10:08, 18/08/2019

Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Những năm gần đây, vùng miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số rất chú trọng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Qua đó, mang lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân.

Những năm gần đây, vùng miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) rất chú trọng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Qua đó, mang lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân.


Mang lại Hiệu quả cho người dân


Gia đình ông Bo Văn Thơ (thôn Văn Sơn, xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm) có 4ha đất rẫy trồng lúa nương và bắp giống cũ cho năng suất, sản lượng thấp. Dù nỗ lực lao động nhưng mức thu nhập của gia đình ông không đủ trang trải cuộc sống. Được xã tạo điều kiện cho tham dự các buổi tập huấn về chuyển đổi giống cây trồng, ông đã chuyển đổi toàn bộ diện tích trên sang trồng giống bắp mới cho năng suất, sản lượng cao và trồng chuối cấy mô. Đến nay, mỗi năm, gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng từ những diện tích cây trồng được chuyển đổi.

 

Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Khánh Sơn chăm sóc cây mía tím.

Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Khánh Sơn chăm sóc cây mía tím.


Hộ bà Mấu Thị Nhi (thôn Dốc Trầu, xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn) có 2,2 sào đất canh tác. Trước đây, gia đình bà trồng lúa nước nhưng hiệu quả rất thấp. Năm 2016, bà đã chuyển một nửa diện tích trên sang trồng mía tím. Trong thời gian thực hiện việc chuyển đổi cây trồng, bà luôn được chính quyền quan tâm, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mía tím sao cho đạt hiệu quả. Sau vụ đầu tiên, gia đình bà đã thu được hàng chục triệu đồng. Từ đó, bà tiếp tục chuyển đổi toàn bộ diện tích còn lại sang trồng mía tím.


Ở thôn Bầu Sang (xã Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh), ông Cao Niếng không chỉ được biết đến là một cán bộ hội nông dân nhiệt huyết, mà gia đình ông còn là tấm gương trong phát triển kinh tế. Có điều kiện tiếp xúc với những kiến thức khoa học kỹ thuật, ông đã chuyển đổi cây trồng trên những diện tích đất của gia đình. Cụ thể, với 6ha đất rừng trồng, ông đã đầu tư giống keo lai giâm hom để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn; hơn 2ha đất rẫy được ông chuyển qua trồng giống mì cao sản và chuyển đổi 1/4 diện tích sang trồng bưởi da xanh. Tuy mới thực hiện việc chuyển đổi nhưng năm đầu tiên, gia đình ông thu nhập 80 triệu đồng sau khi trừ chi phí. 


Tập trung chuyển đổi


Trong 5 năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xem là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu đối với các địa phương có ĐBDTTS sinh sống. Các địa phương đều đã xây dựng đề án chuyển dịch cơ cấu cây trồng, trong đó có việc cơ cấu cây trồng ở khu vực miền núi, vùng ĐBDTTS. Tại Khánh Vĩnh, các loại cây trồng được huyện hướng tới là bưởi da xanh, sầu riêng, xoài, mít nghệ. Nông dân đã tự chuyển đổi hơn 911ha. “Quyết tâm của huyện là xây dựng địa phương thành vùng chuyên canh cây ăn quả nói chung và cây bưởi da xanh nói riêng. Vì thế, huyện đã triển khai xây dựng được nhãn hiệu sản phẩm bưởi da xanh Khánh Vĩnh. Cùng với đó, huyện thực hiện các mô hình hợp tác kinh doanh giống, cây trồng, mua, bán nông sản, kết hợp các dịch vụ làm đất, mua bán vật tư nông nghiệp, thu hoạch, bao tiêu và chế biến nông sản”, ông Mấu Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết.


Ở Khánh Sơn, từ năm 2017 đến nay, huyện đã chuyển đổi được 754,58ha trồng cây có giá trị kinh tế cao và đang triển khai chuyển đổi 142,35ha. Các diện tích đất được chuyển đổi sang trồng bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng, mía tím. Trong đó, diện tích sầu riêng chiếm số lượng lớn nhất với 548,53ha. “Việc chuyển đổi cây trồng là một chủ trương lớn của huyện. Người dân tham gia chuyển đổi đã chịu khó học hỏi kinh nghiệm, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhất là với ĐBDTTS”, ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện cho biết.


Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2018 - 2020, vùng miền núi, vùng ĐBDTTS được xác định là vùng trồng cây ăn quả. Cụ thể, ở huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh sẽ thực hiện chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa một vụ, trồng mì, mía kém hiệu quả sang trồng xoài Úc, xoài Cát Hòa Lộc. Ở các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh chú trọng phát triển cây sầu riêng, bưởi da xanh. Song song với việc chuyển đổi cây trồng phải từng bước hình thành mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất.


Có thể thấy, từ việc tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã mang đến cho nông dân mức thu nhập cao, ổn định và mang tính bền vững. Đây cũng là yếu tố góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh.


GIANG ĐÌNH