tham mưu giải quyết kiến nghị của tỉnh. |
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thu hút đầu tư tại KKT Vân Phong thời gian qua vẫn chưa xứng với tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là ở khu vực bắc Vân Phong. Được biết, dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chưa được Quốc hội thông qua, Chính phủ chưa có chỉ đạo cụ thể nên khu vực bắc Vân Phong phải tạm dừng triển khai chờ chủ trương, hướng dẫn từ cơ quan có thẩm quyền. Điều này dẫn đến tình trạng tỉnh bị động trong việc xây dựng định hướng phát triển cho KKT Vân Phong và triển khai các nhiệm vụ đầu tư trong thời gian dài.
Thực tế hiện nay, các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng cảng biển có tính chiến lược để phát triển KKT Vân Phong như: Bến cảng tổng hợp bắc Vân Phong (tiếp nhận tàu 50.000DWT), Cảng tổng hợp nam Vân Phong (tiếp nhận tàu 70.000DWT) đang gặp nhiều thách thức về nguồn hàng do hệ thống hạ tầng giao thông kết nối trong khu vực và các vùng kinh tế khác chưa được đầu tư đúng mức; tiến độ một số dự án sản xuất kinh doanh quy mô lớn, có tính động lực còn chậm đã tác động không nhỏ đến môi trường đầu tư, ảnh hưởng đến động lực phát triển của KKT. Bên cạnh đó, một số khu vực trong KKT Vân Phong vẫn chưa có quy hoạch xây dựng gây khó khăn trong việc thu hút đầu tư; các khu chức năng như phi thuế quan, sản xuất công nghiệp tập trung Dốc Đá Trắng đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho phép đầu tư nhưng vẫn chưa được bố trí vốn tổ chức lập quy hoạch xây dựng phân khu để kịp thời thực hiện thủ tục chọn nhà đầu tư…
Được biết, trong năm 2020, Ban Quản lý KKT Vân Phong sẽ phối hợp với UBND thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh và các sở, ngành liên quan tổ chức nghiên cứu, rà soát, lập phương án đề xuất điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Phong phù hợp với thực tế phát triển và tình hình mới để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Ban cũng kiến nghị UBND tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch thu hút các dự án quy mô đầu tư lớn vào khu vực bắc Vân Phong; tập trung ưu tiên rà soát, giải quyết thủ tục để thu hút những nhà đầu tư có tiềm lực thực hiện các dự án lớn mang tính động lực; đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư sớm hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động đúng tiến độ các dự án lớn như: Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, Cảng tổng hợp nam Vân Phong, Bến cảng tổng hợp bắc Vân Phong, Khu Công nghiệp Ninh Thủy... để tạo động lực phát triển toàn bộ KKT.
VĂN KỲ