Hiện nay, người chăn nuôi trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đang tập trung tái đàn gia cầm để kịp cung cấp nhu cầu cho thị trường Tết.
Hiện nay, người chăn nuôi trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đang tập trung tái đàn gia cầm để kịp cung cấp nhu cầu cho thị trường Tết. Tuy nhiên, thời tiết đang bước vào mùa mưa, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh, nên công tác theo dõi, giám sát được ngành Thú y và người chăn nuôi đặc biệt quan tâm.
Tập trung tái đàn
Xã Vạn Lương là địa phương có đàn gia cầm lớn nhất huyện với hơn 20.000 con. Ông Hà Minh - cán bộ thú y xã Vạn Lương cho biết, hiện nay, người chăn nuôi tại địa phương tập trung tái đàn gia cầm, đặc biệt là các hộ nuôi vịt chạy đồng đang cơ cấu đàn rất cao, khoảng 15.000 con; chăn nuôi hộ gia đình khoảng 5.000 con. Do thời điểm tái đàn gia cầm vào mùa mưa, nên dễ phát sinh nhiều loại dịch bệnh, nhất là dịch cúm.
Thực hiện chỉ đạo của Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, thú y cơ sở đã bám sát các hộ chăn nuôi trên địa bàn để giám sát và theo dõi tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm. “Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện vừa phối hợp với UBND xã Vạn Lương tổ chức tiêm phòng bệnh cúm đợt 2 năm 2018 đối với đàn gia cầm có quy mô dưới 500 con; riêng đàn có quy mô trên 500 con thì người chăn nuôi tự mua vắc xin cúm về tiêm dưới sự giám sát của cán bộ thú y cơ sở”, ông Minh cho biết.
Ông Bùi Tấn Nhất - người nuôi vịt chạy đồng tại xã Vạn Lương cho biết, ông đang nuôi hơn 10.000 con vịt. Để bảo vệ đàn vịt, ông đã mua vắc xin phòng một số loại dịch bệnh như: tả, cúm… để tiêm, đồng thời bổ sung vitamin giúp đàn vịt nâng cao sức đề kháng.
Ông Nguyễn Ngọc Trung - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết, thời điểm này, công tác tái đàn gia cầm trên địa bàn đang phát triển mạnh nhằm phục vụ nhu cầu thị trường Tết. Đến hết tháng 10, toàn huyện có hơn 132.000 con gia cầm, tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nuôi tại hộ gia đình hơn 75.000 con, nuôi theo đàn chủ yếu là vịt chạy đồng khoảng 60.000 con. “Thời gian qua, trạm đã chỉ đạo thú y cơ sở tăng cường công tác theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh, nhất là việc di chuyển các đàn vịt chạy đồng trên địa bàn. Đồng thời, trạm phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tiêm phòng cúm cho đàn gia cầm nuôi tại hộ gia đình, với khoảng hơn 94% con gà, vịt được tiêm; cán bộ thú y cơ sở thực hiện giám sát việc tiêm vắc xin trên đàn vịt chạy đồng. Qua theo dõi, trên địa bàn huyện chưa phát hiện dịch bệnh trên đàn vật nuôi”, ông Trung nói.
Chủ động phòng, chống dịch cúm A H5N6
Vừa qua, trên địa bàn huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên xuất hiện các ổ dịch cúm A H5N6. Được biết, đây là tuýp cúm có độc lực mạnh làm tỷ lệ gia cầm chết cao, có thể lây lan sang người. Vạn Ninh là địa phương giáp ranh với tỉnh Phú Yên, việc di chuyển đàn gia cầm giữa 2 tỉnh trong thời gian cuối năm nhiều nên nguy cơ lây lan dịch bệnh sang đàn vật nuôi rất cao. Vì vậy, huyện Vạn Ninh đang triển khai công tác phòng, chống dịch cúm A H5N6, theo dõi sát tình hình dịch tại Phú Yên để thông tin kịp thời đến người chăn nuôi; tăng cường công tác giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm và kiểm dịch tại địa phương; giám sát chặt chẽ việc di chuyển đàn, nhất là các xã phía bắc của huyện giáp ranh với Phú Yên như: Vạn Thọ, Đại Lãnh…
Ông Lê Văn Nho - cán bộ thú y xã Đại Lãnh cho biết, do đàn gia cầm của xã ít nên thực phẩm có nguồn gốc từ gia cầm chủ yếu ở các địa phương khác chuyển đến, trong đó có tỉnh Phú Yên. Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã chỉ đạo lực lượng thú y cơ sở tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch. Tuy nhiên, việc kiểm soát di chuyển đàn từ Phú Yên vào Khánh Hòa còn khó khăn, cấp trên cần quan tâm lập trạm kiểm soát thú y để việc phòng, phống dịch cúm đạt hiệu quả.
Thanh Hải