Vụ đông xuân năm nay, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) gieo trồng được khoảng 8.900ha lúa. Hiện nay, cây lúa đang phát triển khá tốt. Tuy nhiên, một số diện tích đã bị sâu bệnh có thể làm giảm sản lượng lúa nên nông dân đang chủ động phòng bệnh.
Vụ đông xuân năm nay, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) gieo trồng được khoảng 8.900ha lúa. Hiện nay, cây lúa đang phát triển khá tốt. Tuy nhiên, một số diện tích đã bị sâu bệnh có thể làm giảm sản lượng lúa nên nông dân đang chủ động phòng bệnh.
Cây lúa phát triển khá tốt
Bà Nguyễn Thị Thanh (xã Ninh Lộc) cho biết: “Vụ đông xuân này, gia đình tôi gieo trồng được 700m2. Năm nay, nước tưới các hồ đập đảm bảo nên tại các chân ruộng đều có nước. Hiện nay, cây lúa phát triển khá tốt, đang trong giai đoạn trổ bông. Tuy nhiên, đã có một số ít diện tích bị rầy nâu, sâu cuốn lá. Do đó, gia đình tôi thường xuyên theo dõi để kịp thời phun thuốc phòng bệnh”.
Ông Nguyễn Văn Mừng (xã Ninh Bình) cho biết, gần 1ha lúa của gia đình ông đang trong giai đoạn làm đòng, trong đó có một số diện tích bị sâu đục thân và chuột cắn. Để hạn chế tác hại của sâu bệnh, ông chủ động theo dõi tình hình sâu bệnh và nhờ cán bộ khuyến nông, cán bộ bảo vệ thực vật tư vấn, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ phù hợp.
Ông Đỗ Duy Phê - chuyên viên Phòng Kinh tế thị xã cho biết, vụ đông xuân năm nay, người dân thị xã gieo trồng được khoảng 8.900ha lúa. Giống lúa chủ yếu là: ML48, ML202, ML214, OM4900, ĐV108, Đài thơm 8… Đây là những loại giống cho năng suất khá cao. So với mọi năm, vụ đông xuân năm nay khá thuận lợi, các hồ chứa đảm bảo đủ nước tưới. Vào đầu vụ, bệnh đạo ôn xuất hiện sớm, khoảng 30% diện tích lúa bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, người dân đã kịp thời phun thuốc phòng bệnh nên lúa phát triển tốt, khả năng sẽ cho năng suất cao.
Chủ động phòng trừ sâu bệnh
Theo báo cáo của Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật Ninh Hòa, đến trung tuần tháng 3, có 132ha lúa bị nhiễm rầy nâu; 67ha bị sâu cuốn lá nhỏ. Ngoài ra, có 177ha trà lúa đang đẻ nhánh - trổ bông bị sâu đục thân, bệnh đạo ôn lá, cổ lá...; tập trung ở các địa phương như: Ninh Bình, Ninh Quang, Ninh Giang, Ninh Phụng, Ninh Thân, Ninh Thọ, Ninh An, Ninh Phú, Ninh Trung, Ninh Đông… Bên cạnh các chân ruộng bị sâu bệnh, hiện nay có 330ha diện tích lúa bị chuột cắn phá, tỷ lệ hại phổ biến 1 - 5%.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật cho biết, qua kiểm tra đồng ruộng, tình hình sâu bệnh gây hại cho cây lúa từ sau Tết Nguyên đán đến nay có chiều hướng giảm so với năm trước. Các loại sâu bệnh xuất hiện trong thời gian ngắn với tỷ lệ bệnh và mật độ thấp nên không gây ảnh hưởng nhiều đến quá trình phát triển của cây trồng. Tuy nhiên, từ nay đến cuối vụ, bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá, rầy nâu... sẽ tiếp tục tích lũy, có nguy cơ gia tăng cao, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, trạm khuyến cáo người dân cần bón phân cân đối, duy trì đủ nước để cây lúa sinh trưởng khỏe, tăng sức chống chịu. Đối với những chân ruộng ở giai đoạn đòng trổ - ngậm sữa, rầy nâu tích lũy mật độ nhẹ đến trung bình, người dân cần phát hiện sớm rầy tuổi nhỏ và có thể sử dụng một trong các loại thuốc như: Tinero 36.1 EC, Vibamec 5.55EC, Wellof 330EC, Actara 25WG… Đối với những chân ruộng bị sâu đục thân, người dân có thể sử dụng một trong các loại thuốc như: Virtako 40WG, Angun 5WG, Marshal 200SC…
“Tình hình thời tiết nắng nóng và có mưa xen kẽ như mấy hôm nay rất thuận lợi cho nấm bệnh phát triển, người dân cần phát cỏ ven bờ, khi bệnh chớm xuất hiện có thể sử dụng thuốc để phun. Đồng thời, chú ý chuột gây hại. Người dân có thể sử dụng một trong các loại thuốc để làm mồi diệt chuột như: Cat 0.25, rat 2%, biorat, stom...”, ông Tuấn nói.
KHÁNH HÀ