10:02, 12/02/2008

Sức hút của một làng nghề

Làng nghề đan giỏ ở xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) xuất hiện từ thời bao cấp, do một hộ gia đình ở Phú Yên vào lập nghiệp...

Nếu có vốn để dự trữ nguyên liệu, người lao động sẽ có thu nhập cao hơn.

Làng nghề đan giỏ ở xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) xuất hiện từ thời bao cấp, do một hộ gia đình ở Phú Yên vào lập nghiệp, gây dựng nên. Với kỹ thuật đơn giản, dễ học và ai cũng có thể làm được, nghề đan giỏ đã có sức hút nhanh chóng đối với khu vực nông thôn dôi dư nhiều lao động nông nhàn như Cam Thành Bắc. Từ đó, làng nghề được mở rộng và đang cần một hướng đi đúng để phát triển…

° CHÂN DUNG NGƯỜI KHAI PHÁ

Vợ chồng ông Hồ Ngọc Thạch, 61 tuổi, ở thôn Tân Sinh Tây (Cam Thành Bắc) được người dân nơi này xem như là “ông tổ” của làng nghề. Tản cư vào đây hồi những năm còn chiến tranh nhưng ông bà đã mang theo nghề cũ của quê mình: nghề đan ki và đan rổ rá, một nghề phổ biến ở làng Thạnh Đức, xã Xuân Quang, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên lúc bấy giờ, tới nơi định cư mới. Có 11 đứa con, ông bà phải bươn chải nhiều để kiếm sống. Công việc làm thuê làm mướn vất vả quanh năm, khiến cho cả gia đình phải di chuyển nhiều nơi. Rồi đến thời bao cấp, một thời kỳ kinh tế khó khăn, nghề đan ki vẫn không thể phát huy tác dụng. Vợ chồng ông phải tất tả ngược xuôi để chào hàng nhưng vẫn “chào thua” vì ở đây hàng không thể tiêu thụ được. Ông bà tìm đến các bến cá ven biển Cam Ranh, Ba Ngòi nghiên cứu, tìm hiểu các loại giỏ đựng cá của cư dân vùng biển. Từ những mẫu giỏ cá thường dùng, ông bà đã làm ra những mẫu giỏ tiêu biểu nhưng chắc chắn hơn, sau đó đem đi chào hàng. Và thành công đã đến ngoài sức tưởng tượng. Sau khi dùng giỏ đựng cá của ông bà, nhiều người đánh giá loại giỏ này rất tốt, và thế là người ta đua nhau mua loại giỏ mới, vừa bền, vừa đẹp. Có thị trường tiêu thụ, ông bà tiếp tục nhân rộng nghề truyền thống. Các con của ông bà lớn lên cũng học nghề gia truyền, tiếp tục truyền dạy, quảng bá cho bên vợ, bên chồng, người thân và cứ thế làng nghề nhân rộng mãi.

° HIỆU QUẢ TOÀN DIỆN

Ông Nguyễn Cư, thôn trưởng thôn Tân Sinh Tây cứ tấm tắc khen mãi những chiếc giỏ đựng thủy sản của ông bà Hồ Ngọc Thạch. Ông Cư quen thân với gia đình ông bà Thạch từ ngày mới giải phóng, khi ông bà về đây định cư. Khi HTX giải thể, ruộng đất trả về nguyên canh, cũng là lúc làng nghề bắt đầu phát triển, đời sống của người dân ở đây dễ chịu hơn. Những năm 1993, hàng “ăn” rất mạnh, nhiều tư thương đến đây hỏi mua, đặc biệt là vào mùa cá, từ tháng 3 đến tháng 6 Âm lịch. Với vật liệu là những lâm sản phụ của rừng như: lồ ô, giang, tre đá, song mây… sau những công đoạn khá đơn giản là chẻ nan, vót, gài đáy, đan, léo, làm quai, ghim đáy, người ta có thể làm ra sản phẩm dùng ngay. Hai sản phẩm chính của làng nghề đang lưu hành trên thị trường hiện nay là loại giỏ lớn (đường kính khoảng 50cm, giá tại chỗ 35.000đ) và giỏ nhỏ (đường kính 40cm, giá tại chỗ 18.000đ). Loại nhỏ là loại thường dùng và được làng nghề sản xuất với số lượng lớn. Một người làm giỏi có thể sản xuất 3 - 4 cái/ngày, sau khi trừ chi phí 1/2, kiếm lời khoảng 30.000đ. Nhà nào nhiều lao động càng kiếm được nhiều tiền. Bất luận người nào từ già, trẻ, gái, trai, ai cũng có thể làm được, đặc biệt là thích hợp với lao động thời gian nông nhàn (chiếm hơn 9 tháng trong năm). Chính vì vậy mà trong thôn, nhà nhà đan giỏ, người người đan giỏ. Nghề đan giỏ là cứu cánh việc làm ở đây nên nó đã nhanh chóng lan rộng ra nơi khác, nhất là các xã lân cận. Làng nghề giờ đây không còn gói gọn trong thôn Tân Sinh Tây mà ngay cả các thôn Tân Sinh Đông, Tân Thành cũng phát triển mạnh. Cả xã Cam Thành Bắc có hơn 300 hộ làm nghề này, thu hút hơn 500 lao động, nhất là phụ nữ, trẻ em. Nhiều bà con nơi khác đến học nghề, ông bà Thạch sẵn sàng chỉ dạy. Ngay cả Trung tâm Dạy nghề Khánh Sơn cũng tìm đến nghiên cứu.

Cái khó hiện nay của làng nghề là vấn đề nguyên liệu và người dân không có tiền mua nguyên liệu để dự trữ.

° CẦN MỘT HƯỚNG RA

Người ta không thể phủ nhận hiệu quả từ làng nghề mang lại, đó là: giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, hạn chế tiêu cực, tệ nạn trong xã hội. Lãnh đạo huyện Cam Lâm đã nhận thấy vấn đề này và hết sức quan tâm chỉ đạo. Hiện có 2 định hướng cho làng nghề: phát triển làng nghề hay hình thành HTX.

Thời gian qua, xã đã tranh thủ nguồn vốn từ Chương trình giải quyết việc làm 120 cho nông dân vay 200 triệu đồng để thực hiện 2 dự án đan giỏ. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển các dự án đan giỏ, tạo việc làm. Thiết nghĩ, chủ trương thành lập HTX là chủ trương đúng. Bởi có tư cách pháp nhân, HTX có thể góp vốn, thu hút lao động, mở rộng ngành nghề, tăng cường liên kết, liên doanh, tiêu thụ sản phẩm. Và một điều quan trọng hơn là, HTX là người đứng ra hợp đồng với lâm trường mua nguyên liệu, tránh bị tư thương ép giá và hạn chế nạn phá rừng ngoài quy hoạch lâm trường; đồng thời HTX cũng là chỗ dựa của xã viên thực hiện chiến lược sản xuất kinh doanh.

QUANG VIÊN