Từ đầu năm đến nay, dịch hại trên cây trồng diễn biến tương đối phức tạp. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chuyên môn và người dân, các đợt dịch hại nhanh chóng được khống chế, khắc phục kịp thời, đảm bảo tiến độ sản xuất, năng suất theo kế hoạch.
Từ đầu năm đến nay, dịch hại trên cây trồng diễn biến tương đối phức tạp. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chuyên môn và người dân, các đợt dịch hại nhanh chóng được khống chế, khắc phục kịp thời, đảm bảo tiến độ sản xuất, năng suất theo kế hoạch.
Sản xuất ổn định
Số liệu thống kê cho thấy, hoạt động trồng trọt năm 2018 trên địa bàn tỉnh đã đi vào ổn định. Nhiều loại cây trồng đảm bảo về diện tích, năng suất. Trong đó, 2 vụ lúa có tổng diện tích gieo trồng gần 40.000ha. Vụ đông xuân đạt năng suất gần 63 tạ/ha, hè thu 57,6 tạ/ha. Điều này giúp cho cây lúa tiếp tục duy trì được sản lượng tương đương năm trước, mặc dù từ đầu năm đến nay hạn nặng, hàng trăm héc-ta đã buộc phải ngưng sản xuất do không có nước tưới.
Ở những cây trồng khác, toàn tỉnh đã thực hiện được gần 3.750ha sắn, đạt 90,36% kế hoạch. Diện tích trồng đậu phụng tăng mạnh, đạt 437ha, vượt hơn 35% so với kế hoạch. Đến tháng 10-2018, nông dân đã thu hoạch 270ha, sản lượng hơn 600 tấn. Toàn tỉnh cũng đã gieo trồng và thu hoạch hơn 5.200ha rau đậu, đưa sản lượng các loại rau đậu lên hơn 37.000 tấn.
Đối với cây ăn quả, gần 9.000ha xoài, trong đó có 6.800ha đang cho thu hoạch với năng suất bình quân 60,6 tạ/ha. Đây là năm được mùa, được giá đối với cây sầu riêng, 583ha/tổng số 821ha đã cho thu hoạch với sản lượng gần 3.500 tấn. Với cây bưởi, 340ha/915ha đang cho thu hoạch cũng mang về những con số khả quan với mức 44 tạ/ha, nâng tổng sản lượng bưởi năm nay lên gần 1.500 tấn.
Năm nay, chỉ có cây mía đường có chiều hướng giảm cả về diện tích lẫn mức độ quan tâm đầu tư của người dân. Một phần do giá thu mua mía giảm thấp, chỉ khoảng 800.000 đồng/tấn, giảm 100.000 đồng/tấn so với niên vụ trước; cây mía cũng chịu thiệt hại nặng sau cơn bão số 12 cuối năm 2017, người trồng mía thiệt đơn thiệt kép, phần lớn diện tích nông dân đều báo lỗ.
Tích cực phòng trừ dịch hại
Theo bà Trịnh Thị Thùy Linh - Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, năm 2018, tình hình sâu bệnh gây hại trên các loại cây trồng ở Khánh Hòa diễn ra với mức độ thấp, chưa gây thiệt hại lớn.
Ở cây lúa, các đối tượng như: sâu đục thân, bọ trĩ, đạo ôn lá có diện tích nhiễm giảm so với cùng kỳ năm 2017. Riêng sâu cuốn lá, rầy nâu, chuột, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, khô vằn tăng so với năm 2017. Vào đầu mỗi vụ lúa, chi cục đã thông báo hướng dẫn phòng trừ chuột và phát thuốc chuột sinh học cho các địa phương để phòng trừ chuột một cách hiệu quả. Hệ thống bẫy đèn được duy trì để dự báo các đợt rầy và các lứa bướm ra rộ một cách chính xác hơn.
Đối với cây mía, các trạm trồng trọt và BVTV đã tăng cường điều tra định kỳ để phát hiện sớm nhất dịch hại; khuyến cáo người dân sử dụng giống sạch bệnh, rõ nguồn gốc, trồng đúng thời vụ, cày bừa và xử lý đất kỹ trước khi trồng… Năm 2018, sâu bệnh hại cây mía chủ yếu có những đối tượng như: bệnh trắng lá mía, diện tích bị nhiễm 285ha, 325ha bị nhiễm sâu đục thân, 165ha mía bị sùng đục gốc.
Trên địa bàn xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm có hơn 60ha khoai sáp bị thối củ. Chi cục đã lấy mẫu và gửi cơ quan chuyên môn xác định nguyên nhân. Kết quả xác định tác nhân gây bệnh là nấm sclerotium rolfsii gây ra bệnh thối hạch. Chi cục đã hướng dẫn địa phương và nông dân cách phòng trừ. Đồng thời, khuyến cáo người dân luân canh với nhiều cây trồng khác, xử lý giống trước khi trồng, hệ thống thoát nước tốt... để hạn chế bệnh phát sinh, cây phát triển mạnh.
Đối với cây dừa, đề án bọ đuôi kìm được triển khai thực hiện từ năm 2017 đến năm 2020. Đến nay, chi cục đã mở nhiều lớp tập huấn nhân nuôi, xây dựng cơ sở nhân nuôi tại các hộ ở 6 huyện, thị xã, thành phố. Hàng năm đã phóng thích bọ đuôi kìm cho các vùng trồng dừa của các hộ và dừa dọc bờ biển, góp phần giảm thiệt hại do bọ cánh cứng gây ra. Đây là một biện pháp sinh học đem lại hiệu quả cao.
Ngoài ra, các cây trồng khác như: sầu riêng bị bệnh xì mủ 25ha, cây tiêu bị bệnh chết chậm 18ha và chết nhanh 20ha, cây xoài bị bọ trĩ gây hại 80ha và thán thư 75ha. Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn và người trồng đã tích cực phòng chống, khắc phục được dịch hại.
Tuy nhiên, do diện tích nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tập trung nên việc áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất còn gặp khó. Thị trường tiêu thụ nông sản không thuận lợi, giá thu mua thấp, giá vật tư tăng cao. Tình trạng lạm dụng thuốc BVTV và phân hóa học vẫn diễn ra; một số nông dân sử dụng thuốc BVTV không tuân thủ đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, sử dụng thuốc ngoài danh mục, sau khi phun thuốc chưa quản lý tốt bao bì mà vứt bừa bãi trên bờ mương, bờ ruộng gây ảnh hưởng đến môi trường. Hiện nay, trên thị trường có nhiều sản phẩm phân bón và thuốc BVTV, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý và nông dân lúng túng trong quá trình sử dụng. Đây cũng là những nhiệm vụ đang được chi cục, các trạm BVTV tập trung khắc phục, hạn chế trong thời gian tới.
Hồng Đăng