11:12, 20/12/2017

Mùa kiệu Tết: Cung thấp, cầu cao

Những ngày này, về các vùng trồng kiệu tại huyện Cam Lâm hay TP. Cam Ranh, không còn thấy những ruộng kiệu bạt ngàn như những năm trước. Ông Lê Văn Bông - Khuyến nông viên xã Cam Thành Bắc (Cam Lâm) cho hay, nông dân không mặn mà với việc trồng cây kiệu.

Những ngày này, về các vùng trồng kiệu tại huyện Cam Lâm hay TP. Cam Ranh, không còn thấy những ruộng kiệu bạt ngàn như những năm trước. Ông Lê Văn Bông - Khuyến nông viên xã Cam Thành Bắc (Cam Lâm) cho hay, nông dân không mặn mà với việc trồng cây kiệu. Trên địa bàn xã diện tích kiệu giảm mạnh, hiện nay chỉ còn vài sào so với khoảng trên dưới 20ha những năm trước. Tại vùng Đồng Bà Thìn, diện tích kiệu lâu nay khoảng 15ha nhưng năm nay chỉ còn vài sào.

 

Sản xuất kiệu tại Cam Thành Nam, Cam Ranh.

Sản xuất kiệu tại Cam Thành Nam, Cam Ranh.


Tại thị trấn Cam Đức (Cam Lâm), diện tích trồng kiệu cũng không như những năm trước đây. “5 - 6 năm trước, diện tích kiệu lên tới 25ha. Năm nay chỉ đạt khoảng 12ha”, ông Nguyễn Văn Thư - cán bộ nông nghiệp thị trấn Cam Đức xác nhận.


Tại xã Cam Thành Nam (Cam Ranh) - trọng điểm kiệu của tỉnh - bây giờ tìm “đỏ mắt” mới thấy được mảnh ruộng trồng kiệu. Ông Ngô Văn Nhẹ - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Có nhiều lý do khiến diện tích giảm mạnh: đất trồng nhiễm sâu bệnh phải luân chuyển cây khác, giá giống cao (35.000 - 38.000 đồng/kg), công lao động tăng (hiện nay 200.000 đồng/công), giá cả bấp bênh… Vì thế, tổng diện tích kiệu toàn xã chỉ còn dưới 10ha, trong khi những năm trước lên đến 50 - 60ha.


Lãnh đạo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cam Lâm cho rằng, ngoài những nguyên nhân trên thì tâm lý nông dân ngại mưa lũ nên cũng không phát triển thêm diện tích. Năm nay, diện tích kiệu toàn huyện giảm 15ha so với năm 2016, chỉ còn 148ha.


Tuy vậy, tình hình cây kiệu lại rất khả quan cho nông dân. Ông Trần Văn Ân - chủ cơ sở chế biến Ngọc Thưởng (thôn Quảng Phúc, Cam Thành Nam) cho biết, từ tháng 6 âm lịch (thời điểm xuống giống) tới nay, kiệu phát triển tốt; năng suất cao hơn năm trước, có thể đạt 1,2 tấn/sào; sâu bệnh cũng giảm nên chi phí phun xịt thuốc bảo vệ giảm nhiều. Hơn tháng trước, cơn bão số 12 khủng khiếp là vậy nhưng lại không ảnh hưởng đến các ruộng kiệu.


Còn một tháng nữa mới tới vụ thu hoạch nhưng ngay từ bây giờ, nhiều nông dân trồng kiệu đã thu tiền bán kiệu sớm. Ông Trần Văn Ân cho hay, theo dự báo, giá kiệu Tết thu mua sẽ cao hơn từ 5 đến 7 triệu đồng/sào. Hiện nay, các thương lái đã tìm đến các ruộng kiệu ngã giá và đưa tiền trước; căn cứ vào dự đoán năng suất mà chốt giá mức 27 - 35 triệu đồng/sào, thậm chí còn cao hơn.


Ông Ngô Văn Nhẹ cho biết, đầu mùa, người dân không đầu tư trồng kiệu nhiều nên diện tích sụt giảm. Giảm cung ắt tăng cầu. Chuyện các thương lái thu mua kiệu sớm khẩn trương như hiện nay là điều bình thường vì nếu không nhanh thì đến mùa, có tiền chưa chắc đã mua được. Năm nay, nhờ mã kiệu đẹp thương lái trả giá rất cao. Kiệu đang thời kỳ tích lũy tinh bột, củ to, chắc, dự báo được mùa, năng suất, sản lượng có thể tăng 20 - 25% so với mọi năm.


Còn ông Nguyễn Văn Thao - người trồng kiệu nhiều kinh nghiệm tại thôn Quảng Phúc, Cam Thành Nam cho hay, kiệu Tết năm nay năng suất dự báo có thể đạt 1,5 tấn/sào, cao nhất từ trước tới nay. Hiện nay, các thương lái đã đặt mua kiệu non với giá 34 triệu đồng/sào, cao nhất từ trước tới nay so với giá kiệu sớm 25 - 27 triệu đồng/sào cùng kỳ năm ngoái.


V.Lạc