Nghị định 116 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 25-10-2018) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với nhiều điểm mới được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh đầu tư tín dụng vào lĩnh vực này.
Nghị định 116 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 25-10-2018) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với nhiều điểm mới được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh đầu tư tín dụng vào lĩnh vực này.
Nhiều điểm mới
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm phát huy hiệu quả dòng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 116 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với nhiều điểm mới.
Về đối tượng vay vốn được sửa đổi cho phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, đối với hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân thì các thành viên của những đối tượng trên được vay vốn hoặc ủy quyền cho người đại diện vay vốn.
Nghị định 116 quy định nâng mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo của cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng. Như vậy, mức vay tối đa được nâng lên gấp 2 lần so với mức cũ để phù hợp với nhu cầu vốn vay phục vụ sản xuất nông nghiệp thực tế hiện nay của khách hàng cá nhân, hộ gia đình.
Để khuyến khích nông nghiệp, công nghệ cao, Nghị định 116 quy định, các đối tượng khách hàng được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa 70% giá trị của dự án, phương án. Bên cạnh đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng về tài sản bảo đảm, đặc biệt là các tài sản có giá trị như: nhà kính, nhà lưới… Nghị định đã bổ sung quy định khách hàng được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp làm tài sản bảo đảm. Nghị định 116 bổ sung quy định về quản lý dòng tiền cho vay liên kết trong sản xuất nông nghiệp, góp phần hạn chế rủi ro tín dụng và tạo cơ sở pháp lý khuyến khích tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay; bổ sung quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục xử lý khoanh nợ và thẩm quyền thực hiện khoanh nợ đối với khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan bất khả kháng; tạo cơ sở để các đơn vị liên quan thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. Nghị định 116 cũng bổ sung quy định về ân hạn, đối với các loại cây trồng lâu năm, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận thời gian ân hạn gốc và lãi phù hợp với giai đoạn kiến thiết của cây trồng lâu năm…
Kỳ vọng tăng trưởng vốn vay
Theo ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Khánh Hòa, thời gian qua, ngành NH đã chú trọng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. NHNN Chi nhánh Khánh Hòa đã chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng chủ động tích cực tham gia cho vay thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; cân đối nguồn vốn để cho vay xây dựng nông thôn mới; cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra; cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch…
Đến cuối tháng 6, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 15.299 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,23% tổng dư nợ toàn tỉnh; tỷ lệ nợ xấu thấp (0,6%). Các chi nhánh tổ chức tín dụng đã thể hiện vai trò, trách nhiệm trong thực hiện chủ trương đầu tư cho tam nông, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong đó, cho vay chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 4.558 tỷ đồng, chiếm 29,93% dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Đến ngày 31-8, có 2 doanh nghiệp đang có dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Đó là Công ty Cổ phần Đường Việt Nam sản xuất đường theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch với dư nợ 32,6 tỷ đồng, lãi suất 6%/năm. Công ty TNHH Seven Farm có dư nợ vay 10,2 tỷ đồng để đầu tư dự án Trại chăn nuôi heo Seven Farm nuôi heo tập trung theo tiêu chuẩn VietGap.
Với những điểm mới của Nghị định 116, trong thời gian tới, nguồn vốn tín dụng đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục tăng trưởng.
NAM DU