Ngày 17 và 18-8, tại thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn) diễn ra Lễ hội trái cây ngon Khánh Sơn lần thứ nhất, năm 2019. Lễ hội đã thu hút khoảng 10.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, mua sắm. Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham dự.
Ngày 17 và 18-8, tại thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn) diễn ra Lễ hội trái cây ngon Khánh Sơn lần thứ nhất, năm 2019. Lễ hội đã thu hút khoảng 10.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, mua sắm. Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tham dự.
Giới thiệu, quảng bá nông sản
Điểm nhấn của lễ hội chính là hoạt động mua bán, trao đổi nông sản sạch của nông dân trên địa bàn. Tại lễ hội, ban tổ chức đã bố trí 20 gian hàng nông sản, với nhiều loại đặc sản như: sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, mít nghệ, mía tím, chôm chôm, bơ… Ngoài ra, dọc theo các trục đường chính ở thị trấn Tô Hạp còn có rất nhiều gian hàng của người dân bày bán các loại trái cây. Theo Ban tổ chức, ước tính 55 tấn nông sản đã được bán hết tại lễ hội, trong đó có 35 tấn sầu riêng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, du khách đến từ TP. Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận) chia sẻ: “Tôi đã từng nghe nhiều đến các sản phẩm trái cây Khánh Sơn nhưng lần này mới trực tiếp đến Khánh Sơn. Tham quan các gian hàng, thưởng thức các sản phẩm nông sản Khánh Sơn, tôi thấy tất cả đều ngon. Tôi đã mua gần 100kg trái cây các loại như: sầu riêng, bưởi da xanh, măng cụt để làm quà cho người thân, bạn bè”.
Bên cạnh đó, lễ hội còn có nhiều hoạt động sôi nổi như: Giải Việt dã sức trẻ Khánh Sơn, hội thi trái cây ngon, các trò chơi dân gian, múa hát tập thể. Đặc biệt, trong đêm khai mạc, lễ hội đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trong đó nổi bật là tái hiện Lễ ăn mừng lúa mới của người Raglai, biểu diễn sử thi Raglai. Ngoài ra, còn có hội thảo xây dựng nền nông nghiệp sạch phát triển bền vững; các hội thi: Già làng khéo tay, trưng bày trái cây nghệ thuật, ẩm thực Khánh Sơn… cũng thu hút rất đông người dân và du khách.
Ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, lễ hội lần này nhằm tạo cú hích trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản của địa phương. Bên cạnh đẩy mạnh quảng bá thế mạnh của ngành nông nghiệp, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, huyện còn muốn giới thiệu hình ảnh Khánh Sơn với các nhà đầu tư, mong muốn ngày càng nhiều nhà đầu tư đến Khánh Sơn để phát triển nông nghiệp sạch, đầu tư du lịch.
Tuy được đánh giá rất thành công nhưng đây là lần đầu tiên tổ chức nên Lễ hội trái cây ngon Khánh Sơn cũng còn một số hạn chế. Do lượng du khách đổ về Khánh Sơn rất nhiều, trong khi cơ sở hạ tầng chưa được đồng bộ nên đã xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ; nhiều du khách không tìm được chỗ nghỉ qua đêm; các nhà hàng, quán ăn quá tải… dẫn đến tình trạng tăng giá dịch vụ. Nên chăng, trong các kỳ lễ hội sau, địa phương cần quan tâm hơn đến những vấn đề này, nhất là việc tổ chức thêm các gian hàng ẩm thực để phục vụ du khách gần xa.
Hướng đến xây dựng vùng cây ăn quả đặc sản
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Địa phương cần chú trọng phát triển nông nghiệp chất lượng cao, gắn với phát triển du lịch; xác định nông nghiệp là trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Huyện cần thực hiện tốt quy hoạch, hình thành vùng sản xuất chuyên canh, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp; tăng cường giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và các lĩnh vực khác để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. |
Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, hơn 20 năm trước, lần đầu tiên cây sầu riêng được đưa về trồng thử nghiệm ở Khánh Sơn và nhanh chóng cho hiệu quả kinh tế cao. Tiếp đó, nhiều loại cây ăn quả khác cũng được nông dân đưa về trồng. Đến nay, Khánh Sơn đã trở thành vùng cây ăn quả ngon, lớn nhất Nam Trung Bộ. Hiện nay, toàn huyện có 962ha sầu riêng, sản lượng hàng năm khoảng 3.200 tấn; 319ha bưởi da xanh, sản lượng 220 tấn; 166ha chôm chôm, sản lượng 120 tấn; 32ha măng cụt, sản lượng 200 tấn; 66ha quýt đường, sản lượng 10 tấn; 300ha mía tím, sản lượng 14.000 tấn. Đặc biệt, sầu riêng Khánh Sơn đã được bình chọn là Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, mía tím Khánh Sơn cũng đã được xây dựng thương hiệu, nhiều loại cây ăn quả khác được nông dân sản xuất sạch, áp dụng theo chuẩn VietGAP.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho biết, định hướng chính của huyện là xây dựng Khánh Sơn thành vùng cây ăn trái đặc sản, gắn với thúc đẩy phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2017 đến nay, huyện đã tập trung chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân thực hiện việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang những loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao và bước đầu đem lại hiệu quả. Sau gần 3 năm thực hiện, có 1.451 hộ tham gia chuyển đổi cây trồng với diện tích gần 900ha.
Một vấn đề khiến chính quyền và nông dân Khánh Sơn trăn trở lâu nay là việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của địa phương vẫn phụ thuộc nhiều vào thương lái. Không ít lần nông dân rơi vào cảnh được mùa rớt giá, thậm chí bị ép giá. Vì vậy, việc tạo đầu ra ổn định cho nông sản là vấn đề luôn được lãnh đạo huyện Khánh Sơn quan tâm. “Gần đây, huyện đã tăng cường xúc tiến, quảng bá, kết nối để đưa nông sản Khánh Sơn vào tiêu thụ tại các siêu thị, tại Phiên chợ nông sản Khánh Hòa. Đặc biệt, Lễ hội trái cây ngon lần đầu tiên được tổ chức đã giúp người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến các loại trái cây ngon của nông dân Khánh Sơn nhiều hơn”, ông Anh Quang - nông dân xã Sơn Bình nhận xét.
HẢI LĂNG - HỒNG ĐĂNG