10:12, 17/12/2017

Giá vật liệu làm lồng, bè nuôi thủy sản tăng mạnh

Hiện nay, người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Vạn Ninh đang tất bật làm lại lồng, bè để nuôi tôm, cá. Với nhu cầu lớn đó, giá vật liệu làm lồng, bè không chỉ tăng mà còn khan hiếm.

Hiện nay, người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đang tất bật làm lại lồng, bè để nuôi tôm, cá. Với nhu cầu lớn đó, giá vật liệu làm lồng, bè không chỉ tăng mà còn khan hiếm.


Gần nửa tháng qua, ông Nguyễn Văn Thiều (thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh) chạy đôn chạy đáo khắp nơi mua gỗ, phuy nhựa, lưới để làm lại lồng, bè nuôi tôm hùm nhưng vẫn không đủ. Ông Thiều cho biết: “Đợt bão vừa qua, 80 ô lồng nuôi tôm của gia đình tôi bị sóng biển đánh tan, không vớt vát được gì. Hiện nay, do nhu cầu làm lại lồng, bè của người dân tăng cao khiến các vật liệu như: gỗ, lưới, cước, phuy nhựa… khan hiếm, giá thành tăng gấp đôi. Để làm lại 60 lồng, bè có diện tích hơn 240m2, gia đình tôi phải bỏ ra hơn 1 tỷ đồng, chưa kể công thợ. Trong khi trước đây, chỉ mất khoảng 600 triệu đồng vốn đầu tư. Bên cạnh đó, hàng đã đặt gần 1 tháng nay nhưng đến giờ họ vẫn chưa cung cấp đủ”.

 

Giá gỗ tăng cao nên nhiều hộ mua tre làm lồng, bè nhằm giảm bớt chi phí

Giá gỗ tăng cao nên nhiều hộ mua tre làm lồng, bè nhằm giảm bớt chi phí


Do giá gỗ làm lồng, bè tăng cao nên ông Huỳnh Văn Thức (thị trấn Vạn Giã) phải ra tận tỉnh Phú Yên để mua tre về làm lồng, bè nuôi tu hài, sò huyết, sò mồng nhằm giảm chi phí. Ông Thức cho hay: “Tre tôi mua với giá 50.000 đồng/cây, tăng 20.000 đồng so với trước đây. Tiền công chặt tre, vận chuyển do gia đình tự thuê. Hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi biển, bây giờ mà không làm thì biết lấy gì để sống. Tuy giá vật liệu tăng cao, nhưng chúng tôi phải chấp nhận mua để tiếp tục tái đầu tư”. 

 
Bà Lê Thị Thanh Hồng (thị trấn Vạn Giã), người chuyên cung cấp vật liệu làm lồng, bè cho biết, hơn 1 tháng nay, kho hàng của gia đình bà lúc nào cũng trống rỗng, bởi hàng nhập về đến đâu khách mua hết đến đó. Chính vì nhu cầu sử dụng vật liệu, nhất là gỗ và lưới làm lồng tôm, cá tăng mạnh nên giá thành cũng tăng theo. 

   
Không chỉ vật liệu làm lồng, bè tăng giá mà hiện nay, giá công thợ đóng bè cũng tăng gần gấp đôi so với trước nhưng cũng không dễ để tìm thợ. Ông Nguyễn Thanh Phong (thị trấn Vạn Giã) cho biết: “Sau gần nửa tháng liên hệ, đến nay, gia đình tôi mới thuê được 3 thợ mộc về đóng lồng, bè nuôi tôm. Giá công thợ hiện nay tăng từ 300.000 đồng lên 700.000 đồng/người/ngày và phải bao ăn 3 bữa. Với 70 ô lồng có diện tích hơn 300m2, phải mất hơn 2 tuần gia đình tôi mới đóng xong bộ khung lồng, bè. Tiếp đó, phải mất 2 tuần làm khung lưới lồng trên biển thì mới thả nuôi tôm trở lại được”.


Theo lãnh đạo UBND huyện Vạn Ninh, toàn huyện có 16.530 lồng, bè nuôi tôm, cá của người dân bị thiệt hại do bão, chưa kể hàng trăm lồng, bè nuôi thủy sản của một số doanh nghiệp. Huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn vận động các cửa hàng không tăng giá nhằm hỗ trợ người dân, đồng thời tiến hành kiểm tra để ổn định thị trường. Tuy nhiên, vì lợi nhuận nên nhiều cửa hàng vẫn bán giá cao. Còn công thợ là sự thỏa thuận giữa chủ lồng, bè và người thợ nên chính quyền không thể can thiệp.


Điều đáng nói, do nhu cầu gỗ làm lại lồng bè tăng mạnh nên đã gia tăng tình trạng người dân vào rừng khai thác gỗ trái phép. Tuy lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường chốt chặn, đẩy đuổi các đối tượng khai thác gỗ trái phép nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết triệt để tình trạng này. Hiện nay, huyện Vạn Ninh phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động tỉnh tăng cường lực lượng cùng với Hạt Kiểm lâm Vạn Ninh, chủ rừng và chính quyền các xã tổ chức chốt chặn, tuần tra truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác rừng trái phép…


PHÚ VINH