08:06, 14/06/2019

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Theo ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, trên địa bàn tỉnh, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thanh toán của người dân và du khách.

Theo ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa, trên địa bàn tỉnh, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thanh toán của người dân và du khách.

- Xin ông cho biết kết quả thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh?

 


- Đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 38 chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) và 4 quỹ tín dụng nhân dân với 165 điểm giao dịch ngân hàng; có 330 máy ATM hoạt động. Các chi nhánh TCTD đã phát hành gần 1,2 triệu thẻ, lắp đặt 4.265 thiết bị POS tại 2.978 đơn vị chấp nhận thẻ, hầu hết đã kết nối liên thông. Giao dịch qua hệ thống POS trên địa bàn tăng trưởng mạnh, đạt hơn 3,8 triệu giao dịch với giá trị 11,5 nghìn tỷ đồng (tương ứng tăng 35,64% và 24,64% so với cùng kỳ năm 2017). Qua hệ thống ATM có 12,65 triệu giao dịch với giá trị 37,6 nghìn tỷ đồng (tương ứng tăng 4,69% và 5,4% so với cuối năm 2017), trong đó, 98,2% là giao dịch thanh toán nội địa. Đẩy mạnh phát triển mạng lưới ATM đã góp phần giúp người dân làm quen với các dịch vụ thanh toán của ngân hàng và các TCTD đã triển khai nhiều dịch vụ thanh toán qua ATM như thanh toán tiền điện, nước nhưng đến nay hiệu quả đạt được chưa cao khi các ATM sử dụng cho giao dịch rút tiền mặt vẫn còn chiếm tỷ lệ cao, đến 93,49% tổng số món và 82,23% giá trị giao dịch.


Nhằm đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực công, NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đã tham mưu UBND tỉnh ban hành chương trình hành động đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn giai đoạn 2018 - 2020. Các chi nhánh TCTD đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước, các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác nộp thuế điện tử, trả lương qua tài khoản, thanh toán điện, nước, phí, lệ phí dịch vụ hành chính công… Kết quả năm 2018, đã thực hiện thanh toán tiền thuế, thu phạt vi phạm hành chính, phí, lệ phí và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước, thu phí dịch vụ công trực tuyến qua ngân hàng là 279.550 món với doanh số thanh toán 33.438 tỷ đồng; thanh toán tiền điện 145.991 khách hàng (chiếm tỷ lệ 42,55% tổng số khách hàng), số tiền 1.714 tỷ đồng (chiếm 78,21% tổng doanh thu); thanh toán tiền nước 58.586 món với doanh số thanh toán 36,45 tỷ đồng; thanh toán học phí 192 món, số tiền hơn 5 tỷ đồng; thanh toán viện phí 30 tỷ đồng; chi trả an sinh xã hội 225 món với số tiền 0,8 tỷ đồng.


- Theo ông, việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt còn những hạn chế, khó khăn gì?


- Như trên đã phân tích, giao dịch qua ATM chủ yếu vẫn là rút tiền mặt, giao dịch thanh toán chuyển khoản chiếm tỷ lệ rất nhỏ cho thấy thói quen tiêu dùng tiền mặt còn phổ biến ở cả thành thị và nông thôn. Các khoản chi tiêu, thanh toán của người dân chủ yếu là giá trị nhỏ, sử dụng tiền mặt là chính. Mặt khác, về cơ bản, cơ sở hạ tầng, dịch vụ ngân hàng đã đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng nhưng mạng lưới điểm giao dịch ngân hàng, ATM, POS tập trung ở khu vực thành thị, khu vực có kinh tế phát triển. Các điểm chấp nhận thanh toán POS chủ yếu tập trung ở các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, hệ thống nhà hàng, khách sạn, một số hãng taxi... Trong khi đó, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn rất thiếu các điểm tiếp cận dịch vụ ngân hàng.


Bên cạnh đó, các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội và các chương trình an sinh xã hội thường là những món tiền có giá trị thấp, đối tượng hưởng đa số là người lớn tuổi, người nghèo, khả năng sử dụng thiết bị công nghệ hạn chế, có tâm lý thích sử dụng tiền mặt hơn. Vì vậy, tỷ lệ thanh toán viện phí, nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội và các chương trình an sinh xã hội còn rất thấp. Mặt khác, mức phí dịch vụ giữa thanh toán tiền mặt và chuyển khoản chưa tạo động lực khuyến khích khách hàng lựa chọn thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, công tác an toàn, bảo mật là một vấn đề lưu tâm trong lĩnh vực ngân hàng; tội phạm ngân hàng đang có chiều hướng gia tăng với những thủ đoạn ngày càng tinh vi và khó phát hiện, ảnh hưởng đến tâm lý ngại sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, tài khoản thanh toán của khách hàng…


- Ngành Ngân hàng có những giải pháp gì để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thưa ông?


- Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam được bắt đầu thực hiện từ 2006; hiện nay đang triển khai cho giai đoạn 2016 - 2020. Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, trước hết, ngành Ngân hàng tiếp tục phối hợp đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền thay đổi thói quen dùng tiền mặt trong thanh toán của người dân. Bên cạnh đó, có chính sách khuyến khích các TCTD thành lập chi nhánh, phòng giao dịch, ngân hàng đại lý hoạt động tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; ứng dụng công nghệ thông tin phát triển đa dạng kênh cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng như: ngân hàng điện tử, ngân hàng di động, ngân hàng đại lý; hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ thanh toán…


Bên cạnh đó, tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Các TCTD tập trung thực hiện chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip theo lộ trình của NHNN, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thẻ ngân hàng, tạo thuận lợi cho việc gia tăng các tính năng, tiện ích cho chủ thẻ, tăng niềm tin của khách hàng sử dụng thẻ cũng như dịch vụ ngân hàng…


- Xin cảm ơn ông!


N.D (Thực hiện)