09:06, 16/06/2009

Rút ngắn quá trình chế biến gỗ

Nguồn gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trên địa bàn huyện Khánh Sơn đang bước vào giai đoạn khai thác. Để sử dụng có hiệu quả nguồn gỗ rừng trồng và các loại gỗ tạp khác vào sản xuất...

Gỗ được xếp vào lò sấy.

Nguồn gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trên địa bàn huyện Khánh Sơn đang bước vào giai đoạn khai thác. Để sử dụng có hiệu quả nguồn gỗ rừng trồng và các loại gỗ tạp khác vào sản xuất mặt hàng mộc gia dụng và hàng thủ công mỹ nghệ, Doanh nghiệp Tư nhân Phương Đài (huyện Khánh Sơn) đã mạnh dạn đầu tư lò sấy gỗ nhằm rút ngắn thời gian chế biến gỗ, kịp thời cung cấp sản phẩm cho thị trường.

Hiện nay, nguồn gỗ rừng trồng trên địa bàn huyện Khánh Sơn đã đến tuổi khai thác. Nhiều hộ gia đình thu hoạch cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến gỗ dăm, bột giấy trong và ngoài tỉnh. Một số hộ tận dụng nguồn gỗ này để cưa xẻ xây dựng nhà, làm vật dụng trong gia đình. Cùng với sự phát triển xã hội, thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao, nhu cầu tiêu dùng hàng mộc dân dụng, thủ công mỹ nghệ ngày càng phong phú. Qua nghiên cứu tiềm năng thị trường, Doanh nghiệp Tư nhân Phương Đài đã mạnh dạn đầu tư 600 triệu đồng xây dựng và lắp đặt lò sấy gỗ tại địa phương để sấy gỗ rừng trồng và gỗ tận dụng (các loại gốc cây). Phần lớn kinh phí, doanh nghiệp đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị như: hệ thống đường ống dẫn hơi, quạt hút đẩy, phun ẩm, cách nhiệt, điện 3 pha… Hệ thống lò sấy gỗ này là một trong những công đoạn sản xuất các sản phẩm hàng mộc gia dụng, hàng thủ công mỹ nghệ của doanh nghiệp. Lò sấy đảm bảo công suất sấy 20m3 gỗ/chu kỳ 10 - 15 ngày. Ông Nguyễn Văn Bính - Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Phương Đài cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện rất ít cơ sở mộc tư nhân đủ lớn để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Phần lớn, những người thợ mộc đều đi làm thuê theo mùa vụ. Việc đầu tư lò sấy gỗ của doanh nghiệp sẽ rút ngắn thời gian chế biến gỗ, mở rộng sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động và thực hiện sấy gỗ rừng trồng.

Trước đây chưa có lò sấy, khi mua gỗ tươi về, Doanh nghiệp Tư nhân Phương Đài phải chờ đợi cho gỗ khô tự nhiên (nhằm tránh gỗ bị vênh) nên kéo dài đến 6 tháng mới đưa ra cưa xẻ, thậm chí có thể dài hơn do vùng núi Khánh Sơn thường mưa nhiều, nhiệt độ và độ ẩm không khí không đảm bảo cho gỗ tự khô. Hiện nay, hệ thống lò sấy giúp gỗ khô nhanh hơn, chống được mối mọt trong giai đoạn chờ đợi chế biến.

Sau khi sấy, gỗ được cưa xẻ để sản xuất các sản phẩm mộc gia dụng.

Đầu tư lò sấy gỗ là hướng đi nhằm rút ngắn thời gian sản xuất, giảm giá thành sản phẩm và giảm lao động nặng nhọc. Lò sấy được đốt bằng củi qua hệ thống quạt hút nhiệt nhờ gió làm điều hòa nhiệt độ trong buồng chứa gỗ đạt từ 50 - 570C. Theo biểu đồ sấy, bộ phận đốt lò sẽ kiểm tra thời gian và đồng hồ đo nhiệt độ để điều chỉnh công đoạn sấy, đồng thời cung cấp nước phun ẩm cho buồng gỗ, nhằm tạo khả năng hút ẩm diễn ra hài hòa (nếu hút ẩm nhanh, gỗ sẽ bị nứt, không còn giữ nguyên giá trị). Sau một chu kỳ sấy, gỗ được lấy ra để phân loại cho sản xuất các sản phẩm mộc gia dụng (giường, bàn, ghế, tủ áo, kệ, cửa…) và hàng thủ công mỹ nghệ. Theo tính toán, lò sấy gỗ sẽ góp phần giúp doanh nghiệp đạt doanh thu 400 triệu đồng/tháng, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động với thu nhập bình quân từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng. Ông Phan Văn Lân - Phó Trưởng phòng Công thương huyện Khánh Sơn nhận định: Lần đầu tiên, địa bàn Khánh Sơn xây dựng lò sấy gỗ. Hướng đi này sẽ góp phần giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, làm đa dạng các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Để phát huy công năng lò sấy gỗ, phát triển mạnh các mặt hàng gỗ rừng trồng và nguồn gỗ tận dụng trên địa bàn, doanh nghiệp cần phải hướng đến các hoạt động triển lãm giới thiệu sản phẩm và tham gia xuất khẩu để ổn định thị trường tiêu thụ…

Nguồn nguyên liệu để phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở Khánh Sơn đang trong giai đoạn khởi động. Bên cạnh trữ lượng gỗ rừng trồng, địa phương đang đầu tư trồng cây mít nghệ, mây nếp - nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Điều này hứa hẹn những tiềm năng mới cho tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương. Nếu được sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan chức năng và sự mạnh dạn đầu tư đến khu vực miền núi của các doanh nghiệp thì kinh tế - xã hội huyện Khánh Sơn sẽ phát triển nhanh hơn.

L.H.T