09:01, 02/01/2019

Phát triển sầu riêng VietGAP

Cách đây hơn 1 tháng, hơn 42ha sầu riêng Khánh Sơn với sản lượng hơn 1.000 tấn quả đã được chứng nhận VietGAP. Làm thế nào để loại nông sản có giá trị kinh tế cao này phát triển ổn định là điều đang được quan tâm.

Cách đây hơn 1 tháng, hơn 42ha sầu riêng Khánh Sơn với sản lượng hơn 1.000 tấn quả đã được chứng nhận VietGAP. Làm thế nào để loại nông sản có giá trị kinh tế cao này phát triển ổn định là điều đang được quan tâm.


Khẳng định thương hiệu


Năm 2018, sầu riêng Khánh Sơn được mùa, được giá. Với tổng sản lượng hơn 2.800 tấn, người dân thu nhập từ 200 đến 400 triệu đồng/ha, cao hơn tất cả những loại cây trồng khác. Sầu riêng được trồng nhiều ở xã Sơn Bình, đây cũng là địa phương có diện tích sầu riêng có năng suất cao nhất huyện.

 

Giới thiệu sản phẩm sầu riêng gap đầu tiên ở Khánh Hòa.

Giới thiệu sản phẩm sầu riêng gap đầu tiên ở Khánh Hòa.


Tuy giá trị kinh tế lớn như vậy nhưng nông dân Khánh Sơn từng không ít lần phải nếm vị đắng của sầu riêng khi mất mùa, rớt giá. Điển hình là năm 2017, sầu riêng Khánh Sơn bị dịch bệnh, mất mùa, bán không được giá, nhiều nhà vườn báo lỗ, may mắn lắm mới có lãi nhưng không đáng kể.


Làm thế nào để đưa loại đặc sản này lên con đường “chính ngạch” ra thị trường, đặc biệt thị trường xuất khẩu là bài toán được đặt ra cho chính quyền và người trồng sầu riêng Khánh Sơn. Để giải bài toán này, trên cơ sở đề nghị của UBND huyện Khánh Sơn, tháng 11-2017, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đã phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn tiến hành khảo sát, đánh giá và lựa chọn vùng trồng sầu riêng ở Sơn Bình để triển khai mô hình chuỗi cung cấp sầu riêng theo VietGAP. Trên cơ sở đó, Hợp tác xã (HTX) Cây ăn quả Sơn Bình được thành lập với 42,2ha của 8 hộ thành viên. Sau 1 năm thực hiện, tháng 11-2018, 42,2ha sầu riêng với sản lượng hơn 1.000 tấn của HTX đã được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 3 chứng nhận VietGAP.


Không chỉ đạt GAP như một sự khẳng định về mức độ an toàn, sản phẩm sầu riêng của HTX Cây ăn quả Sơn Bình còn được đính mã QR Code (Quick response code - tạm dịch là “mã phản hồi nhanh”), người sử dụng có thể dùng điện thoại, máy tính bảng để quét vào mã này để truy xuất các thông tin cần thiết về nguồn gốc xuất xứ, thời điểm thu hoạch… của từng trái sầu riêng. Đây vừa là cách khẳng định thương hiệu, vừa có thể tránh được những giả mạo, tạo niềm tin cho người sử dụng.


Cần trợ lực từ nhiều phía


Mới đây, trong buổi tổng kết chuỗi cung cấp sầu riêng theo VietGAP, ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp như: hỗ trợ chuyển đổi cây trồng; hỗ trợ trồng trọt theo chuẩn VietGAP; ưu đãi lãi suất của ngân hàng… Tuy nhiên, để những trái sầu riêng VietGAP phát triển, HTX Cây ăn quả Sơn Bình và các chi cục liên quan cần tiếp tục duy trì và có hướng phát triển, mở rộng diện tích sầu riêng GAP. Xung quanh vấn đề này, đại diện HTX Cây ăn quả Sơn Bình cho biết, hiện nay, vấn đề xâu đầu mối đang gặp nhiều khó khăn. Nông dân có thể giỏi trong việc trồng, chăm sóc cây, nhưng việc phát triển theo chuỗi, kêu gọi, hợp tác với các đơn vị kinh doanh ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, các công đoạn bảo quản sau thu hoạch… đang cần sự trợ giúp từ Nhà nước.


Đáng chú ý là ngay tại buổi tổng kết, hoạt động ký kết bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm giữa HTX Cây ăn quả Sơn Bình với Siêu thị thực phẩm sạch 3F, trái cây Hùng Nguyệt và Siêu thị Co.op Mart đã được tổ chức. Theo bà Nguyễn Thị Thu Sương - Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Nha Trang, vào vụ thu hoạch, mỗi ngày, siêu thị tiêu thụ khoảng 300kg sầu riêng. Mùa vừa rồi, Co.op Mart Nha Trang chỉ ký kết thu mua được 2 tấn sầu riêng Khánh Sơn, đó là con số khá khiêm tốn. Đơn vị mong muốn ngày càng có nhiều diện tích sầu riêng ở Khánh Hòa đạt chuẩn VietGAP, làm cơ sở để đưa số lượng sầu riêng nhiều hơn nữa lên kệ.


Theo ông Nguyễn Ngọc Việt - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, mấu chốt hiện nay đối với HTX Cây ăn quả Sơn Bình là phải tập hợp được những người sản xuất lại với nhau, phân chia lợi ích hợp lý, công bằng. Có như vậy mới ngày càng phát triển được cả về diện tích, sản lượng và thành viên tham gia.


Ông Phan Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo phòng chuyên môn, UBND các xã tập trung tuyên truyền, vận động nông dân tham gia VietGAP để nhân rộng mô hình. Riêng UBND xã Sơn Bình cần có kế hoạch cụ thể để duy trì và phát triển sầu riêng VietGAP. Ông cũng đề nghị các sở, ngành tiếp tục quan tâm xây dựng mô hình GAP đối với các cây trồng đã khẳng định được chất lượng, số lượng, được người tiêu dùng đón nhận như: bưởi da xanh, quýt đường, chôm chôm, măng cụt…; đồng thời mong muốn các đơn vị liên kết, quan tâm thu mua và bao tiêu sản phẩm để ổn định cho người dân yên tâm sản xuất.


Hy vọng, cùng với quá trình thay đổi của nông dân, sự trợ lực từ nhiều phía sẽ giúp cây sầu riêng Khánh Sơn nói chung và sầu riêng của HTX Cây ăn quả Sơn Bình nói riêng tiếp tục phát triển, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.


Hồng Đăng