10:12, 29/12/2007

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2007

Nền kinh tế Việt Nam năm 2007 có nhiều bước đột phá mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả năm 2007 ước đạt khoảng 8,5% - mức cao nhất trong 10 năm qua...

Các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam. Ảnh: VietNamNet

Nền kinh tế Việt Nam năm 2007 có nhiều bước đột phá mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả năm 2007 ước đạt khoảng 8,5% - mức cao nhất trong 10 năm qua. Với những thành tựu kinh tế đạt được Việt Nam đang ngày càng khẳng định mình và là “con hổ” mới ở châu Á. Tin tức Online bình chọn 10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật nhất trong năm 2007.

1. Vốn đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục mới

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đầu tư FDI đăng ký trong năm nay đạt 20,3 tỷ USD, mức kỷ lục trong 20 năm qua (1998-2007) từ khi Việt Nam thực hiện mở cửa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Hiện, Việt Nam là nước nằm trong danh sách ưu tiên của các tập đoàn đa quốc gia đến từ châu Á, châu Âu và Hoa Kỳ. Với xu hướng ngày càng tăng trong việc thu hút FDI, Việt Nam đang ngày càng khẳng định mình và là “con hổ” mới ở châu Á.

2. TTCK biến động mạnh

Bất chấp sự “trái gió trở trời” của một thị trường chứng khoán sơ khai, bất chấp sự thiếu hụt cả kinh nghiệm và thông tin, các nhà đầu tư (NĐT) từ “đại gia” đến “tiểu gia” chạy đua giành lấy “chiếc bánh thị phần” chứng khoán.

Điều này đã làm cho thị trường chứng khoán VN năm qua biến động rất mạnh với chỉ số VN-Index tăng từ 740 điểm hồi đầu năm lên tới gần 1.200 điểm vào giữa tháng 3 và đang giảm trở lại về mốc 900 điểm.

Hàng loạt các cổ phiếu mới được đem giao dịch trên 2 sàn chứng khoán tập trung HOSE và HASTC. Càng đến cuối năm hoạt động IPO diễn ra rất sôi động, đặc biệt là sự kiện IPO của 1 ngân hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam là Vietcombank. Sự kiện này đánh dấu một bước đột phá trong tiến trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước.

Và có lẽ trong năm qua sự kiện ảnh hưởng nhiều đến thị trường chứng khoán đó là chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc hạn chế tỷ lệ cho vay kinh doanh chứng khoán dưới 3% tổng dư nợ. Quyết định này về ngắn hạn đã khiến thị trường suy giảm nhưng về dài hạn sẽ đảm bảo cho thị trường phát triển bền vững.

Một động thái khác góp phần giúp TTCK Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới là quyết định đưa các cổ phiếu đại chúng vào giao dịch tập trung tại các công ty chứng khoán. Khi thị trường giao dịch không chính thức được quản lý với số lượng cổ phiếu lớn gấp nhiều lần thị trường niêm yết thì sẽ có sự tác động qua lại tích cực giữa hai bên, đảm bảo cho sự phát triển thị trường chứng khoán nói chung.

3. Dự thảo thuế thu nhập cá nhân

Trong đợt lấy ý kiến về dự luật thuế thu nhập cá nhân từ 15-6 đến 15-8-2007 3 luật thuế thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng đó là: thuế thu nhập cá nhân, thuế chuyển nhượng bất động sản và thuế thu nhập từ các hoạt động kinh doanh chứng khoán.

Điểm mới của Dự thảo Luật là quy định về khoản tiền giảm trừ gia cảnh đối với những người phụ thuộc cho đối tượng nộp thuế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chọn mức giảm 4 triệu đồng một tháng cho cá nhân nộp thuế, với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng.

Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản được xác định bằng giá chuyển nhượng trừ giá mua bất động sản và các chi phí liên quan. Người chuyển nhượng sẽ được tự do lựa chọn một trong hai phương án nộp thuế, hoặc 25% trên lợi nhuận thu được, hoặc 2% trên giá trị bất động sản chuyển nhượng.

Lợi tức cổ phần, cổ phiếu thưởng, chênh lệch chuyển nhượng chứng khoán... là 3 nhóm đối tượng bị đánh thuế theo Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân do Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố. Trong đó, thuế cổ tức được thu bằng cách khấu trừ tại nguồn, với mức dự kiến 5%.

Bỏ qua khá nhiều ý kiến phản đối, Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên quan điểm đề nghị mức thuế 20% từ kinh doanh chứng khoán của nhà đầu tư (NĐT) cá nhân  theo dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực vào ngày 1-1-2009.

4. Thay đổi cơ chế quản lý giá xăng dầu

Các DN kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, sản xuất xăng dầu được quyết định giá bán xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Ảnh: Lao Động

Chỉ riêng bù lỗ giá dầu năm 2007 đã lên tới 10 nghìn tỉ đồng. Trong 10 nghìn tỉ đồng thì chúng ta mới có hơn 4 nghìn tỉ đồng cho tạm ứng để bù lỗ, còn 6 nghìn tỉ đồng còn lại chưa có nguồn bù đắp. Nếu tiếp tục bù lỗ sẽ rất khó khăn cho ngân sách nhà nước.

Kể từ 1-5-2007, các DN kinh doanh xăng dầu được quyền tự định giá. Về nguyên tắc, đây là cơ chế thả nổi giá xăng dầu cho thị trường điều tiết. Người tiêu dùng sẽ phải làm quen với cơ chế thị trường: có lên có xuống.

Tính từ đầu năm đến nay, giá bán lẻ đối với mặt hàng xăng đã 5 lần được điều chỉnh. Ngày 13-1-2007, giá xăng giảm 400đ/lít chỉ còn ở mức 10.100đ/ lít. Tuy nhiên, đến ngày 6-3-2007 giá xăng tăng 900đ/lít, đạt ở mức 11.000đ/lít. Ngày 7-5-2007, giá xăng A92 đã tiếp tục tăng thêm 800đ/lít, đứng ở mức 11.800đ/lít. Ngày 16-8-2007, giá xăng A92 giảm 500đ/lít dừng lại ở mức 11.300đ/lít.

Và đến ngày 22-11-2007, trước sự kiện giá dầu thế giới lên cao giá xăng trong nước đã tăng thêm 1.700đ/lít, đứng ở mức 13.000đ/lít. Đây là mức giá xăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay.

5. Lạm phát, giá cả tăng cao

Năm 2007, giá tiêu dùng tăng cao nhất trong vòng 11 năm qua. Chưa bao giờ giá hàng hóa lại trở thành vấn đề nóng bỏng mà cả Chính phủ lẫn người dân phải quan tâm đặc biệt như hiện nay. Mặc dù Chính phủ đã đưa ra rất nhiều biện pháp để kiềm chế cơn “sốt giá, ,giá vẫn cứ… tăng vùn vụt! Lạm phát năm 2007 lên tới 12,6%!

Cả nền kinh tế và cả xã hội đều bị tác động của tăng giá, nhưng bị ảnh hưởng nặng nhất là công chức nhà nước và người nghèo. Trong các hàng hóa thì lương thực, thực phẩm là loại hàng rất nhạy cảm, chỉ tăng vài nghìn đồng, tưởng nhỏ, nhưng đã đánh mạnh vào bữa ăn của các gia đình thu nhập thấp, làm gia tăng sự phân hóa giàu nghèo trong XH.

Năm 2007 là năm hội tụ của những “cơn bão” tệ hại cho nền kinh tế nước ta: thiên tai bão lụt, dịch bệnh và đặc biệt là "cơn bão" tăng giá kéo dài và bất kham.

Chính phủ cũng đã hy sinh hàng ngàn tỷ đồng trong việc giảm thuế nhập khẩu đối với 18 mặt hàng, rồi tăng cường kiểm tra giá bán tại các DN… Nhưng xem ra những “liều thuốc” này vẫn chưa đủ mạnh để hạ sốt giá hàng hóa.

Theo tính toán của Liên bộ Tài chính và Công thương, việc tăng giá xăng dầu lên thêm 1.700đ/lít đã khiến mức tăng giá các mặt hàng từ 0,11 - 10,82%. Cụ thể, điện tăng 5,6%, than tăng 2,2%, thép tăng  1,07%, xi măng tăng 1,82%. Nhóm dịch vụ vận tải tăng từ 3,82 - 5,8%, trong đó, đường bộ tăng 5,17%, đường sắt tăng 3,58% và đường sông tăng cao nhất là 5,8%. Đối với lương thực - thực phẩm tăng từ 0,11 - 1,51%. Trong đó, lúa tăng 1,51%, cà phê tăng 1,57%. Đặc biệt, đánh cá xa bờ tăng 10,82%. Dự báo giá cả các mặt hàng Tết sẽ tăng từ 25%đến 30%.

6. Thị trường ôtô sôi động, giá ôtô vẫn ở mức cao dù đã giảm thuế

Ngày 8-8-2007, Bộ Tài chính có quyết định giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng, trong đó có ô tô nguyên chiếc (từ 80% xuống còn 70%), người tiêu dùng hy vọng quyết định này sẽ tạo sức ép lên ô tô sản xuất lắp ráp trong nước và chờ đợi sự giảm giá hàng loạt. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Tất cả các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước khi được hỏi đều trả lời không có chuyện giảm giá xe.

Bộ Tài chính buộc phải làm "căng" với Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), một số thành viên VAMA hứa sẽ giảm giá bán ô tô lắp ráp, một số khác thì hứa sẽ cố gắng cắt giảm chi phí để có thể hạ giá bán, hay ít nhất cũng không tăng giá trong thời gian trước mắt. Và các DN cũng... "đòi" Bộ Tài chính xem xét giảm thuế NK phụ tùng ôtô.

Tuy nhiên, việc cam kết giảm giá bán xe của các DN cũng chỉ là mơ hồ. Giá xe nội vẫn không hề giảm kể cả những mẫu xe ế ẩm nhất. Để tiếp tục gây sức ép buộc các DN ôtô giảm giá bán xe Bộ Tài chính đã quyết định giảm thuế đối với mặt hàng ôtô mới nguyên chiếc dùng chở người từ 70% xuống còn 60%.

Tuy thuế đã giảm nhưng giá xe trong nước vẫn không có dấu hiệu giảm đáng kể. Trước tình hình đó Bộ Tài chính đã xem xét để tiếp tục giảm giá xe cũ và giá các linh kiện nhập khẩu. Tuy nhiên, đến thời điểm gần cuối năm giá xe vẫn không hề có dấu hiệu giảm trong khi nhu cầu mua xe của người dân rất cao. Tình trạng hiếm xe xảy ra thường xuyên.

Câu chuyện giá ô tô đã trở thành một đề tài nóng trong năm 2007. Người ta đặt ra một câu hỏi rằng liệu ôtô có phải là giấc mơ xa vời của người Việt Nam?

7. "Cơn sốt" bất động sản

Sau một thời gian dài “đóng băng”, năm 2007 thị trường bất động sản có dấu hiệu một “cơn sốt” mới.

Trong tháng 3-2007, lượng giao dịch tăng mạnh nhưng về giá cả chỉ sốt cục bộ đối với một số loại, ở một số nơi và “hạ nhiệt” cũng rất nhanh. Và từ vài tháng nay, đặc biệt trong những ngày gần đây, một mặt do yếu tố đầu cơ, mặt khác cũng báo hiệu một “cơn sốt” thứ ba có thể bắt đầu vào cuối năm 2007, hoặc đầu năm 2008.

Một thực tế hiện nay cho thấy, đất và nhà để ở tại các khu đô thị như The Manor, Gardon (Hà Nội), hay Vista, Phú Mỹ Hưng (TP. Hồ Chí Minh),... đang lên cơn “sốt” và “cháy hàng”. Thậm chí đã có tình trạng người dân chen nhau xếp hàng để đặt cọc tiền mua nhà với giá rất cao. Sở dĩ xảy ra tình trạng sốt đất này ngoài nguyên nhân do giới “cò”, các “đại gia” đầu cơ bất động sản và không ít Công ty địa ốc đã “góp công” rất lớn trong việc đẩy giá lên trời.

Theo các chuyên gia bất động sản, trong thời gian tới giá đất sẽ còn tiếp tục tăng nếu Nhà nước không kịp thời đưa ra những giải pháp “hạ hỏa” thị trường

8. Sôi động ngành ngân hàng

Tốc độ tăng trưởng trung bình của các ngân hàng hiện gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng của GDP. Lợi nhuận của nhiều ngân hàng (NH) cổ phần đã tăng gần gấp rưỡi tổng lợi nhuận của cả năm 2006; hàng loạt hồ sơ đệ trình lên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xin cấp phép thành lập ngân hàng thương mại cổ phần mới.

Và ngày 29-11-2007, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đã chấp thuận về mặt nguyên tắc với đề án thành lập ngân hàng cổ phần FPT, Bảo Việt, Liên Việt và Tài chính dầu khí, có số vốn điều lệ dao động từ 1.000 tỷ đến 5.000 tỷ đồng.

Thêm các nhân tố mới có nghĩa là cuộc đua trong ngành ngân hàng ngày càng trở nên quyết liệt hơn để giành thị phần, mạng lưới, nhân sự, công nghệ.... Các ngân hàng thương mại cổ phần đua nhau tăng vốn điều lệ, đua nhau tăng lãi suất tiền gửi, và đưa ra hàng loạt các dịch vụ tiện ích để thu hút khách hàng. Dự kiến đến cuối năm 2008 các ngân hàng sẽ tham gia liên minh thẻ ATM.

Trong năm qua cũng là năm có nhiều biến động đối với cổ phiếu ngành ngân hàng. Được đánh giá là cổ phiếu đại gia nên dù ở bất kỳ thời điểm nào cổ phiếu ngành này cũng là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư. Khá nhiều nhà đầu tư đã rút tiền từ cổ phiếu các ngành khác đầu tư vào cổ phiếu ngành ngân hàng. Một điều không nhà đầu tư nào có thể phủ nhận được là ngành ngân hàng đang là lĩnh vực phát triển tốt, an toàn và còn nhiều tiềm năng để khai thác đã làm cho cổ phiếu ngành này luôn có sức hút lớn.

9. Tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam 1 năm sau khi gia nhập WTO

Một năm sau khi trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nền kinh tế VN vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, khoảng 8,5%. Xuất khẩu đạt mức tăng khoảng 21%. Các lĩnh vực văn hóa xã hội có những chuyển biến tốt hơn, đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 15% và tạo thêm được 1,7 triệu việc làm mới.

Bên cạnh kết quả xuất khẩu khả quan, thì nhập siêu tăng mạnh là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý. Nhập siêu cả năm 2007 đã lên đến 10 tỷ USD, tăng trên 70% so với cùng kỳ năm 2006. Bộ Công thương cho biết, đây là mức nhập siêu cao nhất so với nhiều năm gần đây. Các mặt hàng nhập khẩu lớn, có mức tăng mạnh bao gồm: ô tô nguyên chiếc tăng 132%, linh kiện ôtô tăng  64%, thép tăng 56,4%, phôi thép tăng 37%, máy móc và thiết bị phụ tùng tăng 54%...

10. Cam kết ODA đạt gần 5,4 tỷ USD

Năm nay, các quốc gia và các tổ chức quốc tế cam kết nhà tài trợ ODA cho VN năm 2008 lên đến con số kỷ lục là 5,4 tỉ USD, cao hơn mức 4,45 tỷ USD cam kết cho 2007.

Ông Ajay Chhibber, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khẳng định: "Việt Nam là một trong những nước sử dụng vốn ODA hữu hiệu nhất thế giới". Ông cho biết, các nhà tài trợ đánh giá cao hiệu quả sử dụng cũng như tốc độ giải ngân vốn ODA của Việt Nam trong năm 2007.

Theo đó, việc sử dụng vốn ODA trong năm nay đã góp phần giúp Việt Nam vừa đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên 8%, vừa đưa được thành quả của sự tăng trưởng đó đến với mọi người mà cụ thể là đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 15%. Bên cạnh đó, tốc độ giải ngân vốn ODA năm nay vượt 5% dự kiến và tăng trên 10% so với năm 2006, gần tương đương với tốc độ tăng chung của thế giới.

Theo VietNamNet