Việc nuôi trồng thủy sản tại khu vực Hòn Thị, đầm Nha Phu (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đang gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông đường thủy.
Việc nuôi trồng thủy sản (NTTS) tại khu vực Hòn Thị, đầm Nha Phu (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đang gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông đường thủy.
Tại khu vực NTTS ở Hòn Thị, chúng tôi bắt gặp rất nhiều xác cá bớp, cá chim nhỏ nổi dập dềnh trên mặt nước. Ông Nguyễn Văn Phi (xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang) cho biết, gia đình ông thả nuôi 1.400 con cá bớp và 12.000 con cá chim tại khu vực Hòn Thị. Trong một tháng qua, loại nào cũng chết đến 30 - 40%. Hỏi ông khi cá chết thì xử lý bằng cách nào, ông nói: “Cá lớn thì bán được đồng nào hay đồng đó, cá nhỏ thì vớt thả xuống biển”.
Một góc khu vực nuôi trồng thủy sản trên đầm Nha Phu |
Tại bè nuôi cá của gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn, chúng tôi được 2 thanh niên nuôi cá thuê cho gia đình ông cho biết: “Những ngày qua, cá chết liên tục nên chủ bè đã di chuyển 1 bè nuôi cá bớp sang khu vực khác. Ngoài bè của ông Tuấn, còn có 2 bè của 2 hộ nuôi khác cũng di chuyển sang Hòn Giữa để có nước sạch”.
Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú, việc người dân NTTS một cách tự phát tại khu vực Hòn Thị, Hòn Lăng đang để lại nhiều hệ lụy, nhất là vệ sinh, cảnh quan môi trường trên đầm bị ảnh hưởng do rác thải, chất thải sinh hoạt trên các lồng bè xả thẳng ra biển. Cứ mỗi lần cá nuôi chết là đầm Nha Phu lại bốc mùi hôi thối do xác cá nổi khắp mặt đầm. Hàng ngày, công ty có hàng chục chuyến tàu đưa khách du lịch ra vào Khu du lịch Suối Hoa Lan đi ngang qua khu vực này. Việc di chuyển các lồng bè NTTS lộn xộn, thậm chí lấn hết luồng đi của tàu thuyền đã gây mất an toàn giao thông đường thủy, nhất là khi có thời tiết xấu. Công ty kiến nghị, địa phương phải có quy hoạch khu vực NTTS trên đầm Nha Phu sao cho phù hợp. Người NTTS cần tuân thủ quy trình nuôi, nhất là khi thủy sản bị chết không nên vứt xác ra biển để tránh ô nhiễm môi trường; việc di chuyển lồng bè cần tránh ảnh hưởng đến các phương tiện khác.
Theo ông Phạm Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích, mới đây, Hội Nông dân xã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh đã đi kiểm tra thực tế việc NTTS bị thiệt hại ở khu vực Hòn Thị. Theo người dân cung cấp, có 43 hộ bị thiệt hại với sản lượng cá bớp, cá chim chết lên đến gần 130 tấn. Người NTTS tại khu vực này không chỉ có người dân xã Ninh Ích mà còn có xã Vĩnh Lương (TP. Nha Trang), thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh) đến mua bè để nuôi cá bớp, cá chim.
Vấn đề đầm Nha Phu bị ô nhiễm cũng đã có cơ quan chuyên môn nghiên cứu. Hiện nay, Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững đang được triển khai trên địa bàn các xã ven đầm Nha Phu; trong đó, có các hợp phần về nuôi trồng, khai thác thủy sản, bảo vệ môi trường sinh thái vùng ven bờ bền vững. Dự án này sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường đầm Nha Phu. Về vấn đề mất an toàn giao thông đường thủy, Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú đã có kiến nghị lên UBND xã, UBND thị xã Ninh Hòa.
Ông Nguyễn Tiến - Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết: “Sau khi tiếp nhận thông tin cá chết gây ô nhiễm môi trường, đồng thời việc di dời các lồng bè gây mất an toàn giao thông đường thủy tại khu vực đầm Nha Phu, Phòng Kinh tế thị xã đã chủ trì cùng với các cơ quan liên quan, xã Ninh Ích và Công ty Cổ phần Du lịch Long Phú trực tiếp đến khu vực này để kiểm tra. Thực tế cho thấy có một số bè nuôi cá, nuôi ốc hương đang ảnh hưởng đến luồng lạch của các tàu du lịch chở khách ra vào Khu du lịch Suối Hoa Lan. Trước mắt, phòng đề nghị UBND xã Ninh Ích vận đồng người dân di dời một số lồng bè ra khỏi khu vực này để đảm bảo an toàn giao thông. Về vấn đề ô nhiễm môi trường do cá chết thì vận động người dân tuân thủ quy trình nuôi, khi có cá chết phải thu gom, đưa đi tiêu hủy đúng quy định”.
Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần có biện pháp để xử lý dứt điểm tình trạng này, nhất là việc quy hoạch một khu vực nuôi hợp lý. Về phần mình, người nuôi cũng cần tuân thủ quy trình nuôi, tránh vứt rác, xác cá bị chết xuống biển gây ô nhiễm môi trường nuôi.
P. V