Năm 2019, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng ngành Công nghiệp Khánh Hòa vẫn có mức tăng trưởng ổn định. Bước sang năm 2020, với hàng loạt dự án đang triển khai, hy vọng lĩnh vực Công nghiệp tiếp tục tạo động lực chính cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Năm 2019, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng ngành Công nghiệp (CN) Khánh Hòa vẫn có mức tăng trưởng ổn định. Bước sang năm 2020, với hàng loạt dự án đang triển khai, hy vọng lĩnh vực CN tiếp tục tạo động lực chính cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Nhiều điểm sáng
Năm 2019 là năm ngành CN gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, khi thời khắc cuối cùng của năm khép lại, hoạt động sản xuất của ngành vẫn đạt mức tăng trưởng khá ổn định. Chỉ số sản xuất CN cả năm ước tăng 7,52% (kế hoạch tăng trưởng đề ra từ 6 đến 6,5%). Một số sản phẩm có mức tăng trưởng cao so với năm trước như: nước yến và nước bổ dưỡng khác tăng 26%; đóng tàu tăng 14%. Riêng Công ty TNHH Đóng tàu Hyundai Việt Nam đã ký hợp đồng và sản xuất được 16 con tàu (tăng 2 tàu so với năm 2018). Ngoài ra, một số sản phẩm khác cũng có chỉ số sản xuất cao như: bia đóng chai tăng hơn 19%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 19,66%; tôm đông lạnh tăng 17,65%; sản xuất điện tăng hơn 70%.
Năm 2019, nhiều con số ấn tượng khác cũng được thiết lập. Trong đó, không thể không nhắc tới việc bùng phát của hàng loạt dự án năng lượng thuộc hàng lớn nhất cả nước. Với 30 dự án điện mặt trời được thông qua, có 6 dự án đã chính thức phát điện; tổng công suất của các nhà máy điện này đạt 260MWp, tập trung tại TP. Cam Ranh và huyện Cam Lâm. Đặc biệt, sự kiện động thổ dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 sau hàng chục năm chờ đợi đã đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất điện. Dự án này do Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) làm chủ đầu tư với tổng vốn lên tới 2,58 tỷ USD. Theo kế hoạch, cả 2 tổ máy với tổng công suất 1.320MW sẽ được hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành thương mại trong năm 2023.
Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trong năm, CN Khánh Hòa cũng tiếp tục có sự đầu tư và phát triển các cụm CN (CCN) mới. Trong đó, CCN Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh) do Công ty Yến sào Khánh Hòa làm chủ đầu tư đang đầu tư hạ tầng kỹ thuật; CCN Trảng É 1 (huyện Cam Lâm), CCN Diên Phú - VCN (huyện Diên Khánh) đã hoàn thiện hạ tầng và đang kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp. Một số CCN khác mới được thành lập và hiện đang triển khai thủ tục đầu tư. Trong các năm tiếp theo, CN vẫn sẽ đóng vai trò động lực, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Kỳ vọng năm 2020
Theo các chuyên gia, năm 2020 dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại do chiến tranh thương mại, biến động tỷ giá, lãi suất, rủi ro trên thị trường tài chính, cách mạng CN 4.0… tác động mạnh mẽ trên nhiều phương diện. Tình hình hoạt động CN trên địa bàn tỉnh sẽ gặp những khó khăn như: giá cả hàng hóa vẫn chịu tác động của nhiều yếu tố trong nước và thế giới, tình hình thời tiết thất thường, thị trường xuất khẩu đang ngày càng gia tăng các tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật đối với các mặt hàng xuất khẩu...
Để tiếp tục duy trì mức tăng trưởng trong năm 2020, UBND tỉnh và Sở Công Thương tiếp tục tạo điều kiện để CCN Sông Cầu, CCN Trảng É và CCN Diên Phú - VCN hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Đồng thời, thúc đẩy sự phát triển ngành sản xuất năng lượng với 24 dự án điện mặt trời chờ triển khai ở các địa phương: Cam Ranh, Cam Lâm, Diên Khánh, Ninh Hòa và Vạn Ninh. Trong đó, 3 dự án: Nhà máy Điện mặt trời Trung Sơn, công suất 30MWp, diện tích 40ha (xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm); Nhà máy Điện mặt trời Long Sơn, công suất 170MWp, diện tích 200ha (xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa); Nhà máy Điện năng lượng mặt trời KN Vạn Ninh, công suất 100MWp, diện tích 194,5ha (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) đã được Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực Khánh Hòa từ năm 2019.
Bên cạnh đó, mới đây, UBND tỉnh đã kiến nghị Chính phủ cho phép kêu gọi vốn đầu tư vào khu vực bắc Vân Phong; cho phép nghiên cứu, tiếp cận một số dự án lớn để tạo động lực phát triển kinh tế. Đồng thời, tập trung vào 3 giải pháp cơ bản để đẩy mạnh thu hút đầu tư, đó là: tập trung tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư; tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng các khu kinh tế, khu CN, CCN trên địa bàn tỉnh và thực hiện xúc tiến đầu tư tại các thị trường tiềm năng.
Theo ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, năm 2020, CN tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển. Tỉnh xác định, sẽ tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển CN; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các hoạt động sản xuất CN. UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương tích cực xúc tiến đầu tư để kêu gọi các dự án CN mới nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế; duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành CN, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, phát triển CN nông thôn nhằm góp phần sớm hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới.
Đình Lâm