09:10, 24/10/2018

Vạn Ninh: Xây dựng bộ giống lúa đặc thù

Là huyện có các tiểu vùng thời tiết, khí hậu chênh lệch nhau; đồng thời một số nơi có tập quán canh tác 3 vụ lúa, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng giống nên Vạn Ninh đang hướng tới xây dựng bộ giống lúa đặc thù. 

Là huyện có các tiểu vùng thời tiết, khí hậu chênh lệch nhau; đồng thời một số nơi có tập quán canh tác 3 vụ lúa, làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng giống nên Vạn Ninh (Khánh Hòa) đang hướng tới xây dựng bộ giống lúa đặc thù. 


Tìm được 2 giống mới


Vụ hè thu 2018 là vụ đầu tiên Vạn Ninh triển khai tìm kiếm bộ giống mới đặc thù với tổng diện tích khoảng 50ha. Đề tài “Ứng dụng một số giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao tại huyện Vạn Ninh” nằm trong chương trình này. Phòng Kinh tế Vạn Ninh đã phối hợp với một số xã, hợp tác xã (HTX) xây dựng mô hình trình diễn 4 giống lúa mới là: AN 1, ANS 1, BĐR 27 và DT 45 có tiềm năng năng suất cao (điều kiện thâm canh có thể đạt hơn 8 tấn/ha), chất lượng cao (cơm ngon, dẻo, mềm), nhằm chọn tạo các giống lúa thích hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu ở địa phương, thay thế những giống cũ đã bị thoái hóa, tạo đầu ra ổn định và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất lúa trên địa bàn.

 

Sản xuất lúa giống tại xã Vạn Phú.

Sản xuất lúa giống tại xã Vạn Phú.


Theo bà Trần Thị Lệ Duyên - cán bộ phụ trách khuyến nông Phòng Kinh tế Vạn Ninh, kết quả nghiên cứu 4 giống và so sánh với giống đối chứng là ML 202 với các điều kiện đầu vào giống nhau cho thấy, các giống của đề tài sinh trưởng và phát triển tốt hơn giống đối chứng. Bên cạnh đó, các giống khảo nghiệm có số hạt chắc/bông nhiều hơn; năng suất thực thu cao hơn đối chứng từ 10 đến 13 tạ/ha, tương đương 15 - 20%. Hạch toán sơ bộ trên 1ha, tổng chi phí các giống trong mô hình cao hơn chi phí đầu tư ngoài mô hình là 220.000 đồng/ha (do chênh lệch giá giống). Tuy nhiên, các giống nghiên cứu có năng suất cao hơn nên doanh thu cao hơn từ 4,8 đến 6,3 triệu đồng/ha. Các giống có khả năng thích nghi với điều kiện sản xuất tại Vạn Ninh, sinh trưởng và phát triển tốt, ít nhiễm sâu bệnh. Các giống: ANS1, BĐR 27 và DT45 cứng cây, không bị đổ ngã, riêng giống AN1 đổ ngã vừa...

Phòng Kinh tế Vạn Ninh đề nghị nhân rộng và đưa vào cơ cấu giống sản xuất của các địa phương trong thời gian tới đối với các giống ANS1 và BĐR 27 nhằm đa dạng hóa bộ giống và thay thế dần các giống lúa cũ ML 202, ML 48 đã thoái hóa, yếu cây, dễ đổ ngã; đồng thời khuyến cáo các giống AN1 và DT 45 dài ngày hơn so với giống địa phương từ 7 đến 10 ngày, thích hợp cho vùng sản xuất 2 vụ lúa/năm.


Tiếp tục nghiên cứu, khảo nghiệm


Lãnh đạo Phòng Kinh tế Vạn Ninh cho biết, từ trước tới nay, huyện đã chọn tạo được một số giống có năng suất, chất lượng qua các bước khảo nghiệm, nhân giống lúa hàng năm. Tuy nhiên, do tính cạnh tranh thị trường, các giống này sau một thời gian không còn đáp ứng, giá thấp nên nông dân không mặn mà, chỉ có các giống như ML 48, ML 202 được nông dân duy trì hiệu quả. Song đến nay, các giống này cũng bị thoái hóa, sâu bệnh nhiều, không còn thích hợp cho sản xuất lâu dài.


Liên quan bộ giống lúa tỉnh đang xây dựng, lãnh đạo Phòng Kinh tế Vạn Ninh cho rằng, bộ giống lúa đặc thù của tỉnh phù hợp với các vùng sản xuất lúa trong tỉnh. Tuy nhiên, Vạn Ninh có nét đặc thù riêng, điều kiện thời tiết khí hậu các địa phương phía bắc như: Vạn Long, Vạn Phước, Vạn Khánh khắc nghiệt hơn, nắng, gió nhiều, các địa phương phía nam huyện thuận lợi hơn trong sản xuất lúa. Bên cạnh đó, một số vùng còn có tập quán sản xuất lúa 3 vụ (xã Vạn Phú) làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và dễ lây lan sâu bệnh. Việc lựa chọn bộ giống đặc thù cho huyện là yêu cầu thiết thực.


Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Trưởng phòng Kinh tế Vạn Ninh cho hay, thời gian qua, ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh trong sản xuất lúa giống, huyện còn có chính sách riêng như: hỗ trợ giá giống lúa nguyên chủng, nông dân chỉ bỏ tiền mua 6.000 đồng/kg, phần chênh lệch Nhà nước bù, ngoài ra còn hỗ trợ HTX, nông dân nhổ bỏ những cây lúa khác lúa đang nhân giống 300.000 đồng/ha. Bình quân mỗi năm 100 - 120ha. Hiện nay, huyện tập trung vào các mô hình khảo nghiệm giống lúa mới thích hợp với đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu các khu vực. Mỗi năm bình quân tìm kiếm 2 - 3 giống mới. Tuy nhiên, công tác này đòi hỏi thời gian kéo dài vài năm mới có kết quả chính xác và hình thành được bộ giống chủ lực. Riêng về khâu tiêu thụ giống, hiện nay, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ đang đặt hàng cho huyện, mỗi năm tiêu thụ vài trăm tấn. Toàn huyện hiện có một số xã, HTX đang thực hiện.


V.LẠC