Thời gian qua, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và bước đầu đã đem lại những hiệu quả thiết thực.
Thời gian qua, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và bước đầu đã đem lại những hiệu quả thiết thực.
Nhiều mô hình hiệu quả
Ở thôn Văn Sơn (xã Cam Phước Tây), người dân rất thán phục tinh thần vươn lên làm giàu, thoát nghèo bền vững của hộ ông Bo Văn Thơ (người dân tộc Raglai). Được sự quan tâm, hỗ trợ của Hội Nông dân xã, gia đình ông đã mạnh dạn xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản, dê thương phẩm. Ban đầu, ông chỉ có 2 cặp bò mẹ con và 11 con dê. Nhờ thường xuyên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nên ông đã áp dụng hiệu quả vào mô hình của gia đình mình. Bên cạnh đó, ông còn mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang trồng bắp, chuối cho năng suất và thu nhập cao. Nhờ đó, kinh tế gia đình ông ngày càng phát triển, nhà cửa xây dựng khang trang. Hiện tại, nhà ông có 9 con bò sinh sản, mỗi năm cho thu nhập 90 triệu đồng từ việc bán bò con. Cùng với đó, hơn 4ha trồng bắp và chuối cũng mang về thu nhập khá cao cho gia đình. Kinh tế ổn định, ông Thơ có điều kiện để giúp đỡ những hộ nghèo trong thôn cách làm ăn để vươn lên thoát nghèo.
Theo ông Trần Vĩnh Hạnh - Trưởng phòng Dân tộc huyện Cam Lâm, từ năm 2014 đến nay, UBND huyện đã thực hiện hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình phát triển sản xuất mới cho 418 hộ ĐBDTTS nghèo và cận nghèo với tổng kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng. Để giúp các hộ thực hiện có hiệu quả các mô hình, huyện đã tổ chức 31 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, thu hút hơn 1.500 lượt người tham gia. Nhờ đó, các hộ đã bước đầu biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiếp cận thông tin thị trường, sử dụng đất đai hiệu quả. Huyện cũng phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tạo điều kiện cho ĐBDTTS đi tham quan, học tập kinh nghiệm thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả ở trong và ngoài tỉnh. Qua thời gian triển khai, đã xuất hiện nhiều mô hình đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện đời sống vật chất cho hộ ĐBDTTS như: nuôi heo đen, nuôi bò sinh sản, trồng điều cao sản tại xã Sơn Tân; nuôi bò sinh sản, nuôi dê ở xã Cam Phước Tây; trồng bưởi da xanh ở xã Suối Cát…
Sẽ tiếp tục hỗ trợ
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất còn gặp một số khó khăn, hạn chế. ĐBDTTS canh tác chủ yếu trên đất nương rẫy, độ dốc lớn, phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên làm ảnh hưởng lớn đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi chưa cao. Các mô hình được xây dựng quy mô còn nhỏ lẻ ở từng hộ gia đình, chưa xây dựng được mô hình lớn với sự tham gia của nhiều hộ. Điều kiện thời tiết, khí hậu trong những năm gần đây diễn biến phức tạp đã tác động tới tình hình sản xuất, hiệu quả thực hiện các mô hình kinh tế của người dân. “Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương luôn quan tâm tới việc tập trung thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, phát triển sản xuất đối với ĐBDTTS. Trong đó, vấn đề lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư có trọng điểm, xây dựng các mô hình về phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường được xem là giải pháp chính”, ông Trần Vĩnh Hạnh cho biết.
Thời gian tới, huyện Cam Lâm tiếp tục nâng cao phát triển sản xuất vùng ĐBDTTS. Vấn đề lựa chọn mô hình sản xuất phải phù hợp với năng lực, nhận thức của đồng bào và thế mạnh của từng địa phương. Khi đã chọn được mô hình, huyện sẽ hỗ trợ, hướng dẫn đồng bào những kỹ năng, phương pháp, ứng dụng các mô hình để đạt hiệu quả. Cùng với đó, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông ở vùng ĐBDTTS; tìm các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của ĐBDTTS để thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm nghèo bền vững.
GIANG ĐÌNH