10:12, 13/12/2018

Tổ hội nghề nghiệp: Khởi đầu của liên kết

Khuyến khích mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy bằng nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân, thời gian qua, các tổ hội nghề nghiệp do hội nông dân các cấp thành lập đang phát huy hiệu quả và được xem là bước khởi đầu quan trọng của kinh tế liên kết.

Khuyến khích mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy bằng nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân, thời gian qua, các tổ hội nghề nghiệp do hội nông dân (HND) các cấp thành lập đang phát huy hiệu quả và được xem là bước khởi đầu quan trọng của kinh tế liên kết.


Định hình sản xuất tập trung


Tháng 10-2017, HND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện đề án “Xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp” của Trung ương HND Việt Nam. Nguyên tắc cơ bản nhất của đề án này là tập hợp được các nông dân trong cùng một khu vực có 5 điểm chung gồm: cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 176 tổ hội nghề nghiệp với hơn 1.800 hội viên trong các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề nông thôn.

 

Thành viên của Tổ hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả Vĩnh Lương chăm sóc cây trồng của mình.

Thành viên của Tổ hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả Vĩnh Lương chăm sóc cây trồng của mình.


Theo ông Trương Công Trúc - Tổ trưởng Tổ hội trồng xoài Úc tại Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm, hoạt động trồng, chăm sóc và kinh doanh xoài Úc của 15 thành viên trong tổ đang có những bước phát triển mới kể từ khi hình thành nên tổ hội. Được Trung ương HND Việt Nam cho vay vốn 1 tỷ đồng, cùng với số tiền tự có, các thành viên trong tổ đã tập trung cải tạo, nâng cấp vườn xoài có tổng diện tích khoảng 30ha thông qua các công việc như: tạo hố, đánh bồn, tỉa cành, đầu tư hệ thống tưới, ghép xoài Úc lên gốc xoài Canh Nông… Mặc dù hơn 1 năm qua tình hình thời tiết có phần bất lợi, nhưng trên nền tảng đã đầu tư hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn cho các hộ trồng xoài. “Khi tham gia tổ hội, các hộ chia sẻ với nhau về kỹ thuật chăm sóc, xử lý bệnh, cân đối đầu ra sản phẩm… Việc cùng làm với nhau trong cùng một ngành nghề, một mối quan tâm giúp chúng tôi hỗ trợ nhau tốt hơn”, ông Trúc cho biết.


Tại xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang, 10 hộ nông dân cũng đã hình thành nên tổ hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả. Với tổng diện tích gần 50ha, các thành viên của tổ được tiếp cận các lớp đào tạo nghề trồng cây ăn quả, được Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp “tiếp sức” 700 triệu đồng vốn vay để đầu tư vào cây giống, phân bón, cải tạo đất… Theo ông Nguyễn Hữu Thật - Chủ tịch HND xã Vĩnh Lương, các thành viên trong tổ đã mạnh dạn đầu tư, phát triển vườn cây ăn quả chuyên canh các loại cây như: mãng cầu tây, bưởi da xanh, cam, mít, chuối… Một số hộ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.


Theo HND tỉnh, nhiều tổ hội đang hoạt động hiệu quả, mang về thu nhập cao hơn cho các thành viên như: tổ hội trồng dừa xiêm ở Vạn Ninh; sản xuất lúa giống, trồng dâu nuôi tằm ở Diên Khánh; nuôi tôm hùm lồng ở Cam Ranh; trồng bưởi da xanh ở Khánh Vĩnh; trồng sầu riêng ở Khánh Sơn… Trong 1 năm qua, để tạo điều kiện cho các tổ hội nghề nghiệp hoạt động hiệu quả, Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đã cho 393 hộ nông dân trong tổ hội nghề nghiệp vay vốn với số tiền gần 14,4 tỷ đồng. Không chỉ hỗ trợ vốn, hoạt động tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, đào tạo nghề cho các thành viên trong tổ hội nghề nghiệp, định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tổ chức sản xuất theo chuỗi và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm... cũng được đẩy mạnh. Đã có 19 lớp, gần 1.400 hội viên của các tổ hội nghề nghiệp tiếp cận được với một số kỹ thuật, kinh nghiệm, mô hình sản xuất hiệu quả. Chẳng hạn như: kỹ thuật trồng trọt trên vùng đất cát ven biển tại Ninh Hòa; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng bưởi da xanh tại Khánh Vĩnh; kỹ thuật chăm sóc cây chôm chôm cho ra trái đồng loạt tại Khánh Sơn; kỹ thuật dùng lưới che chắn bảo vệ vườn táo Cam Ranh… Ngoài ra, hội viên trong tổ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm thực tế trong sản xuất, chăn nuôi nên hiệu quả sản xuất ngày càng tăng, giá thành giảm, tăng thu nhập cho hội viên.


Vẫn khó đầu ra


Theo đánh giá của HND tỉnh, bên cạnh kết quả đạt được, mô hình tổ hội nghề nghiệp sản xuất, kinh doanh vẫn còn một số khó khăn như: mô hình tương đối nhỏ, lẻ; đầu ra cho sản phẩm chưa chủ động, không ổn định; giá cả vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường, thương lái... Đặc biệt, cùng với nỗ lực của các tổ hội, các cấp HND, việc hỗ trợ tìm đầu ra sản phẩm của các tổ hội nghề nghiệp để từng bước phát triển, tiến tới thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã và làng nghề truyền thống… đang cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ các cấp chính quyền, sở, ngành liên quan.


Theo ông Nguyễn Trọng Trung - Chủ tịch HND tỉnh, thời gian tới, cùng với việc tiếp tục lựa chọn mô hình phù hợp, có đủ điều kiện để chỉ đạo thành lập, duy trì, nhân rộng các chi tổ hội nghề nghiệp hoạt động hiệu quả, HND các cấp sẽ tập trung phối hợp với các cấp, ngành liên quan hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống, vốn…, nhất là tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm của các mô hình tổ hội nghề nghiệp. Muốn có đầu ra ổn định hơn, các tổ hội cần tập trung ứng dụng công nghệ cao vào các mô hình sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường. Các cấp hội sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng hỗ trợ pháp lý trong việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm của mô hình tổ hội nghề nghiệp.


Hồng Đăng