Trung tâm Khuyến nông vừa nghiệm thu mô hình nuôi vịt biển với nhiều kết quả khả quan, mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi vịt biển tại khu vực ven biển.
Trung tâm Khuyến nông vừa nghiệm thu mô hình nuôi vịt biển với nhiều kết quả khả quan, mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi vịt biển tại khu vực ven biển.
Tháng 8-2017, Trung tâm Khuyến nông triển khai 4 mô hình nuôi vịt biển tại huyện Cam Lâm. 4 hộ tham gia mô hình với số lượng 900 con, trong đó 2 hộ tại xã Cam Hải Đông (500 con) và 2 hộ tại xã Cam Hòa (400 con).
Bà Trần Thị Lý (thôn Thủy Triều, Cam Hải Đông) - hộ nuôi tham gia mô hình cho biết, vịt biển rất dễ nuôi, sức sống cao, hao hụt thấp, ít tiêu tốn thuốc chữa bệnh và tăng trọng nhanh. Được cán bộ Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn, bà quây lưới nửa trên bờ, nửa dưới nước. Sau giai đoạn úm, ban ngày bà lùa vịt xuống đầm cho ăn, ban đêm lùa lên bờ ngủ. Vịt lớn rất nhanh, 70 ngày tuổi đã đạt trọng lượng bình quân 2,5 kg/con. Ông Hoàng Văn Hóa (thôn Văn Tứ Đông, Cam Hòa) cho hay, vịt biển có thể sống thích hợp với đủ loại nguồn nước ngọt, mặn hay lợ. Hầu hết các hộ nuôi tham gia mô hình đều khẳng định nuôi vịt biển đơn giản, ít tốn kém, tỷ lệ sống có thể đạt 90 - 95%. Đặc biệt, chất lượng thịt vịt biển thơm, ngon.
Theo bác sĩ thú y Nguyễn Tường Hải - Trung tâm Khuyến nông, đơn vị triển khai mô hình nuôi vịt biển tại huyện Cam Lâm, bởi nơi này có điều kiện thuận lợi như: có đầm Thủy Triều kín gió, nhiều thức ăn nội sinh, người dân quen với nghề nuôi vịt. Vịt con 1 ngày tuổi (20.000 đồng/con) được lấy tại Công ty Vigova (TP. Hồ Chí Minh) - đơn vị chuyên cung cấp giống vịt biển có uy tín tại các tỉnh phía nam. Trung tâm đã hướng dẫn quy trình nuôi, cách phòng và chữa bệnh, cách làm chuồng trại, theo dõi, chăm sóc cho người dân. Chương trình hỗ trợ 50% giống, 30% thức ăn. Sau 80 ngày, trung tâm tiến hành nghiệm thu, 4 mô hình đều đạt hiệu quả, vịt tăng trọng tốt, cân nặng bình quân 2,7 - 2,8kg/con. Người dân rất phấn khởi với đối tượng nuôi mới và mong muốn phát triển thêm trong thời gian tới.
Theo các tài liệu, vịt biển là đề tài nghiên cứu, chọn tạo của Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Viện Chăn nuôi, Hà Nội), trong đó giống vịt biển 15 là giống vịt đầu tiên có thể sống trong môi trường biển, tìm mồi trên biển và đẻ trứng. Tại Khánh Hòa, vịt biển được nuôi tại 33 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa và cho kết quả tốt, vịt đã đẻ trứng. Giống vịt biển có thể thích nghi với mọi môi trường nước, sinh trưởng nhanh, chất lượng thịt cao. Vịt biển đẻ từ 20 - 21 tuần tuổi, năng suất trứng 235 - 247 quả/con, tương đương với năng suất đẻ của vịt siêu trứng.
Bà Nguyễn Thị Nhặn - Phó Trưởng trạm Khuyến công nông lâm ngư Cam Lâm cho biết, việc thử nghiệm nuôi vịt biển lần đầu ở huyện Cam Lâm cũng là lần đầu trên đất liền tại Khánh Hòa. Qua triển khai các mô hình tại Cam Lâm cho thấy, nuôi vịt biển khẳng định hiệu quả kinh tế, tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên cũng như lao động nhàn rỗi, phù hợp với các mô hình giảm nghèo. Thời gian tới, địa phương tiếp tục phối hợp với tỉnh triển khai nhân rộng mô hình.
Ông Nguyễn Tường Hải cho biết, nuôi vịt biển là bước đột phá trong ngành chăn nuôi thủy cầm, bởi từ trước tới nay, vịt không thể sống được ở môi trường nước biển mà chỉ sống trong đất liền và khu vực nước ngọt, lợ. Việc phát triển thành công giống vịt biển mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi vịt, đặc biệt là phát triển kinh tế vùng ven biển với hàng trăm ngàn hộ nông dân sống ven biển, đầm, cửa sông…
Vĩnh Lạc