Hơn 30 năm gắn bó với công tác lâm sinh, phát triển rừng, ông Hồ Ngọc Bế (sinh năm 1968) - cán bộ phụ trách vườn ươm Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương luôn tận tụy với công việc. Ông đã có nhiều sáng kiến, giải pháp góp phần nâng cao chất lượng cây giống phục vụ công tác trồng rừng của đơn vị.
Hơn 30 năm gắn bó với công tác lâm sinh, phát triển rừng, ông Hồ Ngọc Bế (sinh năm 1968) - cán bộ phụ trách vườn ươm Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương luôn tận tụy với công việc. Ông đã có nhiều sáng kiến, giải pháp góp phần nâng cao chất lượng cây giống phục vụ công tác trồng rừng của đơn vị.
Ông Bế chia sẻ: “Năm 1987, sau khi tốt nghiệp sơ cấp lâm nghiệp, tôi từ xã Diên Hòa (huyện Diên Khánh) lên Khánh Vĩnh nhận nhiệm vụ ở Đội Lâm sinh của công ty. Sau 10 năm công tác, tôi được điều chuyển về phụ trách vườn ươm của đơn vị từ đó đến nay. Gắn bó với công tác lâm sinh, phát triển rừng đã hơn 30 năm, tôi và đồng nghiệp luôn nỗ lực, tìm tòi để cây giống, chất lượng rừng trồng của công ty ngày càng đạt chất lượng cao, góp một phần nhỏ vào việc giữ màu xanh cho rừng”. Thật vậy, dạo một vòng quanh vườn ươm, nhìn những luống cây giống xanh tươi mơn mởn dưới cái nắng oi ả của những ngày hè, mới hiểu để có được màu xanh ấy, một phần công sức thuộc về ông Bế và những cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương.
Hiện nay, trung bình mỗi năm Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Trầm Hương khai thác, trồng mới khoảng 300ha rừng sản xuất. Loại cây lâm nghiệp được đơn vị lựa chọn là keo lai giâm hom, bởi tỷ lệ cây sống cao, sinh trưởng nhanh, chu kỳ thu hoạch ngắn, chỉ 4 - 6 năm. Gần đây, bệnh hại trên cây keo lai giâm hom đã làm cho cây khô cành, gãy đổ, chết đứng khiến chất lượng rừng trồng bị ảnh hưởng. Qua tìm hiểu thực tế, ông Bế xác định cây keo lai giâm hom trong khu vực rừng trồng của công ty chủ yếu bị bệnh phấn trắng, bệnh nấm hồng. Ông Bế bỏ nhiều thời gian, công sức để tìm được nguyên nhân khiến cây keo chết là do bệnh nấm hồng; và đã tìm ra giải pháp là điều tiết ánh sáng kết hợp lâm sinh để tạo không gian thoáng, vừa tạo thuận lợi cho cây trong quang hợp vừa hạn chế sự phát triển của mầm bệnh. Từ việc áp dụng phương pháp này, số cây keo lai bị nhiễm bệnh nấm hồng, thiệt hại do loại bệnh này gây ra đã giảm hẳn.
Gắn bó với công tác lâm sinh, nhiều năm ươm giống cây lâm nghiệp, ông Bế xác định giống cây trồng sẽ ảnh hưởng trực tiếp, quyết định lớn đến chất lượng, năng suất rừng trồng. Để có được cây giống chất lượng cao, ông đã nghiên cứu so sánh, chọn lọc và tìm ra giống keo lai giâm hom có khả năng kháng sâu bệnh, phát triển tốt để đưa vào trồng rừng sản xuất của công ty. Theo ông Bế, có nhiều dòng keo lai giâm hom đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận để trồng rừng như: dòng BV 10, BV 16, BV 32, BV 33, TB 75…, tuy nhiên, cần phải xác định được dòng cây nào là phù hợp, có khả năng kháng sâu bệnh và phù hợp với khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng tại Khánh Vĩnh. Qua quá trình nghiên cứu, so sánh thực tế giữa các dòng keo lai bằng nhiều phương pháp khác nhau, ông và các đồng nghiệp đã xác định được 2 dòng keo lai BV 16, BV 32 có sự nổi trội về khả năng kháng bệnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khả năng sinh trưởng nhanh. Từ kết quả nghiên cứu này, công ty đã ươm giống, phát triển trồng rừng sản xuất bằng các dòng keo lai này.
Trong quá trình công tác tại vườn ươm của công ty, ông Bế còn có sáng kiến trong việc cải tiến bộ điều khiển tưới nước cho cây keo lai giâm hom tại vườn. Cụ thể, hệ thống điều khiển tưới tự động trước đây có nhiều hạn chế như: nhanh hỏng, khi mất điện phải cài lại chế độ tưới, thời gian khắc phục sự cố lâu… Từ thực tế này, ông Bế đã cải tiến bộ điều khiển tưới phun sương bằng cách sử dụng phao điện thông thường, dùng van xả để điều tiết nước kích phao điện bật nguồn mô tơ hoạt động; lượng phun sương cho cây giống đều và ổn định hơn trước.
Ông Nguyễn Văn Lực - Chủ tịch Công đoàn, Trưởng phòng Kỹ thuật và Bảo vệ rừng Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương nhận xét: “Ông Hồ Ngọc Bế là một cán bộ tận tụy, có nhiều nghiên cứu, tìm tòi để đưa ra các giải pháp tốt nhất, hạn chế sâu bệnh trên cây giống cũng như rừng sản xuất của đơn vị. Các giải pháp của ông đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả trồng rừng sản xuất của công ty. Ông là một trong những gương mặt tiêu biểu của đơn vị; những nỗ lực của ông trong phong trào thi đua lao động sáng tạo tại công ty đã được các cấp ghi nhận, khen thưởng”.
BÍCH LA