10:07, 08/07/2018

Sản xuất gắn với bảo vệ môi trường

Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, những năm gần đây, hoạt động sản xuất, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường đã được nông dân trong tỉnh quan tâm hơn và trở thành một phong trào rộng khắp, xuất hiện nhiều điểm sáng.

Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, những năm gần đây, hoạt động sản xuất, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường (BVMT) đã được nông dân trong tỉnh quan tâm hơn và trở thành một phong trào rộng khắp, xuất hiện nhiều điểm sáng.


Nhiều điểm sáng


Ở TP. Cam Ranh, hoạt động nuôi tôm phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là vật nuôi đặc biệt nhạy cảm với yếu tố môi trường, nên điều kiện tiên quyết là người nuôi phải chú trọng đến việc BVMT làm nền tảng cho thành công.

 

 Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại một cơ sở chăn nuôi heo ở Cam Lâm.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại một cơ sở chăn nuôi heo ở Cam Lâm.


Cách đây 5 năm, ông Nguyễn Duy Trí ở thôn Nước Ngọt, xã Cam Lập, một hộ chuyên nuôi tôm thẻ chân trắng cùng với các hộ nuôi tôm trong thôn được tiếp cận với quy trình nuôi tôm theo công nghệ BioFloc. Quy trình này giúp giảm thiểu lượng nước thải ra môi trường, không những góp phần BVMT mà còn hạn chế tối đa các loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh cho tôm nuôi. Nhờ đó, với 1.000m2 ao nuôi, mỗi vụ ông Trí thả 150.000 con giống tôm thẻ chân trắng, mang về thu nhập cho gia đình ông 400 - 500 triệu đồng/vụ. “4 năm qua, tôi áp dụng quy trình này, không sử dụng kháng sinh. Sản lượng nuôi được giữ vững, năng suất cao hơn và mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn”, ông Trí cho biết.


Tương tự ở xã Cam Bình, gia đình ông Nguyễn Ngọc Huy ở thôn Bình Ba Tây ăn nên làm ra nhờ áp dụng phương pháp giảm mật độ nuôi gắn với BVMT. Hiện nay, gia đình ông sở hữu 100 lồng, thả nuôi khoảng 7.000 con tôm hùm, mỗi vụ thu lời hàng tỷ đồng và trở thành hộ nuôi tôm lớn nhất, nhì khu vực Cam Bình. Kinh nghiệm mà hộ nuôi tôm này đúc rút đó là mật độ nuôi phải thưa, thức ăn cho tôm phải tươi sống, bố trí lồng nuôi đan xen dạng lồng sâu lồng cạn. Đặc biệt là công tác xử lý thức ăn thừa, rác thải và vệ sinh lồng nuôi phải thường xuyên để nước được lưu thông, sạch sẽ.

 

Nhiều nông dân trồng xoài ở huyện Cam Lâm đã áp dụng tưới tiết kiệm,  hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng xoài.

Nhiều nông dân trồng xoài ở huyện Cam Lâm đã áp dụng tưới tiết kiệm, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng xoài.


Huyện Cam Lâm, thủ phủ của nghề chăn nuôi heo, gà. Với tổng đàn hiện khoảng 100.000 con heo và hàng triệu con gà, nơi đây đang chứng tỏ phương pháp chăn nuôi khép kín, trại lạnh có sự đầu tư mạnh mẽ về chuồng trại, quy trình nuôi của người nông dân phát huy tối đa hiệu quả. So với nuôi gà, chăn nuôi heo có phần nhạy cảm hơn với môi trường. Tuy nhiên những năm qua, khi các trại lạnh được đầu tư mạnh tay với quy trình nghiêm ngặt theo chuỗi, rồi các hình thức như: nuôi heo trên đệm lót sinh học, xử lý chất thải bằng hầm Biogas… đã cải thiện tình hình chăn nuôi một cách rõ rệt. Không chỉ chăn nuôi, hoạt động trồng xoài gắn với BVMT nơi đây cũng đạt được nhiều kết quả khích lệ. Chẳng hạn như mô hình trồng xoài cát Hòa Lộc của hộ ông Nguyễn Văn Xuân ở xã Cam Thành Bắc, có sự trợ lực từ Nhà nước hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, phun sương và phun thuốc tự động 100% dùng thuốc sinh học. Nhờ áp dụng triệt để các quy định về BVMT mà 300 cây xoài cát Hòa Lộc trên diện tích 1ha của gia đình ông luôn khỏe mạnh, cho trái nhiều, mỗi năm giúp gia đình ông thu nhập từ 300 - 350 triệu đồng.


Ở Nha Trang, năm 2016, 10 hộ nuôi cá bớp lồng bè của phường Vĩnh Thọ có địa điểm đặt nuôi tại vùng mặt nước Vũng Ngán, phường Vĩnh Nguyên đã kết hợp với nhau thành tổ hợp tác. Công việc thường xuyên của các thành viên trong tổ là thu gom rác thải đưa về bờ, vệ sinh ô lồng và vớt rác xung quanh khu vực nuôi cũng như tuân thủ tốt các yêu cầu đảm bảo môi trường vùng nuôi. Nhờ đó, cá lớn nhanh, tỷ lệ hao hụt giảm, 60 lồng bè trên diện tích 10.000m2 mặt nước mỗi năm mang về hàng trăm triệu đồng tiền lãi cho mỗi thành viên tổ hợp tác này.


Tiếp tục nhân rộng


Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, gắn với quá trình chăm lo phát triển kinh tế, công tác BVMT những năm gần đây đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tại hầu hết các khu vực sản xuất lúa, hoa màu đều đã hình thành khu vực tập kết bao bì thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo an toàn. Ở những diện tích cây lâu năm, đặc biệt là cây ăn quả, cây sầu riêng ở Khánh Sơn, xoài ở Cam Lâm, bưởi Khánh Vĩnh… đều đã hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất theo quy trình VietGAP với diện tích ngày càng tăng. Đối với cây rau màu, rau VietGAP ở Ninh Hòa, Nha Trang, Diên Khánh đã bắt đầu tìm được chỗ đứng và trở thành xu hướng trồng trọt được nhiều nông dân theo đuổi.


Còn theo Chi cục Thú y tỉnh, hoạt động chăn nuôi heo, gà khép kín quy mô gia trại, trang trại, đảm bảo các tiêu chuẩn về BVMT trong 5 năm gần đây đã dần thay thế hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ. Các trại heo, trại gà được đầu tư bài bản đang chiếm khoảng 80% tổng đàn. Riêng đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản, sau nhiều lần bị dịch bệnh, dịch hại gây thiệt hại lớn, hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản đã mạnh tay đầu tư vào hệ thống ao đìa, cải tiến phương pháp nuôi, thường xuyên theo dõi và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc kiểm soát chất lượng nước, thức ăn… nên hiệu quả mang về cao hơn, môi trường được đảm bảo hơn.


Được biết, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các mô hình nông dân BVMT dưới nhiều hình thức. Trong đó, chú trọng việc nhân rộng mô hình tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản BVMT; mô hình biến rác thải thành phân bón hữu cơ; các mô hình nuôi heo, gà áp dụng quy trình hiện đại, đảm bảo môi trường…


Hồng Đăng


 



Ông Nguyễn Trọng Trung - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đánh giá: Cùng với quá trình tuyên truyền, vận động, những năm qua, hoạt động triển khai các mô hình sản xuất gắn với BVMT đã được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực. Bên cạnh đó, các phương án sản xuất kinh doanh của hội viên, nông dân khi tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân đều bắt buộc phải đảm bảo yếu tố về môi trường. Đây là một trong các tiêu chí để đánh giá, khen thưởng hội viên, nông dân cũng liên quan đến việc BVMT… Nhờ đó, ý thức BVMT của hội viên, nông dân được nâng lên.