Đối với các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn, thiếu vốn, thiếu định hướng luôn là bài toán nan giải. Tuy nhiên, những năm gần đây, đề án khuyến công địa phương, khuyến công quốc gia đã phần nào tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp (DN) công nghiệp nông thôn, thiếu vốn, thiếu định hướng luôn là bài toán nan giải. Tuy nhiên, những năm gần đây, đề án khuyến công địa phương, khuyến công quốc gia đã phần nào tháo gỡ khó khăn cho các DN.
Tạo động lực cho công nghiệp nông thôn
Hiện nay, đa số các DN công nghiệp ở nông thôn trên địa bàn tỉnh đều là những DN nhỏ và siêu nhỏ. Việc đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất đủ tiêu chuẩn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm luôn là vấn đề không đơn giản. Chính vì vậy, một số đơn vị khi được trợ lực từ nguồn khuyến công địa phương và quốc gia đã mạnh dạn đầu tư thêm máy móc thiết bị để mở rộng sản xuất, tăng sức cạnh tranh.
Ông Lê Công Bảo - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Diên Khánh cho biết, trong 3 năm gần đây, trên địa bàn huyện có 12 đề án khuyến công được triển khai từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương. Bước đầu, nguồn kinh phí hỗ trợ này đã tạo động lực cho các DN, giải quyết phần nào khó khăn về vốn. Mong rằng trong thời gian tới, sẽ có nhiều DN được thụ hưởng nguồn kinh phí này.
Được biết, từ năm 2014 đến nay, Sở Công Thương đã chỉ đạo và triển khai thực hiện 37 đề án khuyến công nhằm hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với tổng kinh phí hơn 5,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sở cũng hỗ trợ 11 đề án phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, tổng kinh phí hơn 1,3 tỷ đồng. Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (trực thuộc Sở Công Thương) phối hợp với các địa phương thực hiện 20 đề án hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công với tổng kinh phí hơn 212 triệu đồng; 14 đề án cung cấp thông tin về chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công với tổng kinh phí 376 triệu đồng.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến công
Năm 2018, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia đã hỗ trợ 850 triệu đồng cho 3 DN đầu tư thiết bị, máy móc để nâng cao năng lực sản xuất. Nguồn khuyến công địa phương cũng đầu tư 1,1 tỷ đồng cho 8 DN, cơ sở sản xuất đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến; tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo và đưa các sản phẩm đi dự hội chợ thương mại trong khu vực. Nguồn đầu tư tuy chưa đáp ứng được hết nhu cầu của các DN, song phần nào tạo động lực cho công nghiệp nông thôn phát triển, nâng cao năng lực sản xuất và tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm trên thị trường. Ông Cáp Văn Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ sinh phẩm Nam Việt (Cụm Công nghiệp Diên Phú, huyện Diên Khánh) đánh giá: “Nhờ sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công, nhiều DN vừa và nhỏ ở nông thôn có cơ hội để thay đổi dây chuyền sản xuất, đầu tư thêm máy móc nhằm cho ra đời nhiều sản phẩm chất lượng. Bên cạnh đó, các hội thảo, khóa tập huấn ngắn hạn cũng đã giúp DN hoạch định, tạo hướng đi lâu dài cho sản xuất, kinh doanh”.
Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, hoạt động khuyến công cơ bản đã bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình khuyến công từng giai đoạn. Nội dung hoạt động cụ thể, rõ ràng, phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp cận của các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn và được đánh giá cao. Nhiều hoạt động tiêu biểu như: đào tạo nghề, truyền nghề theo nhu cầu của DN, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm… Thông qua các chương trình khuyến công đã khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn thúc đẩy sản xuất, đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ...
Đình Lâm
Ông Nguyễn Sanh Đương - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, Trưởng phòng Công nghiệp Sở Công Thương: Nguồn kinh phí từ khuyến công hiện nay chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu của các DN; còn rất nhiều đơn vị mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ chương trình. Song vì số vốn có hạn nên việc lựa chọn các đơn vị để hỗ trợ sẽ rất kỹ lưỡng trên phương diện xem xét nhiều khía cạnh. Công tác khuyến công hiện nay cũng được đánh giá còn có những vướng mắc như số cơ sở công nghiệp nông thôn đăng ký tham gia chương trình khuyến công vẫn chưa tương xứng với số lượng và tình hình hoạt động thực tế. Hiện nay, còn nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng công tác xây dựng thương hiệu, tăng cường quảng bá, xúc tiến thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, hoạt động khuyến công vẫn chưa thể huy động được nguồn tài trợ đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong xã hội mà chủ yếu vẫn dựa vào nguồn ngân sách nhà nước.