08:05, 27/05/2013

Nâng tầm cho Cảng Cam Ranh

Sau 3 năm xây dựng, Công ty TNHH một thành viên Cảng Cam Ranh đã khánh thành và đưa vào khai thác cầu tàu 50.000 DWT. Đây là bước ngoặt đánh dấu bước phát triển mới, nâng tầm cảng Cam Ranh thành đầu mối giao thông đường biển quan trọng ở khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Sau 3 năm xây dựng, Công ty TNHH một thành viên Cảng Cam Ranh đã khánh thành và đưa vào khai thác cầu tàu 50.000 DWT. Đây là bước ngoặt đánh dấu bước phát triển mới, nâng tầm cảng Cam Ranh thành đầu mối giao thông đường biển quan trọng ở khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.


Bước ngoặt mới


Cảng Cam Ranh là cảng thương mại quốc tế nằm trong vịnh Cam Ranh - nơi hội tụ những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc phát triển cảng biển khi nằm gần đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường hàng hải quốc tế. Khi đất nước mở cửa hội nhập, kinh tế khu vực ngày càng khởi sắc, giao thương giữa Khánh Hòa và các tỉnh lân cận không ngừng mở rộng. Từ đó, cảng Cam Ranh ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của Khánh Hòa, là đầu mối giao thông đường biển quan trọng khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

 Tàu vào làm hàng tại cảng Cam Ranh.
Tàu vào làm hàng tại cảng Cam Ranh.


Nhận thức được tầm quan trọng của cảng Cam Ranh trong chiến lược phát triển KT-XH địa phương và các tỉnh trong khu vực, tháng 5-2010, Dự án bến số 2 cảng Cam Ranh giai đoạn 1 do Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam làm chủ đầu tư đã chính thức khởi công. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 519,9 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng gần 303,4 tỷ đồng và chi phí thiết bị gần 137,7 tỷ đồng. Sau 3 năm triển khai thi công, tuy còn gặp nhiều khó khăn do suy giảm kinh tế, vừa xây dựng vừa đảm bảo cho tàu ra vào cảng an toàn, nhưng với quyết tâm của chủ đầu tư, ngày 24-5-2013, cảng Cam Ranh đã khánh thành và đưa vào khai thác cầu tàu 50.000 DWT đúng tiến độ đề ra.


Bến số 2 được nối liền với bến số 1, có chiều dài 180m, nâng tổng chiều dài cả 2 bến lên 362m. Độ sâu trước bến 12,6m, có khả năng tiếp nhận các loại tàu tổng hợp, tàu container có trọng tải 50.000 DWT; công suất cảng được nâng từ 1 triệu tấn/năm lên 2,5 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, cảng Cam Ranh được đầu tư lắp đặt các thiết bị công nghệ phục vụ cho việc xếp dỡ hàng tổng hợp, hàng container và hàng siêu trường, siêu trọng đảm bảo công suất thông qua cảng nhanh chóng, tiện lợi.


Tạo đà cho kinh tế phát triển


Ông Vũ Khắc Từ - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam cho biết: Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, Việt Nam có 49 cảng biển. Trong đó, loại 1 có 17 cảng, loại 2: 23 cảng, loại 3: 9 cảng. Cảng Cam Ranh là 1 trong 17 cảng đầu mối loại 1, là cửa ngõ giao thông quan trọng để lưu thông hàng hóa từ các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng ra thế giới. Thực tế, điều kiện KT-XH khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên phát triển chậm, chưa xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có. Giá trị ngành Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của khu vực chiếm tỷ trọng thấp, chủ yếu là nông, lâm, ngư nghiệp và dịch vụ. Hàng hóa thông qua cảng Cam Ranh và các cảng khác trong khu vực chủ yếu là khoáng sản, nông sản, trong khi các cảng trong khu vực chỉ tiếp nhận được những loại tàu đến 30.000 DWT. Chính vì vậy, việc cảng Cam Ranh khánh thành và đưa vào khai thác cầu tàu 50.000 DWT là động lực tạo sự phát triển kinh tế cho khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên nói chung, Khánh Hòa nói riêng, góp phần bổ sung năng lực vận tải biển cho cả nước, giảm tải cho các cảng biển lớn tại TP. Hồ Chí Minh.

1
Bến số 2 vừa được đưa vào khai thác.


Theo quy hoạch chi tiết sử dụng đất đã được UBND tỉnh phê duyệt đến năm 2020, quỹ đất dành cho mở rộng và phát triển cảng là 89ha. Hiện nay, cảng Cam Ranh mới sử dụng hơn 12ha, còn lại gần 77ha dành cho việc xây dựng kho, bãi chứa hàng hóa và dịch vụ hậu cần sau cảng. Những năm qua, tổng sản lượng hàng thông qua cảng đạt khoảng 1,2 - 1,5 triệu tấn/năm. Trong đó, cơ cấu hàng xuất nhập khẩu luôn chiếm tỷ trọng hơn 50%; doanh thu và lợi nhuận tăng từ 10 đến 15%/năm; đặc biệt, doanh thu từ các dịch vụ hậu cần cảng biển ngày càng chiếm tỷ trọng lớn.


Ông Phạm Hữu Tấn - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cảng Cam Ranh cho biết: Song song với việc đưa vào khai thác cầu tàu 50.000 DWT, Công ty đang từng bước đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng hiện hữu, nâng cấp các trang thiết bị và công nghệ xếp dỡ để tăng nhanh năng suất, giảm cường độ lao động cho công nhân, đảm bảo an toàn về người, tài sản và hàng hóa, giảm giá thành xếp dỡ và thời gian làm hàng tại cảng cho khách hàng. Mặt khác, đơn vị từng bước xây dựng và áp dụng quy trình quản lý chất lượng ISO vào hoạt động quản trị doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình hoạt động các đơn vị trực thuộc để tạo điều kiện phát huy tối đa quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh, tạo sức bật mới cho sự phát triển. Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là nhân lực phục vụ cho việc quản lý, khai thác hàng container và công nhân kỹ thuật lành nghề; phấn đấu xây dựng và phát triển cảng Cam Ranh trở thành một cảng biển phục vụ tốt các nhu cầu của khách hàng và hội nhập kinh tế quốc tế.


ANH TUẤN