Khánh Hòa là thủ phủ nuôi trồng thủy sản khu vực Nam Trung bộ, nhất là nghề nuôi biển. Tuy nhiên, cần có những giải pháp và định hướng cụ thể để nghề này phát triển bền vững.
Khánh Hòa là thủ phủ nuôi trồng thủy sản (NTTS) khu vực Nam Trung bộ, nhất là nghề nuôi biển. Tuy nhiên, cần có những giải pháp và định hướng cụ thể để nghề này phát triển bền vững.
Chất lượng môi trường nuôi giảm sút
Khánh Hòa có 3 vịnh là Vân Phong, Nha Trang và Cam Ranh với tổng diện tích hơn 100.000ha, rất thuận lợi cho phát triển NTTS trên biển. Với lợi thế này, người dân đã phát triển nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như: tôm hùm, ốc hương, cá biển... Hiện nay, đối tượng nuôi được người dân tập trung phát triển chủ yếu là tôm hùm, gồm tôm hùm bông và tôm hùm xanh. Nếu như năm 2009, toàn tỉnh mới chỉ có 19.705 lồng nuôi tôm hùm với sản lượng đạt 628 tấn thì đến năm 2017, mặc dù bị thiệt hại do bão số 12, sản lượng nuôi tôm hùm vẫn đạt 984 tấn, với 40.620 ô lồng thả nuôi. Các loại cá biển nuôi như: cá bớp, cá chim vây vàng, cá hồng, cá chẽm, cá mú... cũng có sự tăng mạnh về cả số lượng lồng bè và sản lượng nuôi. Nếu như năm 2010 mới chỉ có 3.502 lồng với 904 tấn thì đến năm 2017 đã tăng lên 7.532 lồng với 3.424 tấn.
Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, liên tiếp những năm gần đây, nghề nuôi biển đang bộc lộ nhiều nguy cơ thiếu bền vững. Theo các cơ quan chuyên môn, nguyên nhân là do mật độ lồng nuôi vượt ngưỡng cho phép, năng suất thủy sản nuôi lồng có xu hướng giảm. Ngoài ra, những khó khăn như: thiếu vốn sản xuất, giống, môi trường ngày càng ô nhiễm và thị trường tiêu thụ bấp bênh cũng khiến cho nghề nuôi biển đứng trước nguy cơ thiếu bền vững.
Đến nay, toàn tỉnh có 59.339 lồng nuôi thủy sản các loại; trong đó, TP. Cam Ranh có số lượng lớn nhất với 44.000 lồng, huyện Vạn Ninh 10.000 lồng, TP. Nha Trang 4.266 lồng và thị xã Ninh Hòa 1.073 lồng. |
Một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là chất lượng môi trường nuôi ở nhiều địa phương đang có dấu hiệu giảm sút. Tại một số vùng nuôi như: đảo Trí Nguyên (Nha Trang) mật độ lồng bè nuôi rất lớn với 239 lồng/ha; vùng nuôi Đầm Môn (Vạn Ninh), Cam Bình, Cam Lập (Cam Ranh) khoảng cách giữa các bè nuôi san sát, dưới 5m… Những điều này đã tạo điều kiện cho dịch bệnh trên thủy sản phát triển, gây thiệt hại cho người nuôi. Ngoài ra, một bộ phận người nuôi chưa có ý thức và trách nhiệm với cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường nuôi thủy sản. Việc sử dụng hóa chất, kháng sinh còn tùy tiện, nuôi trồng không theo quy hoạch... đã ảnh hưởng rất lớn đến nghề NTTS trên biển hiện nay. Thực tế, trong thời gian gần đây, tại nhiều vùng nuôi lồng bè như: Vạn Ninh, Cam Ranh liên tục xuất hiện tình trạng thủy sản nuôi chết hàng loạt do các loại dịch bệnh, nhất là trên 2 đối tượng nuôi chủ lực: tôm hùm, cá bớp, khiến người nuôi thiệt hại nặng nề.
Cần sắp xếp lồng bè đúng vùng quy hoạch
Để phát triển bền vững nghề NTTS trên biển, theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh, trước hết cần tổ chức sắp xếp lồng bè đúng vùng quy hoạch, trong đó vịnh Nha Trang có 3 vùng, vịnh Cam Ranh 3 vùng, vịnh Vân Phong 6 vùng, đầm Nha Phu 3 vùng. Tuy nhiên, việc này đang gặp nhiều khó khăn. Theo ông Đặng Tri Thông - chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, nhu cầu NTTS trên biển của người dân Vạn Ninh rất lớn. Các khu vực được quy hoạch hiện chưa thể đáp ứng được nhu cầu nuôi của người dân, vì vậy việc phát triển tự phát ngoài quy hoạch là điều khó tránh khỏi và để lại nhiều hệ lụy.
Ngoài ra, để phát triển NTTS trên biển bền vững, ngành Thủy sản tỉnh đang tiếp tục đa dạng hóa các mô hình tổ chức sản xuất; khuyến khích phát triển các mô hình liên kết, liên doanh giữa người sản xuất với các nhà máy chế biến, nhà đầu tư... nhằm hình thành chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản nuôi. Kết quả bước đầu, đã hình thành được 1 Hợp tác xã NTTS tại Bình Ba (xã Cam Bình, TP. Cam Ranh) với 12 thành viên và đang gia tăng số lượng thành viên; hình thành được 6 tổ, đội liên kết NTTS tại đảo Trí Nguyên (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang), với hơn 100 hộ nuôi lồng bè tham gia...
Chi cục Thủy sản cũng đang khuyến khích người dân ưu tiên sử dụng lồng làm bằng vật liệu HDPE có thể chịu được sóng to, gió lớn. Ngoài ra, chi cục còn tập trung xây dựng các vùng nuôi khơi, các vùng lồng bè công nghiệp tập trung áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến, vật liệu làm lồng có thể chịu được sóng gió, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm tạo ra sản phẩm ổn định phục vụ cho chế biến xuất khẩu.
BÍCH LA