Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có 9 dự án điện mặt trời được UBND tỉnh phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực. Hiện nay, các chủ đầu tư chạy đua tiến độ để kịp đóng điện trước tháng 6-2019 nhằm hưởng giá bán điện ưu đãi.
Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có 9 dự án điện mặt trời được UBND tỉnh phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực. Hiện nay, các chủ đầu tư chạy đua tiến độ để kịp đóng điện trước tháng 6-2019 nhằm hưởng giá bán điện ưu đãi.
Đồng loạt khởi công
Các dự án điện mặt trời vừa được phê duyệt có tổng diện tích hơn 795ha, tổng mức đầu tư 13.020 tỷ đồng. Dự án điện mặt trời được đầu tư trên địa bàn nhiều xã của TP. Cam Ranh, các huyện: Cam Lâm, Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, tập trung nhiều nhất ở huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh. Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa, Cam Ranh có độ bức xạ năng lượng mặt trời trung bình đo được là 5,34 kWh/m2/ngày; huyện Cam Lâm tuy độ bức xạ thấp hơn nhưng cũng ở mức cao so với các địa phương khác. Đây là điều kiện rất thuận lợi để triển khai thực hiện các dự án năng lượng mặt trời. Không những thế, ở khu vực này, khả năng đấu nối với hệ thống điện lưới quốc gia cũng rất thuận lợi.
Hiện nay, ngoài Dự án điện mặt trời Tuấn Ân do Công ty Cổ phần Điện mặt trời Tuấn Ân làm chủ đầu tư sắp hoàn thành, 8 dự án còn lại sẽ đồng loạt khởi công trong tháng 11, 12. Trong đó, Dự án điện mặt trời KN Vạn Ninh (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển điện mặt trời KN Vạn Ninh làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 2.489 tỷ đồng. Các dự án: Nhà máy điện mặt trời AMI, Nhà máy điện mặt trời KN Cam Lâm, Nhà máy điện mặt trời Cam Lâm VN, Nhà máy điện mặt trời Trung Sơn nằm trên địa bàn 2 xã Cam An Nam và Cam An Bắc (huyện Cam Lâm) sẽ khởi công trong tháng 11.
Dự án Nhà máy điện mặt trời Điện lực miền Trung tại thôn Thủy Ba và thôn Tân An, xã Cam An Bắc (diện tích 70ha, công suất 50MW) có mức đầu tư 1.373 tỷ đồng do Tổng Công ty Điện lực miền Trung làm chủ đầu tư sẽ khởi công vào tháng 12 và dự kiến đóng điện thương mại vào tháng 6-2019. Nguyên nhân khiến thời gian khởi công dự án chậm là do các thủ tục bị vướng ở nhiều khâu.
Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời Sông Giang do Công ty Cổ phần Điện mặt trời Sông Giang làm chủ đầu tư, xây dựng tại xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh cũng dự kiến khởi công vào tháng 12. Dự án này có diện tích sử dụng đất 70ha, công suất thiết kế 60MW với tổng vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Hiện nay, chủ đầu tư đã hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Công tác thiết kế và lập hồ sơ thỏa thuận phương án quy hoạch kiến trúc cũng được cơ quan chức năng phê duyệt. Dự kiến vào tháng 5-2019 sẽ đóng điện thương mại.
Khởi công trong tháng 12 còn có Dự án Nhà máy điện mặt Long Sơn (xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa) do Công ty Cổ phần Năng lượng Long Sơn làm chủ đầu tư. Dự án này có tổng mức đầu tư đến 3.400 tỷ đồng nằm trên diện tích 200ha, có công suất 170MW.
Chạy đua với thời gian
Dự kiến trong tháng 12, Dự án Nhà máy điện mặt trời Tuấn Ân sẽ chính thức đóng điện thương mại. Dự án này được triển khai tại xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh, có diện tích sử dụng đất hơn 10,6ha, công suất thiết kế 10MW với tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là xây dựng và vận hành nhà máy điện hòa vào lưới điện áp 22kV với sản lượng điện thương phẩm hàng năm khoảng 14,5 triệu kWh. Hiện nay đã hoàn thành 95% khối lượng công việc.
Những dự án còn lại, các chủ đầu tư đang lo lắng sẽ không kịp hoàn tất khối lượng công việc để đóng điện vào tháng 6-2019. Bởi chỉ đóng điện vào thời điểm này mới được hưởng mức bán điện ưu đãi của Bộ Công Thương. Đại diện Công ty TNHH Điện mặt trời KN Cam Lâm (chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời KN Cam Lâm) lo lắng: “Từ nay đến tháng 6-2019, thời gian còn rất ít. Các chủ đầu tư muốn đóng điện đúng tiến độ phải hết sức nỗ lực và huy động mọi nguồn lực tài chính. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần trợ lực chủ đầu tư hết mức mới mong dự án về đích đúng tiến độ”.
Theo bà Lê Thu Hải - Giám đốc Sở Công Thương, để tháo gỡ những khó khăn cho các chủ đầu tư, thời gian qua, sở đã tạo mọi điều kiện cho các dự án được triển khai nhanh nhất. Mới đây, sở cũng có báo cáo UBND tỉnh, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo về thực trạng các dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương sớm chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy nhanh xây dựng các trạm 220kV Cam Ranh và Vân Phong để đáp ứng truyền tải điện cho các dự án.
Đình Lâm