10:10, 21/10/2018

Quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử ở Nha Trang: Còn khó khăn

Hiện nay, hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ qua các website, mạng xã hội như: Facebook, Zalo... ở TP. Nha Trang ngày càng phát triển. Song, để quản lý thu thuế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử còn không ít khó khăn.  

Hiện nay, hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ qua các website, mạng xã hội như: Facebook, Zalo... ở TP. Nha Trang ngày càng phát triển. Song, để quản lý thu thuế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử còn không ít khó khăn.   


Ông Nguyễn Văn Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Nha Trang cho biết, thời gian qua, Chi cục Thuế thành phố đã phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, thu thập thông tin các website có hoạt động thương mại điện tử; phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông. Cơ quan thuế còn gửi văn bản hướng dẫn chính sách thuế và các quy định về lĩnh vực này qua email của các doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị các đơn vị thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định. Đối với các cá nhân kinh doanh trên các trang mạng như: Facebook, Zalo... có địa chỉ rõ ràng, chi cục thuế rà soát, mời lên làm việc để hướng dẫn kê khai thuế.

Nhờ vậy, tính đến tháng 9-2018, có 115 doanh nghiệp phát sinh ký hợp đồng với nhà thầu nước ngoài, số thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài 14,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Chi cục Thuế TP. Nha Trang còn quản lý 28 hộ kinh doanh trên các trang mạng với tổng số thuế lập bộ 24 triệu đồng/tháng.


Tuy nhiên, trong quá trình quản lý thuế hoạt động thương mại điện tử, Chi cục Thuế TP. Nha Trang còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử chưa quy định cụ thể cách thức quản lý, chế tài xử lý một số hoạt động kinh doanh qua các mạng xã hội. Do đó, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng kinh doanh không lành mạnh, không thực hiện nghĩa vụ thuế. Mặt khác, do các trường hợp này thường không đăng ký kinh doanh, không có địa chỉ kinh doanh, cư trú rõ ràng nên cơ quan thuế không thể quản lý.

 

Tổng cục Thuế đề nghị cục thuế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị thực hiện các nội dung như: tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế, kê khai nộp thuế đến tất cả người nộp thuế có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; rà soát, đôn đốc người nộp thuế kê khai, nộp thuế theo quy định. Bên cạnh đó, chủ động tham mưu UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành có liên quan và các cơ quan Trung ương đóng tại địa phương phối hợp tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn…

Bên cạnh đó, giá bán, số lượng sản phẩm thường được bên mua và bên bán liên hệ online với nhau, phương thức thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt nên cơ quan thuế không thể xác định chính xác doanh thu cũng như thu nhập của tổ chức, cá nhân kinh doanh để quản lý thu thuế. Đối với các website đã thu thập được, cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp giải trình, cung cấp thông tin nhưng đơn vị không tự giác kê khai. Ngoài ra, một số cá nhân kê khai doanh thu dưới ngưỡng nộp thuế, cơ quan thuế không có đủ cơ sở để xác định số thuế phải nộp...


Theo ông Nguyễn Văn Thắng, trước mắt, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng biện pháp khuyến khích giao dịch thanh toán trực tuyến, hạn chế giao dịch bằng tiền mặt. Do đặc thù của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phạm vi rộng, người bán hàng thuộc tỉnh Khánh Hòa nhưng người mua hàng ở tỉnh khác hoặc ngược lại. Vì thế, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần có văn bản chỉ đạo thực hiện thống nhất. Sở Công Thương cần hỗ trợ cung cấp danh sách website, tài khoản của các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội chưa kê khai, nộp thuế. Đồng thời, cơ quan thông tin và truyền thông (quản lý các trang mạng trực tuyến thông qua máy chủ) cần hỗ trợ để có thể xác định doanh thu, chi phí của tổ chức, cá nhân kinh doanh.


Được biết, Cục Thuế tỉnh đã nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trên và tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với cơ quan thuế để có biện pháp tháo gỡ.


NGUYỄN KIM