09:03, 29/03/2018

Chương trình kinh tế - xã hội miền núi: Ưu tiên cho phát triển sản xuất

Năm nay, nguồn vốn đầu tư cho Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo kế hoạch được tăng lên. Nguồn vốn này được tỉnh tập trung vào việc hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.
 

 

Năm nay, nguồn vốn đầu tư cho Chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi theo kế hoạch được tăng lên. Nguồn vốn này được tỉnh tập trung vào việc hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.
 
Kết quả khích lệ
 
Theo Ban Dân tộc tỉnh, năm 2017, gần 400 hộ ĐBDTTS được hỗ trợ triển khai mô hình phát triển kinh tế hộ với kinh phí gần 4,5 tỷ đồng. Nhờ có hàng chục lớp khuyến nông, lâm nên người dân được hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, 40 hộ đã được tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình phát triển sản xuất của ĐBDTTS các tỉnh phía nam. Ngoài ra, 60 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ gần 400 triệu đồng để thực hiện mô hình trồng sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh tại xã Sơn Trung và Sơn Hiệp (huyện Khánh Sơn) từ nguồn kinh phí đặc thù.

 

Nhiều hộ dân tộc Tày ở xã Khánh Trung, Khánh Vĩnh thoát nghèo nhờ phát triển kinh tế vườn.
Nhiều hộ dân tộc Tày ở xã Khánh Trung, Khánh Vĩnh thoát nghèo nhờ phát triển kinh tế vườn.
 
Về công tác an sinh xã hội, mà chủ yếu là nước sạch và đào tạo nghề, trong năm 2017, Nhà nước đầu tư hơn 3,2 tỷ đồng để khoan 14 giếng nước, đào 33 giếng, xây 6 bể chứa lắng lọc nước cho các hộ DTTS. Theo đó, có 565 hộ được hỗ trợ lắp đặt đường ống dẫn nước vào hộ gia đình; 724 người DTTS được hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp.
 
Cùng với đó, tỉnh đặc biệt chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng khi chi gần 33 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp 18 công trình trong hệ thống giao thông, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại cũng như vận chuyển nông sản.
 
Nằm trong chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi, Chương trình 135 năm 2017 dành cho 5 xã, 8 thôn đặc biệt khó khăn trên toàn tỉnh đã đầu tư đáng kể vào việc hỗ trợ sản xuất, nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng, duy tu bảo dưỡng công trình và đầu tư hạ tầng cho khu vực còn nhiều khó khăn này. Ngoài việc hỗ trợ gần 2 tỷ đồng cho 179 hộ phát triển sản xuất, tỉnh cấp trên 6,5 tỷ đồng đầu tư xây dựng và duy tu bảo dưỡng các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà cộng đồng…
 
Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo trong ĐBDTTS năm 2017 là 53,72% (giảm 4,24% so với 1 năm trước đó). Để tiếp tục giảm được con số này cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa từ các cấp chính quyền.
 
Tập trung hỗ trợ sản xuất
 
Năm 2018, tổng vốn thực hiện chương trình KT-XH miền núi khoảng 74 tỷ đồng, tăng hơn 23,2 tỷ đồng so với năm trước. Trong đó, gần 45 tỷ đồng thực hiện Chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi, số còn lại thực hiện Chương trình 135. Nhìn vào cơ cấu vốn, hơn 55 tỷ đồng được dùng vào việc đầu tư xây dựng hạ tầng, khoảng 11 tỷ đồng đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, số còn lại đầu tư vào các nội dung tuyên truyền, an sinh xã hội. 

 

Chị Cao Thị Hệ ở xã Khánh Thành, Khánh Vĩnh thu hoạch bưởi da xanh.
Chị Cao Thị Hệ ở xã Khánh Thành, Khánh Vĩnh thu hoạch bưởi da xanh.
 
Theo ông Đặng Văn Tuấn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, kể từ năm 2018, Khánh Hòa sẽ có 16 xã và 20 thôn đặc biệt khó khăn, thuộc diện đầu tư của Chương trình 135. Tỉnh phải tự chủ về nguồn vốn thực hiện chương trình. Trong điều kiện khó khăn về ngân sách như hiện nay, tỉnh đang tập trung nguồn lực vào các hoạt động hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Số vốn khoảng 11 tỷ đồng để thực hiện nội dung này cũng đã cơ bản được phân bổ. Cùng với đó, tỉnh cơ bản thống nhất chi 3,2 tỷ đồng hỗ trợ lắp đặt đường ống dẫn nước vào hộ gia đình và đào giếng nhằm giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho người dân ĐBDTTS, miền núi. Đây đều là những nội dung quan trọng, cần ít vốn hơn so với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nên sẽ được ưu tiên thực hiện trước. “Ngoài số thôn, xã đặc biệt khó khăn tăng lên, cơn bão số 12 đã gây thiệt hại lớn, khiến cho đời sống của người dân ở khu vực này đã khó khăn càng khó khăn hơn. Để giúp người dân giảm bớt khó khăn, đòi hỏi các ngành chức năng nỗ lực hơn để thực hiện tốt chương trình”, ông Đặng Văn Tuấn nhấn mạnh.
 
Trong cuộc họp giữa UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan về việc thực hiện Chương trình phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và miền núi mới đây, đồng chí Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh đã yêu cầu Ban Dân tộc, các sở, ngành liên quan cần khảo sát, kiểm tra thực tế để rút ra kết quả hiệu quả của chương trình thời gian qua. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ điều chỉnh cách thức, nội dung hỗ trợ một cách thiết thực, phù hợp, mang lại hiệu quả tốt nhất. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, đào tạo nghề; quan tâm nhiều hơn nữa đến việc tạo công ăn việc làm cho những người đã được đào tạo, giúp họ có thu nhập tốt hơn từ ngành nghề đã học.
 
H.Đăng