10:10, 30/10/2017

Quả ngọt trên đất Sông Cầu

Xã Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) định hướng tập trung phát triển 2 loại cây trồng chủ lực là sầu riêng và bưởi da xanh để giúp người dân nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

 

Xã Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) định hướng tập trung phát triển 2 loại cây trồng chủ lực là sầu riêng và bưởi da xanh để giúp người dân nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.


Phát triển sầu riêng và bưởi da xanh


Xã Sông Cầu có tổng diện tích đất nông nghiệp 450ha, trong đó cây mía vẫn chiếm diện tích lớn nhất với 344ha. Tuy nhiên, những năm gần đây, người dân trong xã đang dần chuyển sang trồng bưởi da xanh và sầu riêng vì hiệu quả kinh tế cao, đây cũng là 2 trong số 4 loại cây trồng chủ lực của huyện Khánh Vĩnh; 2 loại cây còn lại là mít nghệ và xoài Úc.

 

Từ những cây sầu riêng đầu tiên của cựu chiến binh Nguyễn Hồng Sơn, đến nay, trên địa bàn xã Sông Cầu đã có 23ha sầu riêng. Trong đó, 70% diện tích đã cho thu hoạch, 30% còn lại đang trong thời kỳ sinh trưởng. Cây sầu riêng được đánh giá hợp thổ nhưỡng, khí hậu ở Sông Cầu, cho trái thơm ngon, cơm ráo, không nhão. Năm nay, sầu riêng được giá, mua tại vườn đã 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay, sản lượng sầu riêng giảm do mùa mưa cuối năm 2016 kéo dài làm nhiều cây sinh bệnh. Một số vườn giữ được sản lượng cho thu nhập khá. Để giúp người dân, lãnh đạo xã đã chỉ đạo cán bộ nông nghiệp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân chăm sóc cây sầu riêng; đồng thời, trồng dặm thay thế cây chết và gia cố đất ở những khu vực nước lên nhiều.


Bên cạnh sầu riêng, 3 năm gần đây, cây bưởi da xanh phát triển mạnh trên địa bàn xã. Đây là loại cây có giá trị kinh tế cao, người dân bán tại vườn bưởi loại 1 là 50.000 đồng/kg, loại 2 khoảng 30.000 đồng/kg. Theo ông Nguyễn Ngọc Hoa - Quyền Chủ tịch UBND xã Sông Cầu, đến tháng 9-2017, toàn xã có hơn 45ha bưởi da xanh, người dân đã đăng ký trồng thêm 13ha theo đề án cây trồng chủ lực của huyện và Quyết định 661 của UBND tỉnh về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, với diện tích đăng ký trồng từ 1ha trở lên, người dân được hỗ trợ 10 triệu đồng để đầu tư hệ thống tưới tiêu, hỗ trợ cây giống và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch. Ngoài ra, người dân còn chủ động chuyển đổi một số diện tích mía gần sông, suối chủ động được về tưới tiêu sang trồng bưởi da xanh.

 

Trồng bưởi da xanh mang lại giá trị kinh tế cao

Trồng bưởi da xanh mang lại giá trị kinh tế cao

 

Tập trung xây dựng nông thôn mới


Hiện nay, xã Sông Cầu đã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Để hoàn thành vào năm 2019, xã Sông Cầu đang tập trung cho 6 tiêu chí còn lại. Về tiêu chí thu nhập, năm 2016, thu nhập người dân của xã mới đạt 24 triệu đồng/người; mục tiêu năm 2019 phải đạt 37 triệu đồng/người. Ông Nguyễn Ngọc Hoa cho biết, để đạt tiêu chí này, xã đề ra 3 giải pháp: Thứ nhất, chủ động phối hợp tổ chức dạy nghề, đào tạo lao động để người dân địa phương có cơ hội việc làm khi Cụm công nghiệp Sông Cầu đi vào hoạt động. Thứ hai, phát triển mạnh các loại cây ăn trái có giá trị cao bằng việc chuyển đổi vườn tạp với loại cây có giá trị kinh tế thấp sang loại cây có giá trị kinh tế cao; phát triển mạnh ở những khu vực lâu nay chủ yếu trồng mía, nhất là dọc 2 bờ sông Cầu, sông Cái; xây dựng các tổ liên kết, xúc tiến thành lập hợp tác xã để người dân chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm bớt rủi ro trong quá trình sản xuất. Thứ ba, đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, địa phương đã bóc tách 7ha đất cho 7 hộ nghèo. Lãnh đạo xã đã làm việc trực tiếp với các hộ để người dân phát dọn, trồng trọt đúng thời vụ. Xã đã hướng dẫn người dân trồng trọt cho hiệu quả trên diện tích đã bóc tách bằng cách trồng xen keo và bắp để lấy ngắn nuôi dài. 5 tiêu chí còn lại chưa đạt là: cơ sở hạ tầng thương mại (chợ), quy hoạch, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Trong năm 2017, xã sẽ phấn đấu đạt 3 tiêu chí: chợ nông thôn, trường học và quy hoạch.

 

Xã Sông Cầu có 3 thôn (Đông, Tây, Nam) với 359 hộ; trong đó, có hơn 20 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tập trung ở thôn Nam. Toàn xã có 13 hộ nghèo, trong đó có 7 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.

Điểm đặc biệt ở xã Sông Cầu là đối với 7 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo được xã bố trí 7 nhóm hỗ trợ. Mỗi nhóm gồm 2 người là cán bộ xã hay cán bộ thôn giúp đỡ trực tiếp cho 1 hộ. Những cán bộ sẽ thường xuyên đến nhà quan tâm, hướng dẫn cho các hộ sản xuất, xem heo đen, bò được Nhà nước hỗ trợ hay đất được bóc tách sử dụng như thế nào; xem họ có khó khăn gì để kịp thời hỗ trợ. Gia đình bà Cao Thị Quyển (thôn Nam) được xã cử trưởng thôn và cán bộ phụ trách lao động - thương binh và xã hội của xã giúp đỡ. Bà Quyển chia sẻ: “Gia đình tôi được hỗ trợ sửa lại nhà. Nhà tôi không có đất sản xuất, vợ chồng chỉ làm thuê, làm mướn, nay được chính quyền bóc tách cho 1ha đất và hỗ trợ bắp giống nên rất mừng”. Cùng Phó Chủ tịch HĐND xã, ông Nguyễn Huy Vũ cán bộ nông nghiệp xã Sông Cầu được phân công giúp đỡ hộ ông Cao Là Bang (thôn Nam), một trong những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo của xã. Chỉ với 5 triệu đồng do UBMTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ, những cán bộ được phân công giúp đỡ hộ Cao Là Bang đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ thêm xi măng, cát, sỏi… còn bản thân cán bộ trực tiếp bỏ công làm cùng gia đình để dựng nhà cho hộ này. Bên cạnh đó, hướng dẫn hộ dân trồng bắp, keo trên diện tích đất được bóc tách.


Hiện nay, xã Sông Cầu nỗ lực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới để về đích vào năm 2019 với kỳ vọng thay đổi bộ mặt của xã, nâng cao cuộc sống của người dân.


NAM DU