Ngày 18-10, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì hội nghị sơ kết, đánh giá 1 năm triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo (thẻ vàng) của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (quy định IUU)...
Ngày 18-10, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì hội nghị sơ kết, đánh giá 1 năm triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo (thẻ vàng) của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (quy định IUU)...
Còn nhiều khó khăn
Đến nay, việc triển khai công tác này trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả bước đầu. Tỉnh đã tiến hành 40 đợt tuyên truyền cho hơn 3.000 ngư dân, lắp đặt các bảng tuyên truyền chống khai thác bất hợp pháp, gắn logo an toàn cá heo trên 600 tàu cá khai thác vùng biển xa. Để thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát và quản lý hoạt động tàu cá, tỉnh đã thành lập 4 văn phòng đại diện tại các cảng cá, qua đó đã kiểm tra hơn 2.630 lượt tàu rời, cập cảng; tiến hành xác nhận nguyên liệu thủy sản cho hơn 8.865 tấn, cấp 373 giấy chứng nhận thủy sản khai thác cho hơn 3.033 tấn hải sản (trong đó xác nhận cho 290 giấy chứng nhận để doanh nghiệp xuất khẩu đi thị trường EU)…
Về tình hình tàu cá vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài; nếu như năm 2016, toàn tỉnh có 6 trường hợp với 50 thuyền viên bị nước ngoài bắt giữ; năm 2017 có 8 trường hợp với 85 thuyền viên vi phạm; thì từ đầu năm đến nay đã giảm đáng kể, trong tháng 6 và tháng 9 chỉ có 2 trường hợp tàu cá Khánh Hòa, với 9 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ.
Theo ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 1.349 tàu cá khai thác ở vùng khơi, trong đó chỉ có 613 tàu cá lắp máy VX1700 (nhắn tin tàu cá về trạm bờ), còn nhiều tàu chưa được hỗ trợ máy nhắn tin, việc giám sát các tàu cá phụ thuộc vào việc gửi tin nhắn thủ công từ các tàu cá nên khó kiểm soát được hoạt động trên biển của các tàu. Một số chủ tàu vì lợi nhuận trước mắt cố tình vi phạm các quy định của Nhà nước về khai thác hải sản, vi phạm vùng biển nước ngoài; việc xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác của doanh nghiệp gặp khó khăn do ngư dân gặp khó trong việc ghi chép trên biển, khai báo tại cảng, bởi biểu mẫu nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, thông tin khai báo rất nhiều và phức tạp trong khi ngư dân chưa thực hiện đúng các bước khai báo.
Chia sẻ về những khó khăn thực tế của ngư dân hoạt động trên biển, đại diện Công ty TNHH Lê Trứ (TP. Nha Trang) và đại diện Tổ hợp tác nghề cá Vĩnh Phước (Nha Trang) cho rằng, hiện nay, có rất nhiều tàu cá trong tỉnh hoạt động trong vùng biển giáp ranh giữa nước ta với một số nước trong khu vực chưa được phân định, vì vậy, tàu cá đang hoạt động hoặc bị nạn trong các vùng biển giáp ranh này dễ bị lực lượng chức năng các nước bắt giữ dù không cố tình vi phạm. Thậm chí, lực lượng của nước ngoài còn cố tình bắt giữ tàu cá của ta đưa về vùng biển nước họ quay phim, chụp hình, xử lý.
Làm gì để gỡ “thẻ vàng” của EC?
Ông Võ Thiên Lăng - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh nhận định: “Khánh Hòa có ít tàu cá vi phạm quy định IUU nhưng trong 9 tháng năm 2018 vẫn có 2 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ thì rất khó để tháo gỡ “thẻ vàng” của EC. Muốn gỡ được “thẻ vàng”, ngư dân dứt khoát không được vi phạm vùng biển nước ngoài; phải tuân thủ khai thác đúng quy định, phải khai báo. Mấu chốt của vấn đề là ngoài nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, quan trọng nhất vẫn là ý thức của ngư dân”.
Cùng quan điểm này, lãnh đạo một số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đề nghị ngư dân cần phải tuân thủ quy định IUU. “Chúng tôi đề nghị cơ quan quản lý nhà nước thông tin kịp thời để doanh nghiệp không mua nguyên liệu từ các tàu cá vi phạm, để tránh trường hợp không thể xác nhận được nguồn gốc nguyên liệu; một khi không có giấy chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thì không thể xuất khẩu sang thị trường EU và các thị trường khác, thiệt hại đối với doanh nghiệp rất lớn”, ông Nguyễn Đình Hậu - Phó Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Bền Vững chia sẻ.
Để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đề nghị, đối với các phương tiện, ngư dân đã từng vi phạm vùng biển nước ngoài, tái phạm, cần áp dụng các hình thức xử phạt nặng như: tước giấy phép khai thác, thu hồi chứng chỉ chuyên môn của thuyền trưởng, máy trưởng, buộc chủ tàu cá phải trả chi phí để đưa thuyền viên bị bắt giữ về nước; không giải quyết chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các tàu cá vi phạm…
Trong khi đó, ngư dân kiến nghị, tỉnh cần quan tâm việc hỗ trợ lắp đặt thiết bị giám sát cho toàn bộ tàu cá khai thác xa bờ của tỉnh để giám sát chặt chẽ hoạt động của các tàu cá trên biển; tăng cường lực lượng chấp pháp của Việt Nam tại các vùng biển chồng lấn vừa để hỗ trợ ngư dân trong quá trình khai thác, vừa có cảnh báo cho ngư dân khi có nguy cơ xâm phạm vùng biển nước ngoài. “Ngư trường của Việt Nam ngày càng giảm sút về nguồn lợi, trong khi ngư trường một số nước lân cận còn phong phú, do đó trong quá trình khai thác vẫn có trường hợp ngư dân mải đuổi theo đàn cá nên vô tình vi phạm vùng biển nước ngoài. Để hạn chế tình trạng này, Nhà nước cần làm việc, ký kết hợp tác để đưa ngư dân ra nước ngoài khai thác”, ông Phạm Minh Hoàng - chủ tàu cá KH 99968 TS đề nghị.
Việc khắc phục “thẻ vàng” đối với hải sản xuất khẩu được tỉnh xác định không chỉ là nhiệm vụ trước mắt, mà còn là nhiệm vụ lâu dài để phát triển bền vững nghề cá trong xu thế hội nhập hiện nay. Đồng chí Đào Công Thiên yêu cầu phải thực hiện tốt 2 nhiệm vụ: quản lý tàu cá và thực thi pháp luật trong lĩnh vực thủy sản. Đồng chí giao nhiệm vụ cụ thể cho ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chậm nhất đến ngày 31-11 phải xây dựng xong phương án trang bị thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá để trình UBND tỉnh; liên tục tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho ngư dân, đặc biệt là các quy định IUU; tham mưu kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủy sản năm 2017 trên địa bàn tỉnh, trong đó có hình thức xử phạt nặng đối với các tàu cá vi phạm, tái phạm các quy định cấm; phải sâu sát với cộng đồng ngư dân, nắm bắt được nguồn gốc hải sản thuộc ngư trường nào…
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phải kiểm soát nghiêm ngặt tàu cá ra vào cảng; tăng cường trinh sát để phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác bất hợp pháp. Sở Ngoại vụ cần nắm bắt nhanh chóng thông tin tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ để thông báo đến các địa phương, ngành chức năng. Các địa phương ven biển, đặc biệt là TP. Nha Trang và TP. Cam Ranh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến ngư dân, địa phương nào có tàu cá vi phạm sẽ bị hạ điểm thi đua. Đồng chí cũng đề nghị cộng đồng ngư dân phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện các quy định IUU, khi hoạt động trên biển cần tránh các vùng biển chồng lấn, tuyệt đối không vì lợi nhuận trước mắt mà sang nước khác khai thác…
BÍCH LA
Ông Dương Nam Khánh - Phó Giám đốc phụ trách Sở Ngoại vụ: 1 tàu cá cùng 5 ngư dân Nha Trang bị phía Malaysia bắt giữ ngày 14-6 do đánh bắt trái phép trên vùng biển Malaysia. Ngày 27-9, 1 tàu cá cùng 4 ngư dân Nha Trang bị hải quân Brunei bắt giữ; nguyên nhân do trong quá trình đánh bắt, tàu hết nhiên liệu và thực phẩm nên thả trôi tự do để chờ tàu ứng cứu; tòa án Brunei đã đưa ra xét xử, tuyên ngư dân nước ta vi phạm Luật Thủy sản của nước bạn. Ngoài ra, hiện nay, vẫn còn 1 tàu cá cùng 4 ngư dân Nha Trang mất tích từ tháng 2-2018, đến nay chưa có thông tin gì.
______________________________________________
. Trước đó, Sở Ngoại vụ có văn bản cho biết, sở nhận được thông báo của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao về việc cơ quan chức năng của Đài Loan phát hiện từ tháng 1-2018 đến nay, tại khu vực quần đảo Đông Sa và khu vực tây nam Đài Loan thường xuyên xuất hiện tàu cá của ngư dân Việt Nam đến khai thác, trong đó có tàu của tỉnh Khánh Hòa mang số hiệu KH 98179-TS. Phía Đài Loan đã nhiều lần sử dụng biện pháp xua đuổi nhưng tàu cá Việt Nam vẫn tái phạm. Nếu để bị bắt giữ, phía Đài Loan sẽ xử phạt ở mức từ 700 triệu đồng đến 3,5 tỷ đồng.
NHẬT THANH