09:10, 24/10/2019

Xã Ninh Thượng: Nông dân lập tổ trồng dâu nuôi tằm

Hơn 1 năm qua, trên những diện tích mía kém hiệu quả, nhiều hộ nông dân ở xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa bắt đầu chuyển sang trồng dâu nuôi tằm. Một tổ hợp tác dâu tằm tơ cũng đã được thành lập, mở ra hướng đi đầy hứa hẹn cho nông dân nơi đây.

Hơn 1 năm qua, trên những diện tích mía kém hiệu quả, nhiều hộ nông dân ở xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa bắt đầu chuyển sang trồng dâu nuôi tằm. Một tổ hợp tác dâu tằm tơ cũng đã được thành lập, mở ra hướng đi đầy hứa hẹn cho nông dân nơi đây.


Từ một cú hích


Cách đây khoảng 3 năm, Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã triển khai dự án “Xây dựng và phát triển mô hình áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật trồng dâu lai mới và nuôi tằm con” tại Ninh Thượng. Dự án này từng bước trang bị cho hàng chục hộ nông dân nơi đây kiến thức, kỹ năng trồng dâu nuôi tằm. Tuy nhiên, đây là mô hình mới nên không dễ dàng để đi đến thành công. Theo lãnh đạo xã Ninh Thượng, những năm gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài, những loại cây lấy lá như dâu tằm bị ảnh hưởng nặng nề, sản lượng, năng suất thất thường, trong khi đòi hỏi của việc trồng dâu lấy lá nuôi tằm đó là sản lượng lá dâu phải đều đặn, liên tục. Đã có nhiều thời điểm, lá dâu thu hoạch ở Ninh Thượng buộc phải bán đi nơi khác vì mô hình trồng dâu - nuôi tằm nơi đây chưa phát triển đồng bộ.

 

Vườn dâu tằm xanh tốt của hộ ông Cường.

Vườn dâu tằm xanh tốt của hộ ông Cường.


Để rồi, khi dự án dần dần đúc rút được kinh nghiệm, từng bước tỏ ra thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Ninh Thượng, cùng với nỗ lực của những nông dân tiên phong, chính quyền xã và Hội Nông dân xã, Tổ hợp tác dâu tằm tơ xã Ninh Thượng đã được hình thành. 20 thành viên trong tổ đã hỗ trợ nhau trong quá trình trồng, chăm sóc cây dâu, kỹ thuật nuôi tằm, thu kén và bao tiêu sản phẩm. Với tổng diện tích trồng dâu khoảng 17ha, trong các năm 2018 - 2019, 11 thành viên của tổ đã tiếp cận được nguồn vốn vay của Hội Nông dân số tiền 500 triệu đồng để đầu tư vào vùng trồng dâu và các hạng mục công trình phục vụ cho việc nuôi tằm.


Bước đầu hiệu quả


Theo ông Nguyễn Tiến Cường - Tổ trưởng Tổ hợp tác dâu tằm tơ xã Ninh Thượng, qua gần 2 năm hoạt động, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ sự trợ giúp của các cấp hội nông dân, chính quyền, tổ đã dần dần đi vào ổn định và có hướng phát triển tốt. Nhiều thành viên đã đào, khoan giếng, đào hồ nhằm chủ động nguồn nước tưới, đảm bảo cho cây dâu phát triển đều, đủ lá để nuôi tằm thường xuyên. Các thành viên cũng đã được tham quan, tìm hiểu và học hỏi một số mô hình trồng dâu nuôi tằm phát triển tốt ở Lâm Đồng, vận dụng vào thực tế sản xuất tại địa phương, từ đó dần dần làm chủ được các yếu tố về quy trình, kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm, thu hoạch kén… Hiện các thành viên trong tổ đều đã đầu tư xây dựng nhà nuôi tằm đúng theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra, một số thành viên còn lắp đặt hệ thống điều hòa nhiệt độ để đáp ứng phù hợp cho tằm khi thời tiết nắng nóng, nhờ vậy chất lượng kén đạt rất cao, bình quân 1 hộp tằm giống cho ra 45 - 50kg kén.


Từ đầu năm 2019 đến nay, tuy luôn phải đối diện với tình hình thời tiết nắng hạn, nhưng các thành viên trong tổ vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong số 20 hộ thành viên, có 15 hộ đã có thu nhập từ trồng dâu nuôi tằm (5 hộ khác mới trồng nên chưa có thu nhập). Bình quân mỗi tháng, 15 hộ này có tổng thu hơn 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, mỗi hộ lãi ròng gần 8 triệu đồng.


Theo ông Trương Thanh Hòa - Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Ninh Hòa, từ hiệu quả bước đầu về mô hình trồng dâu nuôi tằm của Tổ hợp tác dâu tằm tơ xã Ninh Thượng, Hội Nông dân thị xã tiếp tục tập trung đẩy mạnh việc tập huấn, hướng dẫn, đồng hành với hội viên nông dân nhằm nhân rộng và phát triển bền vững mô hình trong thời gian tới, trước mắt mở rộng mô hình ở khu vực xã Ninh Thượng.


Công Định